|
Theo thống kê của Cục Viễn thông, tính đến tháng 5 năm 2024, vẫn còn tới 11 triệu thuê bao 2G hoạt động trên tổng số 130 triệu thuê bao của 5 nhà mạng viễn thông (tương đương 11%), trong đó nhà mạng Viettel chiếm số lượng nhiều nhất với gần 7 triệu thuê bao.
Vào ngày 16/9 tới đây - thời điểm các nhà mạng tại Việt Nam ngừng dịch vụ 2G, không loại trừ trường hợp gần ngày cuối các thuê bao 2G sẽ dồn dập tới đăng ký chuyển mạng, kích hoạt mạng mới. Liệu việc này có thể gây ra tình trạng nghẽn mạng, gián đoạn dịch vụ như đã từng xảy ra với ngành ngân hàng trong những ngày đầu áp dụng xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch trên 10 triệu đồng?
Đây là câu hỏi mà phóng viên VietTimes đặt ra cho ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông và các nhà mạng tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì" do báo VietnamNet phối hợp với Cục Viễn thông tổ chức sáng 18/7.
Trả lời cho câu hỏi này, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết trong thời gian qua các nhà mạng đã đầu tư rất lớn về nguồn lực, con người và trang thiết bị. Chẳng hạn như VinaPhone sẽ đầu tư 55.000 trạm thu phát sóng mới từ nay cho đến tháng 9. MobiFone và Viettel cũng đã có sự chuẩn bị đầy đủ.
"Ở góc nhìn của cơ quan quản lý, việc chuyển đổi phải đảm bảo lợi ích, quyền lợi cho người sử dụng, hài hòa với lợi ích của doanh nghiệp. Với những quy chuẩn chất lượng đã ban hành, người dùng có thể yên tâm về dịch vụ sẽ không bị gián đoạn", ông Nhã nhận định.
Đại diện nhà mạng VinaPhone, ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng giám đốc VNPT cho rằng sẽ không có vấn đề gì lớn xảy ra trong những ngày dừng dịch vụ 2G, do nhóm khách hàng 2G không sử dụng nhiều các dịch vụ khác ngoài thoại và tin nhắn. VinaPhone sẽ cố gắng mở rộng vùng phủ sóng 4G tới nhiều địa điểm vùng sâu vùng xa trên khắp cả nước để phục vụ khách hàng chuyển đổi từ 2G sang 4G.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone nhấn mạnh, khi tắt sóng 2G, khách hàng chỉ cần đổi thiết bị đầu cuối sang thiết bị 3G/4G và đổi SIM là có thể sử dụng bình thường. Nhóm khách hàng này chỉ dùng dịch vụ thoại và nhắn tin, mà dịch vụ này đang giảm đi hàng năm do xu hướng sử dụng thoại trên nền tảng OTT (Internet) tăng lên. Nên về mặt kỹ thuật, hạ tầng MobiFone có thể đảm bảo không xảy ra tình trạng nghẽn mạng.
Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom chia sẻ rằng để giảm tải cho hệ thống trước ngày 15/9, Viettel Telecom đã tiến hành tuyên truyền, đổi mạng mới cho thuê bao 2G. Tháng 7 này đang triển khai tại 70 huyện, còn gần 600 huyện thực hiện theo đợt, mỗi đợt 10 ngày. Đến 15/9 thì lượng thuê bao 2G chưa chuyển đổi của Viettel chỉ còn khoảng 1 triệu. Ông Tính cho rằng sẽ không có tình trạng nghẽn mạng, nghẽn liên lạc, nếu có thì ở phạm vi rất nhỏ.
Các nhà mạng đã chuẩn bị thế nào cho ngày 15/9?
Theo ông Lê Đắc Kiên, thực hiện theo chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT-VinaPhone đã đã đẩy nhanh tiến trình và chủ động tắt 2G ở những vùng không còn sử dụng 2G. VinaPhone đã sẵn sàng hỗ trợ khách hàng chuyển đổi dịch vụ mạng. Tuy nhiên, đối với một số khách hàng là ngư dân trên biển, họ có thể không có đầy đủ thông tin về thời điểm dừng dịch vụ 2G, nên có thể sẽ bị ảnh hưởng.
