Tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt 6,88% và lạm phát ở 3,97% ?

VietTimes – Đó là con số dự báo mà Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra, sau những tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng. Nó được công bố tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư” vừa diễn ra sáng nay (17/10/2018).

Khung cảnh buổi hội thảo Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư (Ảnh: P.D)
Khung cảnh buổi hội thảo Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư (Ảnh: P.D)

Chúng ta đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt!

"Tăng trưởng Quý 3/2018 đã làm giảm các mối lo ngại về xu hướng tăng trưởng giảm dần qua các quý", TS. Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM mở đầu phiên thảo luận.

Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn có kết quả ấn tượng ngay cả khi một số phân ngành chiếm tỷ trọng lớn như khai khoáng có phần sụt giảm.  "Tính toán của CIEM cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn cao hơn so với tiềm năng" - ông Dương nhấn mạnh.

Phân tích sâu hơn về chỉ số lạm phát, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM nhắc rằng đã xuất hiện một số lo ngại về khả năng không đạt chỉ tiêu sau tháng 8. Nhưng đến hết tháng 9 thì mức lạm phát bình quân mới chỉ 3,57% (dưới mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra). Diễn biến chỉ số lạm phát không chịu áp lực từ chính sách tiền tệ, dù mức lạm phát cơ bản có gia tăng trong Quý 3/2018.

Theo CIEM, mức lạm phát có diễn biến như thời gian vừa qua là do các yếu tố chi phí đẩy và mất cân bằng cân đối cung – cầu tại một số mặt hàng.

Trên thị trường ngoại hối, diễn biến tỷ giá USD/VND đã có sự gia tăng trong quý nhưng mức độ dao động còn thấp xa so với cuối năm 2016, cũng như đầu 2017. "Và nhìn chung, vẫn trong tầm kiểm soát".

Đại diện CIEM tỏ ra khá hài lòng với công tác điều hành chính sách tiền tệ.

Ông phân tích: Hoạt động điều hành của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thay đổi đáng kể. Cụ thể là từ 23/7, thay vì chỉ sử dụng tỷ giá trung tâm như trước đây, NHNN đã bắt đầu sử dụng các biện pháp khác, như can thiệp giá bán trên thị trường, kết hợp với truyền thông và thu hẹp khoảng cách với thị trường tự do.

"Việc áp dụng các chính sách linh hoạt kết hợp với các hoạt động điều tiết lãi suất VND liên ngân hàng đã giúp giảm áp lực lên tỷ giá, hạn chế tác động của các cú sốc bên ngoài", TS Dương đánh giá.

TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM trình bày tại Hội thảo (Ảnh: P.D)
TS. Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM trình bày tại Hội thảo (Ảnh: P.D) 

Dẫu vậy, theo ông Dương, việc điều hành tỷ giá trong Quý 3/2018 cũng được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố thuận lợi, đến từ việc duy trì thặng dư cán cân thương mại và tăng giải ngân FDI. Cụ thể, chỉ tính riêng trong quý, thặng dư thương mại đạt gần 3 tỷ USD và chưa có nhiều biến động về dòng vốn FDI từ Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

“Trong bối cảnh rủi ro từ bên ngoài, áp lực giảm giá trong nước chúng ta đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt giúp giảm thiếu rủi ro bên ngoài tác động đến nền kinh tế trong nước trong ngắn hạn” – TS. Nguyễn Anh Dương bình luận.

Đặc biệt, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM đã công bố một số số liệu dự báo mà viện này đã tính toán dựa trên mô hình kinh tế lượng. Theo CIEM, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2018 có thể sẽ đạt 6,88%, và mức lạm phát bình quân sẽ đạt 3,97% - tức là vẫn nằm trong mục tiêu 4% mà Quốc hội đề ra từ đầu năm.

Dẫu vậy, TS. Dương lưu ý, rằng kết quả vĩ mô Quý 3/2018 chưa cho thấy hết được những khó khăn điều hành đối với nhà quản lý, mà trước tiên là hoạt động xuất nhập khẩu.

Chúng ta chỉ tính đến 2019 - 2020 hay là cả các năm sau đó (!?)

TS. Nguyễn Anh Dương lo ngại tốc độ gia tăng của các doanh nghiệp giải thể và tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của khối FDI, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của nền kinh tế và tính bền vững của tốc độ tăng trưởng đang đạt được.

Ông Dương nói: “Khả năng duy trì kinh tế trong 4 – 8 quý tới sẽ không quá khó, vấn đề là chúng ta chỉ tính đến 2019 - 2020 hay là cả các năm sau đó (!?). Nếu như nhìn từ 9 tháng đầu năm, thì tăng trưởng tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản tăng tương đối chậm.”

“Như vậy, động lực tăng trưởng dài hạn nằm ở đâu?" – Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô của CIEM đặt vấn đề.

Ông cũng tỏ ra băn khoăn về tăng trưởng của nền kinh tế sau năm 2020, với tình trạng xuất khẩu (đóng vai trò khá quan trọng đối với tăng trưởng trong những năm vừa qua) chủ yếu đến từ khu vực FDI như hiện nay.

