15/10 tắt sóng 2G: Vì sao vẫn còn 600.000 thuê bao đang hoạt động?

(VietTimes) – Tính đến chiều 11/10, tức là chỉ còn 4 ngày trước thời điểm dừng dịch vụ 2G, vẫn còn khoảng 600.000 thuê bao 2G đang hoạt động mặc dù các nhà mạng đã rất nỗ lực tuyên truyền, hỗ trợ thuê bao chuyển đổi sang 4G.

vt_toan canh toa dam tat song 2G.jpg

Vẫn còn nhiều thuê bao 2G đang hoạt động trước "giờ G"

Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, tính đến ngày 10/10 trên hệ thống của nhà mạng này vẫn còn 360.000 thuê bao 2G đang hoạt động, đa số là các thuê bao ở nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thời gian qua Viettel đã nỗ lực thực hiện chuyển đổi cho thuê bao 2G sang 4G thông qua các chương trình tặng 700.000 máy 4G miễn phí; thành lập các tổ công nghệ cộng đồng tại các xã, thôn; thậm chí là đến tận nhà người dân để tuyên truyền và hỗ trợ chuyển đổi.

Ông Tính cho biết dự kiến đến ngày 15/10, sẽ còn gần 100.000 thuê bao 2G của Viettel chưa chuyển đổi sang 4G.

Theo ông Đỗ Mạnh Dũng, quyền Giám đốc Ban khách hàng cá nhân VNPT VinaPhone, nhà mạng này vẫn còn khoảng 150.000 thuê bao 2G only. Thời gian vừa qua, sự chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, VNPT vừa nỗ lực khắc phục cơ sở hạ tầng viễn thông bị thiệt hại do bão lũ, vừa hỗ trợ đổi máy 2G cho khách hàng.

Mục tiêu của VinaPhone là qua ngày 15/10 còn dưới 100.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi. Sau thời điểm đó vẫn tiếp tục đổi máy cho khách hàng đến khi hoàn tất quá trình chuyển đổi dịch vụ cho 100% thuê bao.

vt_do manh dung.jpg
Ông Đỗ Mạnh Dũng chia sẻ về kế hoạch chuyển đổi thuê bao 2G của VinaPhone

Chia sẻ về kế hoạch của MobiFone, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó Ban Dịch vụ Viễn thông MobiFone cho biết nhà mạng này vẫn còn 47.919 thuê bao 2G trên mạng lưới. MobiFone đã tiến hành hỗ trợ, tặng miễn phí 7.000 điện thoại 4G cho thuê bao khó khăn. Với tiến độ chuyển đổi tích cực, dự kiến đến 15/10 còn dưới 10.000 thuê bao 2G. Ông Dũng cho biết MobiFone sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sang 4G.

Ông Đặng Đình Tùng, đại diện Vietnamobile chia sẻ đến thời điểm này trên hệ thống chỉ còn 17.000 thuê bao. Không giống như các nhà mạng lớn, Vietnam Mobile không có kinh phí để tặng máy miễn phí cho khách hàng. Nhà mạng này mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông hỗ trợ tuyên truyền để các thuê bao 2G của nhà mạng này nhanh chóng chuyển đổi sang thuê bao 4G.

Ông Quách Mạnh Lâm, Giám đốc đối ngoại nhà mạng ASIM nói rằng nhà mạng này cũng còn khoảng 5.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi. Đối với các thuê bao này, ASIM cũng đang gọi điện với tần suất 2 lần/tuần và nhắn tin để khuyến khích họ sớm chuyển đổi dịch vụ.

Một nhà mạng nhỏ khác là Đông Dương Telecom cũng thông báo chỉ còn 1.298 thuê bao 2G. Các nhà mạng ảo như Mobicast và VNSKY cũng có số lượng thuê bao 2G không đáng kể do thuê bao của 2 nhà mạng này đa số dùng dịch vụ dữ liệu. Đại diện 2 nhà mạng này tin tưởng đến ngày 15/10 tới đây trên hệ thống sẽ không còn thuê bao 2G.

Vì sao còn 600.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi?

