Tàu cảnh sát biển Philippines và Trung Quốc đối đầu nhau ở bãi cạn Scaborough

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cảnh sát biển Philippines hôm nay thông báo một tàu tuần tra đang hoạt động ở vùng biển bãi Scaborough trên Biển Đông đầu tháng này, đã bị một tàu Hải cảnh Trung Quốc tiếp cận ở khoảng cách chỉ 19 mét.
Tàu Hải Cảnh Trung Quốc áp sát, ngăn cản tàu Philippines tuần tra ở vùng biển bãi Scaborough (Ảnh: Đông Phương).
Tàu Hải Cảnh Trung Quốc áp sát, ngăn cản tàu Philippines tuần tra ở vùng biển bãi Scaborough (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 27/3, Bộ Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Philippines cùng ngày cho biết, vào ngày 2 tháng này, khi chiếc tàu tuần tra BRP Malabrigo của họ đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra hàng hải ở vùng biển ngoài khơi bãi cạn Panatag (hay “Kulumpol ng Panatag”, Trung Quốc gọi là Huangyandao - đảo Hoàng Nham, tên quốc tế theo tiếng Anh là Scarborough Shoal), bãi cạn này còn được người dân địa phương ở Philippines gọi là "Bajo de Masinloc".

Tin cho biết, chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 3305 đã áp sát, hai tàu chỉ cách nhau chưa đầy 20 mét, các nhân viên người Philippines đã giám sát chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc từ trên tàu Malafrigo.

Chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu Philippines (Ảnh: Đông Phương).

Chiếc tàu Hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu Philippines (Ảnh: Đông Phương).

Theo Đông Phương, Philippines đã phê phán hành động của tàu Hải Cảnh Trung Quốc vì đã hạn chế hành trình của tàu Malafrigo, rõ ràng đã vi phạm Công ước quốc tế về các quy định ngăn ngừa va chạm trên biển. Đây là lần thứ tư tàu Hải Cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu của Philippines ở vùng biển bãi Scaborough trong hai năm qua. Ba lần xảy ra gần nhất trước đây là vào các ngày 19/5, 1/6 và 2/6 năm 2021. Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Artemio Abu đã lên án các tàu Trung Quốc có liên quan làm gia tăng nguy cơ va chạm với tàu Philippines, và cho biết Lực lượng Cảnh sát biển đã ngay lập tức phối hợp với Tổ Đặc nhiệm Nhà nước về Biển Tây Philippines và Bộ Ngoại giao để đối phó dựa trên các quy tắc và phương thức hòa bình.

Hiện không rõ liệu Philippines có phản đối ngoại giao với Trung Quốc về vụ việc này hay không. Bộ Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Philippines cho biết đã được sự đồng ý của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia phụ trách Biển Tây Philippines trước khi vụ việc được công khai. Tư lệnh Cảnh sát biển Philippines Artemio Abu cho biết đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Philippines giúp giải quyết vấn đề thông qua "cách tiếp cận hòa bình, dựa trên quy tắc."

Video vụ đối đầu trên biển giữa hai tàu Philippines và Trung Quốc (Nguồn: PCG)

Bộ Ngoại giao Philippines và Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết vùng biển nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” phi pháp ở Biển Đông, mà Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.

Ông Artemio Abu tuyên bố, bất chấp rủi ro, tài sản và nhân viên của Philippines sẽ tiếp tục được triển khai tại các vùng biển nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Bãi Scarborough là một đảo san hô vòng gồm nhiều đá ngầm và đá nổi, nằm giữa bãi Macclesfield và đảo Luzon của Philippines ở Biển Đông. Bãi này cách vịnh Subic 123 hải lý (198 km) và đảo Luzon 137 hải lý (220 km) về phía tây.

Vị trí bãi Scaborough trên Biển Đông (Ảnh: VOA).

Vị trí bãi Scaborough trên Biển Đông (Ảnh: VOA).

Bãi Scarborough được gọi theo tên một thương thuyền chở chè (trà) bị đắm ở bãi cạn này vào năm 1784, tất cả mọi người trên tàu đều bị thiệt mạng.

Hiện nay, cả Đài Loan, Philippines và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough. Đài Loan và Trung Quốc xem bãi cạn này là một phần của quần đảo Trung Sa. Chính quyền Quốc Dân Đảng đặt tên cho bãi này là South Rock trong các bản đồ xuất bản từ 1938 đến 1945, năm 1947 đổi tên là Minzhujiao (Dân Chủ tiêu – Đá Dân Chủ).

Philippines thì cho rằng họ đã thực thi chủ quyền của mình với bãi cạn này từ năm 1965 bằng cách xây một ngọn hải đăng bằng sắt tại đây. Philippines cũng cho rằng bãi cạn này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý được Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 công nhận. Kể từ năm 1997, Philippines đã tuyên bố chủ quyền đối với bãi Scaborough.

Ảnh vệ tinh bãi Scaborough (Ảnh: CSIS/AMTI).

Ảnh vệ tinh bãi Scaborough (Ảnh: CSIS/AMTI).

Trung Quốc mãi đến năm 1983 mới chính thức đặt tên cho bãi này là Huangyandao (Đảo Hoàng Nham). Tháng 5/1997 và tháng 6/2012 tàu công vụ hai bên đối đầu lần đầu tiên tại đây, nhưng sau 3 ngày thì tàu Trung Quốc chủ động rút đi. Sau đó hai bên tiếp tục đối đầu vào ngày 3/11/1999. Tới tháng 4/2012 Trung Quốc đã cho các tàu chiến trá hình Hải Giám tới xua đuổi các tàu và ngư dân Philippines rồi chính thức chiếm bãi cạn này từ tay người Philippines kể từ ngày 18/6/2012.

Bãi Scaborough được tạo thành từ một chuỗi rạn san hô và đá có hình tam giác với chu vi là 55 km và tổng diện tích (gồm cả hồ nước cạn ở giữa) là 150 km2. Hồ nước nông ở bên trong vòng san hô có diện tích 130 km2 và độ sâu 10-20m. Bãi cạn này nhô lên từ vùng biển xung quanh có độ sâu 3.500 m. Trên bãi cạn chỉ có vài hòn đá, trong đó có hòn mà Trung Quốc gọi là Nam Nham (Hòn đá màu Vàng) nằm ở tọa độ 15°08'N,117°48'E, diện tích 3m2, nhô lên mặt biển 1,8m; phần lớn bãi đá ngầm đều chìm dưới nước khi thủy triều lên. Gần cửa ra vào của hồ nước có một phế tích của tháp hải đăng bằng sắt cao 8,3 m do Hải quân Philippines dựng lên vào năm 1965.