Tân Tổng thống Iran, người bị Mỹ liệt vào “danh sách đen”, là ai và sẽ tạo sự thay đổi như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Giáo sĩ Ebrahim Raisi đắc cử Tổng thống Iran và sẽ chính thức kế vị ông Hassan Rouhani vào tháng 8 tới. Vậy ông là ai, chính sách mà ông theo đuổi là gì?
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi (Ảnh: INSS)
Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi (Ảnh: INSS)

Trong kỳ bầu cử vừa qua, ông Raisi – chính trị gia có đường lối cứng rắn – đã nhận được 17,9 triệu phiếu bầu phổ thông, chiếm 61,9% số phiếu. Cuối tuần qua, những người ủng hộ ông Raisi đã tổ chức ăn mừng lớn ở phía Đông thủ đô Tehran. Nhưng theo một số nhà quan sát, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu vừa qua thấp kỷ lục, khoảng 48,8%.

Việc nhiều cử tri tẩy chay cuộc bỏ phiếu được cho là do sự phản ứng trước những bất ổn của nền kinh tế, những hạn chế về chính trị và xã hội cùng nhiều vấn đề khác đã chất đống kể từ khi Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump rút khỏi Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), hay thỏa thuận hạt nhân Iran, vào năm 2018.

Nhiều người dân Iran thậm chí xem ngày bầu cử 18/6 như một lễ đăng quang được lên kế hoạch từ trước hơn là một kỳ bầu cử dân sự.

Chỉ vài ngày trước ngày bỏ phiếu, các ứng viên khác gồm Saeed Jalili và Alireza Zakani đã rút khỏi cuộc đua để rồi tạo lợi thế cho ông Raisi, khiến kỳ tranh cử càng ít tính cạnh tranh hơn và dọn đường lên nắm quyền lực cho những chính trị gia bảo thủ trung thành với Lãnh đạo tối cao.

Ông Ebrahim Raisi – người được cho là thiếu kinh nghiệm ngoại giao và điều hành nhà nước – giữ vị trí Bộ trưởng Tư pháp kể từ tháng 3/2019 và dành gần như toàn bộ sự nghiệp của mình trong ngành tư pháp. Vị chính trị gia 60 tuổi này còn được dự đoán sẽ là người kế vị Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei – người đã ở tuổi 82 và giữ vị trí hiện tại trong suốt 32 năm.

Sự trỗi dậy nhanh chóng của ông Raisi làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai của mối quan hệ giữa Iran với phương Tây, đặc biệt là với Mỹ. Trong nhiều năm qua, ông từng nêu rất nhiều quan điểm và luận điệu chống phương Tây, chống Mỹ hết sức gay gắt. Nhiều người dự đoán rằng ông Raisi chắc chắn sẽ xem xét lại mối quan hệ đang suy giảm giữa Iran với Liên minh châu Âu (EU) sau 8 năm nỗ lực hàn gắn của chính quyền Hassan Rouhani – một chính trị gia chủ trương ôn hòa.

Một tấm biển vận động người dân bỏ phiếu cho ông Raisi ở thủ đô Tehran (Ảnh: AFP)

Một tấm biển vận động người dân bỏ phiếu cho ông Raisi ở thủ đô Tehran (Ảnh: AFP)

Tháng 12/2020, ông Raisi từng nói với một nhóm các sinh viên rằng Mỹ đang “suy yếu hơn bao giờ hết”, thêm rằng “quá hăng hái trong đàm phán với Mỹ là cực kỳ sau định hướng”.

Trên cương vị Bộ trưởng Tư pháp, ông Raisi đã nhiều lần lấn sang cả mảng chính sách ngoại giao, mà gần đây nhất là nói rằng “sự đàn áp và cách ứng xử kiểu đế quốc của Mỹ không hề thay đổi…và điều khiến nước Mỹ thất vọng chính là sức mạnh của Cộng hòa Hồi giáo Iran”.

Sau sự kiện ám sát người đứng đầu lực lượng tinh nhuệ Quds của Iran, tướng Qasem Soleimani, hồi tháng 1/2020, ông Raisi nói rằng Mỹ “là sự hiện hình rõ ràng của chủ nghĩa khủng bố được nhà nước bảo trợ” và rằng “sự hiện diện của Mỹ trong khu vực chả giúp ích gì ngoài việc làm nảy sinh sự mất an ninh, hỗn loạn và ảnh hưởng tới ổn định”.