"Thực tế, trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng thực hiện đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu. Trong quá trình đa dạng hóa, cũng phải chấp nhận có loại hàng hóa bán được và cũng có những loại khác không thể bán được, nhưng sẽ có sự bù trừ lẫn nhau" - TS. Nguyễn Anh Dương cho biết và lấy ví dụ về trái thanh long của ngành nông nghiệp.

Một vấn đề kinh tế khác được đề cập là hoạt động điều hành tài khóa được TS. Nguyễn Anh Dương đánh giá có một số nét tích cực, nhưng chưa có sự chuyển biến về căn bản.

Lấy ví dụ về thuế bảo vệ môi trường, ông Dương cho biết loại thuế này có thời điểm dự định là lúc đang hụt thu ngân sách nhưng thời điểm áp dụng lại là lúc thu từ dầu thô đã vượt 16% dự toán. Hoạt động này gây áp lực cả về chính sách tiền tệ và kiểm soát lạm phát nên có phần hơi “cứng nhắc”.

Vấn đề kinh tế cần quan tâm tiếp theo là việc thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn rất quan trọng, song yếu tố quyết định không còn là vốn. Ông Dương cho rằng việc Việt Nam có nhu cầu chuyển giao công nghệ là mong muốn chính đáng song cách thực hiện vẫn còn nhiều vấn đề và cần phải theo các quy tắc, chuẩn mực quốc tế.

Mặt khác, chúng ta cũng cần có sự rõ ràng hơn trong việc định hướng các ngành ưu tiên thu hút nguồn lực FDI tránh tình trạng dàn trải, đồng thời phòng ngừa các tác động bất lợi tới môi trường, xã hội.

Hoạt động quản lý ngân sách vẫn là khâu yếu

Tiếp nối phần trình bày của TS. Nguyễn Anh Dương, TS. Nguyễn Đình Cung (Viện trưởng CIEM) cũng trình bày tóm lược các “dư địa” cho những bước tiếp theo giai đoạn 2019 – 2020.

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: P.D)

TS. Nguyễn Đình Cung - Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: P.D)

Ông Cung nhận định nền kinh tế đang dần phục hồi lại mức tăng trưởng của các thời kỳ trước khủng hoảng kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước. Hoạt động tái cơ cấu kinh tế có kết quả nhất định, nhất là cải cách về phía cung, góp phần thay đổi phần nào cách thức tăng trưởng và giảm phụ thuộc vào khai khoáng, tăng trưởng tín dụng. Môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng đã được cải thiện theo đánh giá quốc tế.

Nhận định về thâm hụt ngân sách, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng tuy mức thâm hụt có giảm nhưng hoạt động quản lý ngân sách nhà nước vẫn là khâu yếu, như: Chưa có kết quả nhận thấy trong giảm chi và tăng hiệu quả của chi tiêu ngân sách; hoạt động tăng thu ngân sách vẫn chưa thực sự minh bạch; đầu tư công vẫn là vấn đề “nóng”.

TS. Nguyễn Đình Cung đề xuất cần phải có một mục tiêu mạnh mẽ hơn trong cải cách và tạo ra môi trường kinh doanh tự do, thuận lợi nhưng cũng phải an toàn cho doanh nghiệp.

Đóng góp ý kiến tại buổi hội thảo, TS. Lưu Bích Hồ bày tỏ lo lắng về việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong tương lai trước bối cảnh nhiều thương vụ diễn ra “ế ẩm” như hiện nay. Ông cũng đề nghị cần thiết lập “bộ lọc FDI” và phải tiến hành tập trung thông tin các doanh nghiệp FDI về trung ương thì mới có thể tiến hành công việc này, thay vì để tại các địa phương như hiện nay sẽ khó thực hiện được.

Cũng tham gia đóng góp ý kiến, TS. Lê Đình Ân lưu ý về việc các ngành chế biến chế tạo, tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu vốn là động lực tăng trưởng chính đã có dấu hiệu chững lại trong Quý 3/2018, nên cần phải chú ý theo dõi.

Bên cạnh đó, TS. Lê Đình Ân cũng lo lắng về việc chất lượng tăng trưởng vẫn chưa được cải thiện rõ nét, vẫn là mô hình tăng trưởng dựa vào khối FDI và lao động giá rẻ.

Ngoài ra, TS. Lê Đình Ân cũng đồng ý với nhận định của TS. Nguyễn Anh Dương với nhận định lạm phát vẫn ở mức dưới 4% trong năm 2018 và cho rằng tác động của chính sách tiền tệ tới chỉ số này là khá ít, không đáng lo ngại.

Các chuyên gia nước ngoài lại tỏ ra quan tâm đến việc dỡ bỏ các rào cản tới hoạt động của doanh nghiệp. Chuyên gia đề xuất xem xét kỹ càng hơn để nhận biết các rào cản tại ngành, lĩnh vực nào đang xuất hiện, tác động tới hoạt động của doanh nghiệp và kết hợp dữ liệu trong nước và nước ngoài để thực hiện đánh giá các rào cản này để xác định sự phù hợp với xu hướng, chuẩn mực quốc tế./.