VinaPhone đã chuẩn bị thiết bị đầu cuối cho khách hàng. Có loại feature phone vào được 4G nên khách hàng có thể sẽ không bỡ ngỡ khi đổi điện thoại mới.
Ông Kiên nói thêm rằng từ giờ cho đến 15/9 sẽ có những khách hàng bị ảnh hưởng do không theo dõi truyền thông. Ông khuyến cáo khách hàng chuẩn bị tâm lý vì trước sau cũng phải bỏ 2G.
VinaPhone đã chuẩn bị thiết bị đầu cuối cho khách hàng. Đối với những khách hàng chỉ quen dùng điện thoại cơ bản (feature phone, hay còn gọi là điện thoại cục gạch), VinaPhone có cung cấp những mẫu feature phone có thể vào mạng 4G nên khách hàng sẽ không bỡ ngỡ khi đổi điện thoại mới, ông Kiên nói thêm.
Phó Tổng giám đốc VNPT cũng khuyến cáo Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành liên quan có cơ chế kiểm soát các thiết bị 2G không hợp quy trên thị trường, ngăn chặn thiết bị đầu cuối trôi nổi, đảm bảo chất lượng dịch vụ cho khách hàng.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng giám đốc MobiFone chia sẻ rằng trong 1 năm qua số lượng thuê bao 2G của MobiFone đã giảm từ 3 triệu xuống còn 1 triệu thuê bao, chỉ chiếm dưới 5% tổng số thuê bao. MobiFone đã và đang hỗ trợ khách hàng về gói cước và thiết bị (thông qua việc phối hợp với đối tác). Nhà mạng này cũng đang triển khai chương trình tặng máy feature phone 4G cho khách hàng có hoàn cảnh khó khăn.
"Khi chuyển đổi từ 2G sang 4G", các dịch vụ thiết yếu dành cho khách hàng vẫn sử dụng được. Theo chủ trương của Bộ, MobiFone đã tắt dần các trạm 2G, tăng vùng phủ sóng 4G. Cơ bản không có phản ánh gì của khách hàng khi MobiFone triển khai công việc này", ông Bùi Sơn Nam nhấn mạnh.
Từ 1/3, thực hiện chỉ đạo của Bộ, MobiFone đã chặn các thiết bị 2G không hợp quy, không thể sử dụng trên sóng của nhà mạng này. Những thiết bị hợp quy đến 15/9 sẽ bị ngừng dịch vụ nên MobiFone đã có những khuyến cáo với khách hàng để đổi điện thoại và dịch vụ.
Ông Nam đề xuất thành lập một quỹ viễn thông công ích với sự kết hợp của nhà nước, các nhà mạng và đối tác để triển khai chương trình tặng điện thoại, hỗ trợ lên đời điện thoại cho khách hàng chuyển đổi từ dịch vụ 2G lên 4G.
Ông Nguyễn Trọng Tính - Viettel Telecom lại cung cấp một con số thống kê đáng chú ý. Qua khảo sát, Viettel Telecom nhận thấy số lượng điện thoại 4G giá rẻ dưới 3 triệu đồng trên thị trường hiện nay tương đối ít, có thể không đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi của khách hàng. Ông Tính đề nghị các nhà sản xuất nâng cao số lượng điện thoại 4G giá rẻ.
Viettel là nhà mạng có số lượng thuê bao 4G lớn nhất, trong đó 70% thuê bao tập trung ở vùng nông thôn, có khó khăn trong chuyển đổi dịch vụ mạng. Viettel cũng đã có chính sách hỗ trợ các điểm bán máy để cung cấp thiết bị với giá tốt nhất cho người sử dụng.
