Hoàng Huy (HHS) chiếm 24% thị phần nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc

Năm 2014, xe Trung Quốc chỉ chiếm 50% lượng xe tải – đầu kéo nhập về thì con số này đã tăng lên 73% trong nửa đầu năm nay.
Hoàng Huy (HHS) chiếm 24% thị phần nhập khẩu xe tải từ Trung Quốc

Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) vừa công bố báo cáo cập nhật tình hình hoạt động của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS).

Bên cạnh những phân tích về số liệu tài chính thì điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo này là những số liệu về sản lượng cũng như thị phần tiêu thụ xe lần đầu tiên được HHS công bố.

Theo đó, trong nửa đầu năm 2015, HHS đã tiêu thụ gần 3.800 xe các loại, chiếm 17,3% lượng xe tải – xe đầu kéo nhập khẩu của cả nước (đây là tính cho toàn bộ xe tải nhập khẩu, còn nếu tính riêng các dòng xe hạng trung và hạng nặng con số này còn cao hơn đáng kể).

Trên thị trường xe tải, xe Trung Quốc đang dần lấn lướt so với xe của các nước khác. Nếu như năm 2014, xe Trung Quốc chỉ chiếm 50% lượng xe tải – đầu kéo nhập về thì con số này đã tăng lên 73% trong nửa đầu năm nay.

Trước khi kinh doanh thêm xe đầu kéo Navistar của Mỹ từ tháng 8/2015 thì gần như 100% lượng tiêu thụ xe của HHS là xe tải - đầu kéo của Trung Quốc. Tính riêng xe nhập từ thị trường Trung Quốc thì thị phần của HHS lên đến 23,6%, tướng ứng với cứ mỗi 4 xe tải – đầu kéo nhập về từ Trung Quốc thì có 1 xe của HHS.

Hiện công ty mẹ HHS đang kinh doanh xe tải mang thương hiệu Dongfeng trong khi công ty Hoàng Giang kinh doanh dòng xe Sinotruk Howo. Việc mua lại công ty Hoàng Giang trong quý 1/2015 đã giúp HHS gia tăng đáng kể thị phần so với các năm trước.

Trong số 3.800 xe tiêu thụ trong nửa đầu năm bao gồm 2.600 xe tải và 1.200 xe đầu kéo. Trong khi HHS chiếm tới 38% lượng xe tải nhập về từ Trung Quốc thì thị phần đầu kéo chỉ đạt hơn 13%.

Nhu cầu nhập xe đầu kéo từ Trung Quốc đã tăng đột biến trong nửa đầu năm nay, đạt hơn 9.000 xe, chiếm gần 60% lượng nhập xe tải-đầu kéo. Mặc dù sản lượng lớn nhưng phân khúc nhập khẩu xe đầu kéo Trung Quốc đang rất phân mảnh với hàng vài chục doanh nghiệp lớn nhỏ đang tham gia, dẫn tới việc thị trường bị phân mảnh.

Dịch chuyển sang đầu kéo Mỹ

Trước năm 2015, HHS chỉ kinh doanh duy nhất dòng xe Dongfeng. Với việc sáp nhập công ty Hoàng Giang, danh mục sản phẩm của HHS đã có thêm dòng xe Sinotruk Howo. Hoàng Giang có kinh doanh đầu kéo Freightliner của Mỹ nhưng lượng tiêu thụ rất ít nên gần như 100% lượng tiêu thụ của HHS vẫn là xe Trung Quốc.

Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giữa năm 2015, công ty đã ký hợp đồng để trở thành nhà phân phối chính thức của hãng xe đầu kéo Mỹ Navistar tại thị trường Việt Nam. Dòng xe này kỳ vọng sẽ giúp HHS mở rộng thêm thị phần trong những năm tới, đạt 25% thị phần nhập khẩu cả nước vào năm 2017. Như vậy, từ việc chỉ kinh doanh duy nhất dòng xe Dongfeng, tới nay HHS đã đa dạng hóa với 2 dòng xe lớn từ Trung Quốc và 1 dòng xe của Mỹ.

HHS dự kiến sẽ tiêu thụ 800 đầu kéo Mỹ trong năm 2015 và tăng lên thành 3.000 xe trong năm 2016. Đầu kéo Mỹ có giá tương đương với đầu kéo Trung Quốc với giá bán vào khoảng 55-60 nghìn USD/xe.

HHS cho rằng với mức giá chỉ tương đương với đầu kéo Trung Quốc thì xe đầu kéo Mỹ sẽ có sức hấp dẫn lớn đối với các chủ xe. Người Việt nhìn chung vẫn ưa chuộng các thương hiệu Âu Mỹ và khi các thương hiệu này có giá cả phải chăng thì người mua có xu hướng chọn các thương hiệu này.

Theo Trí thức trẻ