Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật: Ưu tiên đầu tư cho thu thập xử lý và số hóa nguồn tin cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đây là kiến nghị của ThS. Phạm Vũ Dũng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tại hội thảo: “Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp”.

Tổng biên tập Hoàng Hà chủ trì hội thảo
Tổng biên tập Hoàng Hà chủ trì hội thảo

Sáng 22/11/2023, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức hội thảo “Tạp chí Văn hóa nghệ thuật 50 năm nhìn lại để vững bước đi tiếp”. 26 tham luận đã được các nhà nghiện cứu, nhà báo, cán bộ quản lý văn hóa trình bày tại Hội thảo. Nhiều ý kiến tham luận đã đề cập đến vấn đề chuyển đổi số của Tạp chí trong thời gian tới.

Thạc sĩ Phạm Vũ Dũng, nguyên Tổng biên tập tạp chí nêu ý kiến:“ Cần kế thừa, tạo lập và phát triển thư viện điện tử và kho tài liệu số; Lập kế hoạch sát sao và ưu tiên đầu tư cho việc thu thập, xử lý số hóa nguồn tin cơ bản, nguồn tin tiềm năng của Tạp chí. Đồng thời phối hợp tận dụng sản phẩm số hóa của các cơ quan thông tin, thư viện khác, nhất là của những cơ quan có cùng diện chuyên đề bao quát. Trên cơ sở đó mới có thể tăng nhanh nguồn tin của mình, tiết kiệm được thời gian, công sức và tiền của".

Đồng quan điểm với ThS. Phạm Vũ Dũng, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam nhận định: “Trong chặng đường mới đòi hỏi Tạp chí cần có sự đổi mới nhiều hơn nữa trong tư duy, trong cách nghĩ-cách làm của báo chí trong kỷ nguyên số, trong cách mạng công nghiệp 4.0 để sao cho ngày càng có nhiều ấn phẩm hay, chất lượng cả về hình thức và nội dung, đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo độc giả trong và ngoài nước”.

“Tạp chí cần có kế hoạch đưa lên trang tin các số, các bài viết của Tạp chí trước đây bằng cách chuyển đổi số; đồng thời xây dựng các chuyên mục hỏi đáp qua mạng để phục vụ bạn đọc và học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, các thầy cô giáo trong các nhà trường đại học và cao đẳng”, ông Giới chia sẻ.

Học giả Nguyễn Toàn Thắng cho rằng: “Hai cuộc cách mạng 4.0, sự hội tụ giữa thông tin, viễn thông và tin học là một xu hướng có tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực văn hóa, con người, trong đó có lĩnh vực truyền thông, báo chí. CNTT phát triển tạo điều kiện cho mọi người tổ chức sự liên lạc với xã hội,với Internet giúp mọi người tiếp cận lượng thông tin đồ sộ của toàn nhân loại; sự xuất hiện của môi trường mạng (ảo), việc trao đổi thông tin, thậm chí là sinh hoạt văn hóa trên môi trường phi truyền thống là mạng xã hội như Facebook….hình thành phương thức liên kết xã hội mới, hoạt động văn hóa mới, môi trường văn hóa mới trên không gian mạng đang đặt ra những vấn đề mới trong công tác quản lý phát triển văn hóa, thông tin trong đó có tạp chí, báo chí nước ta”.

Tham luận tại Hội thảo, ThS. Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Cuộc cách mạng 4.0 đã mang đến sự thay đổi lớn lao về công nghệ, thay đổi cả công nghệ làm báo và thay đổi hành vi của độc giả. Đây là vấn đề rất khó nhưng buộc báo chí không có cách nào khác là phải chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Nhờ chuyển đổi số, nhiều cơ quan báo chí ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại hơn".

"Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số báo chí cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề bản quyền trên môi trường số, đòi hỏi có giải pháp bảo vệ hiệu quả, đặc biệt là giải pháp công nghệ và hoàn thiện hành lang pháp lý. Mặc dù chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan báo chí nhưng để thực hiện được điều này cơ quan tạp chí Văn hóa nghệ thuật phải có sự chuẩn bị tích cực về mọi mặt, nhất là yếu tố con người làm sao có thể đảm bảo được về trình độ chuyên môn khoa học kỹ thuật. Phải có những cán bộ kỹ thuật trẻ có những con người tiên tiến phù hợp với thời kỳ khoa học công nghệ 4.0 và quá trình chuyển đổi số”, ông Tuấn nhấn mạnh.

ThS. Trần Anh Tuấn cũng nêu một số kiến nghị với Tạp chí: “Tích cực triển khai chuyển đổi số trong cơ quan Tạp chí, theo đúng tinh thần của Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mà Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký phê duyệt. Tích cực triển khai các mô hình sản phẩm thông tin mới".

Về phát triển các sản phẩm báo chí số, ThS. Trần Anh Tuấn cho rằng, cần có chiến lược triển khai thiết kế, sáng tạo các mô hình sản phẩm thông tin mới trên các nền tảng khác nhau để tăng độ tương tác với độc giả, phân phối nội dung thông tin nhanh hơn, rộng hơn và chính xác theo nhu cầu của độc giả; phát triển sản phẩm báo chí số chất lượng cao, đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ phù hợp với từng nhóm đối tượng độc giả.

Để phát triển nền tảng số, cần có các công cụ thu thập, xử lý dữ liệu, đánh giá, dự báo, theo dõi, giám sát chất lượng báo chí; xây dựng chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; thúc đẩy hình thành và phát triển nền tảng phát thanh số và nền tảng truyền hình số quốc gia; nền tảng báo chí điện tử; khuyến khích cơ quan báo chí có đủ tiềm lực về công nghệ, tài chính xây dựng nền tảng riêng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.