Theo ông Đỗ Trọng Tính, đại diện Viettel Telecom, nguyên nhân nhà mạng này vẫn còn tới 350.000 thuê bao 2G chưa chuyển đổi là vì đây là các thuê bao ít sử dụng dịch vụ, việc liên lạc với họ rất khó. Mặt khác, có rất nhiều thuê bao ở vùng sâu, vùng xa nên nhân viên của Viettel khó tiếp cận để truyền thông cũng như hỗ trợ họ chuyển đổi dịch vụ.

Đại diện Viettel Telecom dự đoán vào ngày 15/10 tới đây, khi thuê bao 2G bị cắt liên lạc hai chiều, nhiều thuê bao sẽ tiến hành chuyển đổi sang dịch vụ 3G, 4G.

vt_nguyen trong tinh.jpg
Ông Đỗ Trọng Tính nêu những khó khăn khi tiếp cận thuê bao 2G để hỗ trợ chuyển đổi sang dịch vụ 4G

Ông Đỗ Mạnh Dũng, đại diện nhà mạng VinaPhone chia sẻ về 4 khó khăn khi chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G.

Thứ nhất là khó khăn trong việc truyền thông đến các thuê bao ở khu vực miền núi, vùng sâu.

Thứ hai là các thuê bao có tâm lý vẫn sử dụng được dịch vụ nên chưa muốn đổi, chỉ khi họ không sử dụng được dịch vụ thì lúc đó họ mới chuyển đổi.

Thứ ba là do ảnh hưởng của bão lụt mà nhân viên VinaPhone chưa thể tiếp cận được với các thuê bao này.

Thứ tư là nhiều người dân hiện nay sau khi trải qua những khó khăn với bão lũ thì việc ưu tiên của họ là khôi phục nhà cửa và cuộc sống, sau đó mới đến thiết bị liên lạc.

Đại diện các nhà mạng cho biết thêm rằng, doanh thu từ các thuê bao 2G là không đáng kể, do đó khó khăn trong việc chuyển đổi thuê bao 2G sang 4G không nằm ở kỹ thuật của nhà mạng, mà nằm ở sự sẵn sàng của khách hàng.

Các nhà mạng lớn như Viettel Telecom, VinaPhone và MobiFone đều cam kết sẽ phủ sóng 4G rộng khắp như sóng 2G hiện tại, để có thể đáp ứng nhu cầu của thuê bao trên mọi miền đất nước, từ thành thị đến miền núi, hải đảo.

Cần những biện pháp sáng tạo hơn để chuyển đổi thuê bao

Đại diện cơ quan quản lý, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đánh giá cao những nỗ lực của các nhà mạng trong thời gian qua khi đã giảm được số lượng thuê bao 2G Only từ mức 18 triệu hồi tháng 1/2024 xuống còn 600.000 thuê bao vào thời điểm hiện tại.

Để có thể tiếp tục chuyển đổi nhanh nhất các thuê bao 2G sang 3G, 4G, ông Nguyễn Phong Nhã đề xuất các nhà mạng cần có các hình thức truyền thông sáng tạo hơn, cũng như tăng cường gặp gỡ thuê bao, thể hiện trách nhiệm của nhà mạng với quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Nhã mong muốn các nhà mạng tiếp tục phân tích thói quen sử dụng dịch vụ của khách hàng để tư vấn, khuyến khích họ sử dụng dịch vụ phù hợp khi chuyển đổi.

vt_nguyen phong nha cuc vt.jpg
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông

Vị lãnh đạo Cục Viễn thông khẳng định việc dừng dịch vụ 2G là một chủ trương đúng đắn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Dịch vụ 2G đã được triển khai từ 30 năm nay. Mặc dù vẫn hoạt động tốt nhưng nhiều thiết bị 2G trên mạng lưới đã cũ, chất lượng không còn ổn định, mức tiêu hao năng lượng lớn. Khi có những công nghệ mới ra đời như 5G thì việc dừng dịch vụ 2G, dành băng tần cho những công nghệ mới sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho khách hàng.

Ông Nhã thông tin băng tần 700 Mhz vốn đang được sử dụng cho 2G sẽ được thu hồi và đấu giá để các nhà mạng sớm sử dụng cho dịch vụ 4G.