|
Mục tiêu là tạo bình đẳng
Đề xuất của Bộ Tài chính thể hiện tại công văn số 6776/BTC-CST ngày 19/2/2016 về thuế nhập khẩu xe ô tô đầu kéo, rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc, linh kiện của xe ô tô đầu kéo, rơ-moóc, sơ mi rơ-moóc.
Theo đó, Bộ Tài chính nhận được công văn số 20/VAMI ngày 13/3/2016 của Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) kiến nghị về thuế nhập khẩu đối với xe đầu kéo nhập khẩu nguyên chiếc mới, xe đầu kéo đã qua sử dụng nhập nguyên chiếc và xe sơ mi rơ-moóc so với thuế nhập khẩu linh kiện rời lắp ráp trong nước.
Nội dung chủ yếu là VAMI đề nghị tăng thuế nhập khẩu với xe nhập khẩu mới và đã qua sử dụng, giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện rời lắp ráp trong nước. Mục tiêu là nhằm khuyến khích ngành sản xuất xe đầu kéo sản xuất trong nước.
Theo trả lời của Bộ Tài chính, Bộ này chấp thuận một phần kiến nghị tăng thuế, đồng thời xin ý kiến các bộ ngành, hiệp hội doanh nghiệp liên quan, việc điều chỉnh thuế là để tránh thất thu nguồn thuế cho nhà nước, tạo được sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh ô tô trong nước, đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô tải tại Việt Nam, thực hiện nghiêm túc quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn 2035 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, kiến nghị của VAMI về tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo nguyên chiếc từ 5% lên 20% và xe sơ mi rơ-moóc từ 20% lên 50% là không phù hợp với cam kết WTO.
Về kiến nghị tăng thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng lên 50%, Bộ Tài chính cho biết, theo cam kết WTO thì không cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu đối với xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng. Vì vậy việc điều chỉnh tăng thuế suất lên mức 50% là không vi phạm cam kết, tuy nhiên mức tăng phải phù hợp với khung thuế suất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) quy định.
Căn cứ quy định khung thuế suất do UBTVQH quy định đối với nhóm 8701 là 0-30%, có thể tăng mức thuế suất của mặt hàng xe ô tô đầu kéo đã qua sử dụng từ 5% lên 30%, bằng với mức trần của khung thuế suất nhằm hạn chế nhập khẩu xe đã qua sử dụng, kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.
Do mặt hàng ô tô đầu kéo nguyên chiếc thuộc các mã hàng 8701.20.90, 8701.90.90 (không chỉ riêng mã hàng 8701.90.90 như VAMI kiến nghị) nên Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế đối với cả 2 mã hàng này nhằm đảm bảo điều chỉnh chính sách đồng bộ.
Kết quả là tạo bất bình đẳng ?
Theo văn bản kiến nghị của Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng vào nhập khẩu vào Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong số lượng xe đang vận hành. Lý do vì xe Mỹ mới giá thành cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế và kinh doanh vận tải ở Việt Nam.
Hiện giá xe đầu kéo Mỹ qua sử dụng nhập khẩu thấp hơn nhiều so với giá xe mới nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời chất lượng xe đầu kéo Mỹ qua sử dụng tốt hơn hẳn xe Trung Quốc mới, hoạt động ổn định, bền bỉ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, thời gian khấu hao nhanh hơn... Có lợi hơn cho doanh nghiệp và xã hội do tổng chi phí đầu tư, khai thác, vận hành thấp hơn.
Do vậy, việc tăng thuế nhập khẩu với dòng xe này từ 5% hiện nay lên 30% sẽ phá vỡ mặt bằng đang ổn định này, đẩy giá cước cao hơn. Từ đây, văn bản đề nghị không tăng thuế nhập khẩu mặt hàng xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng để ổn định và giảm giá cước vận tải.
Theo một doanh nghiệp kinh doanh vận tải tại Hải Phòng, hiện chỉ riêng thành phố đã có khoảng 10.000 xe đầu kéo, trong đó lượng xe đầu kéo đã qua sử dụng nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 60%. Tuy nhiên, xe Trung Quốc "chen chân" được vào 40% thị trường xe đầu kéo còn lại không phải do chất lượng tốt, mà là do được ngân hàng...giúp sức.
Cụ thể, quy chế cho vay hiện nay không khuyến khích cho vay mua phương tiện đã qua sử dụng. Do vậy vay mua xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng thường đòi hỏi nhiều tài sản thế chấp nhiều hơn so với mua xe Trung Quốc mới, đây là điều không phải doanh nghiệp hay người mua xe nào đáp ứng được
Trong khi đó các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu xe Trung Quốc thường tiếp cận trực tiếp và có chiết khấu cao cho cán bộ ngân hàng nếu "đàm phán" được với người vay mua chuyển sang mua xe Trung Quốc.
Về giá, hiện giá xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng tùy theo đời xe và hãng xe xê dịch trong khoảng từ 850 triệu - 1,2 tỷ đồng/chiếc (không kèm sơ mi rơ-moóc), xe đầu kéo Hàn Quốc nhập khẩu mới giá trên dưới 2 tỷ đồng/chiếc (không kèm sơ mi rơ-moóc), xe đầu kéo Trung Quốc nhập khẩu hay lắp ráp trong nước giá trên 900 triệu đồng/chiếc (không kèm sơ mi rơ-moóc).
Như vậy, giá xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng không chênh lệch nhiều với xe đầu kéo Trung Quốc nhập khẩu hay sản xuất trong nước. Nhưng giá bán xe Trung Quốc không phản ánh đúng chất lượng loại xe này do phải "gánh" thêm các chi phí không chính thức liên quan tới vay vốn đầu tư. Đã thế, lợi thế khai thác của 2 dòng xe này thì khác nhau "một trời, một vực"
Cụ thể, xe đầu kéo mới của Trung Quốc chỉ khai thác được 3 - 4 năm là xuống cấp rất nhanh, chi phí sửa chữa lớn, hay hỏng vặt. Ngược lại, xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng bền gấp đôi xe Trung Quốc mới, ít hỏng vặt và sửa chữa dễ dàng hơn, chi phí cũng thấp hơn.
Do vậy, nếu tăng thuế nhập khẩu xe đầu kéo Mỹ đã qua sử dụng lên 30% chắc chắn sẽ đẩy giá xe loại này cao hơn xe Trung Quốc và từ đó kích thích tăng cước vận tải. Đồng thời cũng không khuyến khích giảm được giá xe đầu kéo, vì doanh nghiệp kinh doanh xe Trung Quốc sẽ lại "liên thủ" với ngân hàng và tăng giá xe Trung Quốc lên tương ứng để trục lợi.
Trong trường hợp này, nhà nước không được thêm bao nhiêu thuế nhập khẩu xe, mà chắc chắn mặt bằng cước vận tải sẽ tăng vì các loại xe đều tăng giá. Trong khi đó lại chỉ khuyên khích các doanh nghiệp lắp ráp trong nước lựa chọn công nghệ sản xuất và chất lượng xe kém, không tăng được chất lượng vận hành. Đồng thời, khuyến khích sự bất bình đẳng trong kinh doanh xe đầu kéo.