|
Mới đây, CTCP Ô tô Trường Hải (THACO) đã gửi văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng muốn giảm mức thuế nhập khẩu về 0% cho các linh kiện phụ tùng xe ô tô tải trong nước chưa sản xuất được. Ngoài ra, Trường Hải còn “tranh thủ” kiến nghị tăng kịch trần theo cam kết WTO tất cả các dòng thuế đối với xe tải nguyên chiếc.
Cụ thể, doanh nghiệp này đề xuất thuế nhập khẩu xe tải trọng lượng dưới 5 tấn tăng lên 70% trong khi thuế đang áp dụng là 68%, xe trên 45 tấn tăng từ 0% lên 25%, xe có tải trọng từ 5 đến 10 tăng lên 50-70%...
Thông tin về dự thảo sửa đổi thuế nhập khẩu với ô tô tải và linh kiện, phụ tùng xe tải được Bộ Tài chính đưa ra vào giữa tháng 9 /2015 trong đó trình bày kiến nghị của Công ty Cổ phần TMT (Cửu Long TMT) tăng tất cả các thuế xuất nhập khẩu lên mức kịch trần theo cam kết của WTO, chỉ trừ việc “miễn thuế” đối với linh kiện, phụ tùng xe tải chính công ty đang kinh doanh.
Với xu thế quốc tế hóa, Việt Nam cũng đang hòa mình vào xu thế hội nhập, tham gia nhiều hiệp định thương mại toàn cầu và khu vực như FTA, ASEAN, TPP, ETFA, RCEP…. Các hiệp định đều có chung một mục tiêu và cơ chế là thực hiện lộ trình cắt giảm thuế suất để tạo điều kiện cho hàng hóa lưu chuyển tích cực, kích thích mọi mặt phát triển nền kinh tế.
Để thực hiện tốt các hiệp định này, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp lắp ráp trong nước là cần phải đổi mới công nghệ, tăng cường hiệu quả trong sản xuất kinh doanh để có được các sản phẩm có tính cạnh tranh chứ không phải tiếp tục xin được bảo hộ bằng việc kiến nghị thuế nhập khẩu lên kịch trần.
Theo nhiều chuyên gia, việc tăng thuế nhập khẩu dù trong ngắn hạn hay dài hạn đều là giải pháp không mang tính chiến lược, đi ngược với xu thế hội nhập vì lộ trình cắt giảm thuế ngày càng rõ nét, thậm chí từng bước tiến về 0%. Những giải pháp bảo hộ này càng khiến cho các công ty lắp ráp trong nước chậm đổi mới công nghệ, trì trệ trong việc hội nhập tăng tính cạnh tranh - Điều mà hơn chục năm nay ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Nhìn vào biểu thuế hiện hành cho thấy mức thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc hiện nay cũng không phải là thấp, nhiều mức thuế xuất đã tới 50-60%. Việc tăng thuế kịch trần như TMT hay Trường Hải THACO muốn sẽ đẩy thuế suất lên thêm hàng chục %, và thuế suất bình quân ở mức gần gấp đôi so với hiện nay.
Nếu được áp dụng đúng như 2 đơn vị muốn, biểu thuế mới sẽ là công cụ tạo ra lá chắn phòng thủ cho các công ty lắp ráp trong nước, ngay lập tức tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các công ty trong lĩnh vực xe tải.
Tất cả các công ty trong ngành cũng đều phải đầu tư như nhau về nhân lực vật lực, hệ thống showroom bán hàng khắp toàn quốc. Đối với các công ty nhập khẩu ô tô, họ còn phải chịu đựng rủi ro về biến động tỷ giá cũng như chi phí vận chuyển rất lớn…
Theo Bizlive