Masan huy động 4.000 tỷ đồng trái phiếu để làm gì?

VietTimes – Masan sẽ phát hành 9 đợt trái phiếu với tổng giá trị 4.000 tỷ đồng. Tập đoàn này dự kiến dùng 3.000 tỷ đồng để thanh toán nợ vay nội bộ cho VinCommerce và 1.000 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho The Sherpa.
Ảnh minh họa (Nguồn: VCM)
Ảnh minh họa (Nguồn: VCM)

HĐQT CTCP Tập đoàn Masan (Masan – Mã CK: MSN) vừa thông qua phương án phát hành 43 trái phiếu doanh nghiệp với tổng mệnh giá tối đa là 4.000 tỷ đồng. 

Theo đó, toàn bộ lô trái phiếu này là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản bảo đảm, kỳ hạn 36 tháng và trả lãi 6 tháng/lần.

Theo kế hoạch, lô trái phiếu này dự kiến được chào bán ra công chúng trong 9 đợt, thời gian phát hành dự kiến trong Quý 4/2020 hoặc trong năm 2021.

Cụ thể, tổng giá trị phát hành trong 6 đợt đầu và đợt 9 là 3.000 tỷ đồng. Số tiền thu về dùng để thanh toán nợ vay nội bộ cho công ty con là CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (VCM).

9 đợt phát hành trái phiếu và mục đích sử dụng dự kiến của Masan (Nguồn: Masan)
9 đợt phát hành trái phiếu và mục đích sử dụng dự kiến của Masan (Nguồn: Masan)

Đợt phát hành 7 và 8 có tổng giá trị 1.000 tỷ đồng sẽ được dùng để góp thêm vốn điều lệ vào công ty con là Công ty TNHH The Sherpa (The Sherpa). Qua đó, vốn điều lệ của The Sherpa tăng từ 517 tỷ đồng lên 1.517 tỷ đồng, việc góp vốn có thể thực hiện trong một hoặc nhiều đợt.

Về lãi suất, đối với các trái phiếu đợt 1, 4 và 7, lãi suất áp dụng cho 12 tháng đầu tiên cố định ở mức 9,8%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,8%/năm.

Đối với các trái phiếu đợt 2,5 và 8, lãi suất áp dụng cho 12 tháng đầu tiên cố định ở mức 9,9%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3,9%/năm.

Đối với các trái phiếu đợt 3,6 và 9, lãi suất áp dụng cho 12 tháng đầu tiên cố định ở mức 10%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo, lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 4%/năm.

Tổ chức dự kiến thu xếp cho đợt phát hành trái phiếu của Masan là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Masan cũng đã huy động thành công 10.000 tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Tháng 6/2020, HĐQT Masan quyết định thành lập The Sherpa và CTCP CrownX (The CrownX) nhằm hoàn tất giao dịch hợp nhất giữa VCM và Công ty TNHH MasanCosumerHoldings (MCH).

Trong đó, The CrownX là công ty con sẽ nắm giữ phần vốn góp tại VCM và MCH. Cuối tháng 7 vừa qua, Masan đã chi 862 triệu USD mua thêm 12,6% cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu tại The CrownX lên 82,6% VĐL.

Vừa qua, Masan đã báo lãi trở lại trong Quý 2/2020 sau thua lỗ bởi việc hợp nhất VCM tại Quý 1. Masan cho biết nguyên nhân chủ yếu nhờ mức tăng trưởng hai chữ số của The CrownX.

Theo đó, Quý 2/2020, doanh thu thuần của Masan đạt 17.766 tỷ đồng, tăng 92% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần hợp nhất nửa đầu năm 2020 của tập đoàn đạt 35.404 tỷ đồng, tăng 3,3% so với nửa đầu năm 2019.

Kết thúc Quý 2/2020, Masan báo lãi sau thuế 54 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ. Lũy thế 6 tháng đầu năm 2020, tập đoàn này báo lỗ 162 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận phân bổ cho cổ đông công ty là 117 tỷ đồng.

Năm 2020, Masan đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 75.000 – 85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty từ 1.000 – 3.000 tỷ đồng./.