Bộ TT&TT là 1 có 9 Bộ, cơ quan ngang Bộ có Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 tăng số so với năm 2016, cùng với các Bộ: Tư pháp, Công Thương, Ngoại giao, NN&PTNT, Nội vụ, TN&MT, GD&ĐT và LĐTB&XH (Nguồn ảnh: mic.gov.vn)
Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa được công bố hôm nay, ngày 2/5/2018, cùng với việc công bố Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2017.
Năm nay là năm thứ 6 công tác xác định Chỉ số CCHC để theo dõi, đánh giá một cách thực chất, khách quan, công bằng kết quả thực hiện CCHC của các bộ, ngành, địa phương được triển khai. Mục đích của việc đánh giá Chỉ số CCHC nhằm xác định rõ mặt mạnh, mặt yếu trong việc thực hiện cải cách hành chính, giúp các bộ, ngành, địa phương có những điều chỉnh cần thiết về mục tiêu, nội dung và các giải pháp trong triển khai CCHC hàng năm, góp phần nâng cao hiệu quả CCHC, xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Theo Báo cáo Chỉ số CCHC của các bộ, ngành, địa phương năm 2017 được Bộ Nội vụ thực hiện, giá trị trung bình Chỉ số CCHC năm 2017 của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt được là 79,92%. Không có Bộ nào có kết quả Chỉ số cải cách hành chính dưới 70%. Có 12 bộ có Chỉ số CCHC năm 2017 trên mức giá trị trung bình. Khoảng cách giữa Bộ đạt Chỉ số CCHC năm 2017 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả thấp nhất (Ủy ban Dân tộc) là 20,23%.
Kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 của các Bộ, ngành tập trung vào 2 nhóm. Trong đó, nhóm 1 gồm 12 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 80%, gồm có: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ TT&TT; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Ngoại giao; Bộ NN&PTNT; Bộ KH&CN; Bộ Nội vụ; Bộ TN&MT; Bộ GD&ĐT; Bộ LĐTB&XH. Nhóm thứ hai là 7 Bộ, cơ quan ngang Bộ đạt kết quả Chỉ số CCHC năm 2017 từ trên 70% đến dưới 80%, gồm có: Bộ VHTT&DL; Bộ Giao thông Vận tải; Thanh tra Chính phủ; Bộ Xây dựng; Bộ KH&ĐT; Bộ Y Tế và Ủy ban Dân tộc.
So sánh giá trị Chỉ số CCHC năm 2017 với năm 2016 cho thấy, có 9 đơn vị tăng điểm số so với Chỉ số CCHC năm 2016, bao gồm: Bộ TT&TT; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Ngoại giao; Bộ NN&PTNT; Bộ Nội vụ; Bộ TN&MT; Bộ GD&ĐT và Bộ LĐTB&XH, trong đó Bộ LĐTB&XH có giá trị điểm số tăng cao nhất là 8,09% (từ 71,91% năm 2016 lên 80% năm 2017). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất tại Chỉ số CCHC năm 2017, tuy nhiên, giảm 0,32% điểm số so với năm 2016. Trong số các đơn vị có sự sụt giảm về điểm số so với năm 2016, Bộ KH&ĐT và Bộ Y tế giảm mạnh nhất, lần lượt là 7,98% và 7,29%.
Riêng với Bộ TT&TT, với việc đạt điểm thẩm định 58, điểm điều tra xã hội học 28,13 và Chỉ số tổng hợp là 86,13%, tăng 6,21% so với năm 2016, Bộ TT&TT đã vươn lên xếp vị trí thứ 2 trong bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của 19 Bộ, cơ quan ngang Bộ, chỉ xếp sau Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tăng 3 bậc so với xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2016 của các bộ.
Đối với các tỉnh, thành phố, Bộ Nội vụ cho hay, Chỉ số CCHC năm 2017 có sử dụng kết quả Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) như một chỉ số thành phần và đóng góp tới 12% tổng số điểm tối đa để đánh giá tác động của CCHC tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả đánh giá tổng hợp, Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, thành phố có giá trị trung bình đạt 77,72%, cao hơn so với giá trị trung bình năm 2016 là 3,08% (năm 2016 đạt 74,64%), trong đó 32/63 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số đạt trên giá trị trung bình; 60/63 đơn vị đạt kết quả Chỉ số trên 70%. Đáng chú ý, trong năm 2017, có 18 đơn vị đạt kết quả Chỉ số từ 80% trở lên, tăng 4 đơn vị so với năm 2016; số đơn vị có kết quả Chỉ số dưới 70% là 3 đơn vị, giảm 12 đơn vị so với năm 2016.
Báo cáo của Bộ Nội vụ nêu rõ, kết quả xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các tỉnh, thành phố đã có những thay đổi đáng kể so với năm 2016, cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố dành cho công tác cải cách hành chính ngày càng nhiều. Trong năm 2017, tỉnh Quảng Ninh đã xuất sắc vượt lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các địa phương, với kết quả điểm đạt được là 89,45/100, cao hơn so với đơn vị đứng ở vị trí thứ 2 là Hà Nội tới 3,99 điểm.
Xếp thứ 2 trên bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các địa phương là Hà Nội với kết quả đạt được là 85,46 điểm. Năm 2017, Hà Nội là một trong những đơn vị đi tiên phong và có bước đột phá mạnh mẽ trong việc rà soát, tổ chức, sắp xếp bộ máy các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng tinh gọn, cắt giảm đầu mối tổ chức, tinh giảm biên chế và phù hợp với thực tiễn.
Ba vị trí tiếp theo trong Top 5 đơn vị dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC năm 2017 của các địa phương lần lượt là Đồng Nai, Đà Nẵng và Hải Phòng, với các điểm số lần lượt là 84,52%; 84,4% và 84,35%.
Trong nhóm 5 địa phương đứng cuối bảng xếp hạng, tỉnh Quảng Ngãi là đơn vị có Chỉ số CCHC năm 2017 thấp nhất, với kết quả đạt 59,69%. Đây cũng là đơn vị duy nhất trên bảng xếp hạng có kết quả đạt được dưới 60 điểm. “Qua đánh giá cũng cho thấy, Chỉ số thành phần về “Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính” xếp vị trí thứ 63/63 tỉnh, thành phố. Như vậy có thể thấy, mức độ quan tâm lãnh đạo tỉnh đối với công tác cải cách hành chính còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, kết quả các chỉ số quan trọng như đánh giá về xây dựng thể chế, thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT của tỉnh đều đứng ở vị trí thứ 62/63. Các địa phương còn lại trong nhóm 5 đơn vị có kết quả thấp nhất là Bình Định (70,29 điểm), Trà Vinh (70,25 điểm), Thanh Hóa (69,94), Bến Tre (67,35)”, báo cáo của Bộ Nội vụ nêu nhận định.
Theo ICT News