"Vấn đề còn lại là sự đồng thuận của khách hàng và sự đáp ứng thiết bị đầu cuối của nhà cung cấp", ông Tính cho biết.
Ông Nguyễn Anh Dũng, đại diện nhà mạng ảo VnSky cho biết khách hàng chủ yếu của nhà mạng này đang dùng smartphone 4G, số lượng khách hàng 2G rất ít. Thực hiện chủ trương của Bộ, thời gian qua VnSky đã chặn các thiết bị 2G không hợp quy hòa mạng, đồng thời nhắn tin với khách hàng về việc phối hợp với Hoàng Hà Mobile để đổi máy và hỗ trợ miễn phí 6 tháng dịch vụ.
Các nhà bán lẻ đã sẵn sàng
Tham gia tại tọa đàm, đại diện các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, Di động Việt, Oppo... đã cam kết cung cấp cho nhóm khách hàng đang sử dụng điện thoại 2G các mẫu điện thoại 3G, 4G có giá cả phải chăng.
Ông Vũ Thành Trung – Giám đốc sản phẩm Oppo Việt Nam cho biết Oppo có rất nhiều mẫu sản phẩm, nhưng thời gian tới sẽ tập trung vào mẫu smartphone dưới 5 triệu đồng với các tiêu chí: Bền, pin lâu, sạc nhanh, mẫu mã đẹp để đón lượng người dùng đổi điện thoại từ 2G lên 4G. Hiện tại sản phẩm của Oppo hỗ trợ 4G có mức giá thấp nhất là khoảng 2 triệu đồng.
Ông Trương Minh Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh dịch vụ của Thế Giới Di Động chia sẻ đơn vị này đã chủ động, liên hệ với các hãng, đồng hành cùng các nhà mạng.
Đối với khách hàng 2G, Thế Giới Di Động đang có chiến dịch để họ mang máy đến cửa hàng, hỗ trợ thu hồi tiêu huỷ hoặc bán sang thị trường khác.
Đồng thời, Thế Giới Di Động đã chủ động liên hệ với các nhà sản xuất điện thoại để hỗ trợ cho khách hàng các dòng máy từ 390.000 đồng - 1,5 triệu đồng. Hệ thống cũng có chương trình ưu đãi, hỗ trợ khách hàng chuyển dịch, thay SIM miễn phí, tặng thêm data.
Với các khách hàng mới sử dụng smartphone, sẽ có các mẫu máy ở mức giá từ 1,9-5 triệu đồng. Thế Giới Di Động sẽ hỗ trợ SIM hoặc data miễn phí, cùng chính sách trả góp, thậm chí không cần trả trước.
Ông Hoàng Ngọc Minh, Giám đốc kinh doanh Di động Việt nhận định công ty có 3 nhóm khách hàng, phần lớn sẽ đổi từ điện thoại 2G cũ lên smartphone phân khúc thấp 4-5 triệu đồng như của Oppo, Xiaomi. Nhóm thứ 2 - một số người quen sử dụng điện thoại feature phone sẽ đổi sang điện thoại 4G tương tự. Một nhóm nữa là doanh nhân sử dụng Vertu 2G trước đây sẽ chuyển sang Vertu 4G chính hãng phân phối tại Việt Nam. Di động Việt đã chuẩn bị đầy đủ các dòng thiết bị để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Việc dừng công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Hệ thống Thông tin Di động Toàn cầu GSMA, tính đến giữa năm 2024, có 149 nhà mạng đã và đang triển khai dừng công nghệ cũ. Đại đa số các nước đã tắt 2G là các quốc gia tiên tiến, với 63% ở châu Âu và hơn 20% ở châu Á. Nhiều quốc gia đã dừng 2G từ lâu như Mỹ, Singapore từ năm 2017 và năm 2018 là Australia.
Bộ TT&TT đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc dừng dịch vụ 2G nhằm đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
Đối với người dân, việc dừng dịch vụ 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn.
Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác, và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh.
Đối với Chính phủ, việc dừng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số.