Tăng trưởng doanh thu 2 chữ số, Vincommerce vẫn chưa mang lại lợi nhuận cho Masan

VietTimes – Sức chuyển đổi nhanh ngoài sức tưởng tượng, doanh thu tăng trưởng 2 chữ số của Vincommerce vẫn chưa đem lại lợi nhuận cho Masan. 
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Như VietTimes từng đề cập, việc hợp nhất CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (VinCommerce) khiến CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) báo lỗ trong Quý 1/2020. Nhưng nhờ quá trình chuyển đổi “ngoài sức tưởng tượng”, VinCommerce đã trở thành động lực tăng trưởng doanh thu lớn cho MSN.

Trong nửa đầu năm 2020, VinComerce đạt doanh thu 15.813 tỷ đồng, lợi nhuận gộp ở mức 2.453 tỷ đồng (tương ứng với biên lợi nhuận gộp ở mức 15,5%).

Tuy nhiên, theo dữ liệu của VietTimes, VinCommerce vẫn báo lỗ sau thuế 1.787 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2020 trong khi cùng kỳ năm 2019 báo lãi 1.029,7 tỷ đồng.

Lưu ý rằng, trong nửa đầu năm 2019, VinCommerce vẫn là một công ty thành viên của Vingroup. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này nhiều khả năng còn ghi nhận doanh thu tài chính bất thường sau khi bán 51,4 triệu cổ phiếu VIC cho SK Group vào tháng 5/2019.

Bức tranh tài chính của VinCommerce thậm chí còn có nhiều gam “màu xám” hơn sau sự kiện này.

Cụ thể, tính đến cuối Quý 2/2020, quy mô vốn chủ sở hữu của VinCommerce đạt 4.122 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với mức 9.211 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2019. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 2,05 lần lên 3,18 lần.

Theo tìm hiểu của VietTimes, khối nợ của VinCommerce bao gồm 3.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành nửa đầu năm 2020. Số trái phiếu này đều có kỳ hạn 3 năm, lãi suất 9,9%/năm, ngày thanh toán gần nhất đều là ngày 17/8/2020.

Trong một nỗ lực tái cơ cấu tài chính cho VinCommerce, Masan mới đây đã công bố kế hoạch phát hành 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, tập đoàn này dự kiến dùng 3.000 tỷ đồng để thanh toán nợ vay nội bộ cho VinCommerce.

Sơ đồ tổ chức trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ của Masan (Nguồn: MSN)
Sơ đồ tổ chức trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ của Masan (Nguồn: MSN)

Các hoạt động tái cấu trúc VinCommerce của Masan bắt đầu kể từ cuối năm 2019, sau khi tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhận chuyển nhượng 83,74% vốn của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM) – công ty mẹ của VinCommerce.


Tới tháng 6/2020, HĐQT MSN phê duyệt việc thành lập Cty TNHH The Sherpa và CTCP The CrownX để hoàn tất việc hợp nhất VCM.  Trong đó, The Sherpa sẽ nắm giữ cổ phần chi phối tại The CrownX – doanh nghiệp nắm giữ quyền quản lý tại MCH và VCM.

Trong Quý 2/2020, MSN đã chi ra 862 triệu USD để mua thêm 12,6% cổ phần tại The CrownX từ các cổ đông khác, nâng tỷ lệ sở hữu lên 82,6% vốn điều lệ./.