Tăng nhu cầu phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tái cấu trúc nợ năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Dự báo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2021 sẽ không lớn như năm 2020, song nhóm nghiên cứu của FiinGroup cho rằng quy mô TPDN sẽ sớm tiệm cận với quy mô thị trường cổ phiếu.
Doanh nghiệp tăng nhu cầu phát hành trái phiếu để tái cấu trúc nợ
Doanh nghiệp tăng nhu cầu phát hành trái phiếu để tái cấu trúc nợ

Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Trái phiếu Doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam 2021 công bố mới đây, nhóm nghiên cứu của Fiin Group đánh giá kênh trái phiếu đã đóng vai trò quan trọng trong việc khai thông nguồn vốn cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, mặc dù có sự trầm lắng trong Quý 4/2020 sau khi Nghị định 81/2020 có hiệu lực, hoạt động phát hành TPDN nhìn chung vẫn diễn ra rất sôi động trong năm 2020 với giá trị phát hành mới đạt 429,5 nghìn tỉ đồng, tăng 28,3% so với năm 2019.

Quy mô phát hành mới này đã giúp cho thị trường TPDN đạt quy mô 950,3 nghìn tỉ đồng (trong tổng số hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã phát hành 5 năm qua), tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng vào cuối năm 2020.

Mức lãi suất bình quân danh nghĩa được chào bán bởi các nhà phát hành trong năm 2020 ở mức 9,9%, tăng trung bình 90 điểm cơ bản so với năm 2019. Hình thức phát hành năm 2020 chủ yếu vẫn là phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư tổ chức, nhất là các ngân hàng thương mại.

Các doanh nghiệp Bất động sản vẫn là những nhà phát hành lớn nhất với giá trị 162 nghìn tỉ đồng (chiếm 38,5% tổng giá trị phát hành) tăng 100,1% so với năm 2019.

Ở các nhóm ngành còn lại, bên cạnh nhóm ngân hàng và các tổ chức tài chính (chiếm 31,6% tổng giá trị phát hành), lĩnh vực năng lượng cũng đang thu hút được sự chú ý với các chính sách khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, với giá trị phát hành của lĩnh vực này đạt 33,8 nghìn tỷ, tăng 193,1% so với năm 2019.

Nhóm nghiên cứu của Fiin Group cho rằng đây là một phần trong chiến lược vốn để các doanh nghiệp cơ cấu lại cấu trúc vốn, đa dạng hóa kênh huy động và đặc biệt là để phù hợp với mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh dòng tiền từ kinh doanh suy giảm do các ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

“Trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi cũng chứng kiến nhu cầu này được tăng mạnh hơn nữa khi rất nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền hoạt động ngắn hạn trong khi mô hình kinh doanh về dài hạn và vị thế của họ vẫn rất tốt” – báo cáo nêu.

Về dài hạn, nhóm nghiên cứu dự báo kênh huy động qua TPDN vẫn sẽ phát triển mạnh và quy mô sẽ sớm tiệm cận với quy mô thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, riêng trong năm 2021 thì quy mô phát hành mới sẽ không lớn như năm 2020 do hoạt động phát hành riêng lẻ sẽ giảm đi và hình thức chào bán ra công chúng sẽ tăng lên đáng kể.

Do đó, nhu cầu tái cấu trúc nợ (tương tự như việc giãn nợ của kênh tín dụng ngân hàng qua Thông tư 01) sẽ là nhu cầu lớn của kênh trái phiếu doanh nghiệp./.