Ngược lại, ông Raisi cũng bị Mỹ áp lệnh trừng phạt vì cáo buộc vi phạm nhân quyền. Tháng 11/2019, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liệt ông vào “danh sách đen” vì “bật đèn xanh” cho vụ tử hình 7 kẻ tội phạm tấn công trẻ em năm 2018, trao bản án tử cho ít nhất 90 kẻ tội phạm kiểu này và bắt giam ít nhất 8 luật sư nhân quyền.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Mỹ cũng chỉ ra rằng ông Raisi là thành viên của một “hội đồng tử hình” đã từng tuyên án tử cho khoảng 5.000 tù nhân vào năm 1988. Ông Raisi chưa từng bình luận về những cáo buộc này.

Khi giữ chức Thứ trưởng Tư pháp thứ nhất (2004-2014), ông Raisi từng tham gia vào một cuộc đàn áp Phong trào Xanh 2009 – trỗi dậy để phản đối gian lận bầu cử và dàn xếp bầu cử của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.

Trong lúc mà nhiều nhà lãnh đạo thế giới gửi lời chúc mừng tới Tổng thống đắc cử Raisi, Tổ chức Ân xá quốc té (AI) lại dội gáo nước lạnh vào chiến thắng của ông, nói rằng ông cần phải “bị điều tra vì tội ác chống lại nhân loại”.

Một số chuyên gia nói rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể tìm cách kết nối với ông Raisi sau khi đạt được bước tiến trong phục hồi JCPOA…tuy nhiên, những cáo buộc nhân quyền có thể khiến ông Biden do dự bởi trung tâm của trong chính sách đối ngoại của ông là vấn đề nhân quyền, và đó cũng là tiêu chí không thể vứt bỏ trong các cuộc đàm phán giữa phương Tây và Tehran.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đánh tín hiệu sẽ cải thiện quan hệ với Iran (Ảnh: Asia Times)

Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đánh tín hiệu sẽ cải thiện quan hệ với Iran (Ảnh: Asia Times)

“Rõ ràng là ông ấy (Raisi) sẽ có khoảng thời gian khó khăn vì quá khứ của mình” – Sohail Jannessari, Giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Pompeu Fabra ở Barcelona, nhận định – “Nhiều nhóm có thể sẽ kêu gọi châu Âu áp lệnh trừng phạt với ông, trong khi ông ấy vốn đã nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ rồi, và ông ấy thậm chí còn không thể đặt chân tới thế giới phương Tây”.

Nhưng, ông Raisi không phải vị Tổng thống Iran đầu tiên bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Một số học giả Iran tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ tìm cách làm việc với ông và bỏ qua quá khứ trước đây của ông.

Vị Tổng thống đắc cử được dự đoán là sẽ xem xét về việc duy trì động lực hồi sinh lại thỏa thuận JCPOA và tránh chủ nghĩa phiêu lưu quân sự trong khu vực có thể dẫn tới sự sụp đổ của các vòng đàm phán ở Vienna.

Talal Mohammad – học giả thuộc Viện St Anthony, ĐH Oxford – cho rằng luận điệu chống phương Tây là khó có thể tránh, nhưng chính quyền Raisi sẽ không hủy thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền Rouhani đã nỗ lực phục hồi.

“Không nghi ngờ gì, chính quyền mới sẽ nỗ lực hết mình để duy trì JCPOA. Điều này không chỉ quan trọng với Tổng thống, mà là một vấn đề được Lãnh đạo tối quan quan tâm” – ông Mohammad nói với Asia Times – “Nhưng có khả năng cao là chính quyền Raisi sẽ không đàm phán về sức mạnh tên lửa của Iran, sự bảo trợ của họ đối với các tổ chức trong khu vực như Hamas và Hezbollah, Bashar al-Assad ở Syria, hay tận Venezuela, đơn giản là bởi những vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của duy nhất Tổng thống”.

Bức ảnh tư liệu chụp bên trong cơ sở hạt nhân Natanz của Iran (Ảnh: AFP)

Bức ảnh tư liệu chụp bên trong cơ sở hạt nhân Natanz của Iran (Ảnh: AFP)

Một số nhà phân tích cho rằng, một trong những điểm yếu của ông Raisi là thiếu danh tiếng chính trị ở cả trong nước và quốc tế. Ông không có uy tín như cựu Tổng thống chuyên về cải cách Mohammad Khatami, cũng không có khả năng thu hút lòng dân như ông Ahmadinejad…

Và vị trí Tổng thống Iran sẽ là bài thử để xem ông Raisi có phải là người phù hợp để trở thành Lãnh đạo tối cao trong tương lai hay không.

Đội ngũ chính sách đối ngoại của ông Raisi gần như chắc chắn sẽ có những gương mặt bảo thủ và các nhà ngoại giao ít được biết đến xuất thân từ Lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC). Ông cũng có thể viện sự trọ giúp từ Saeed Jalili – chính trị gia có tư tưởng bảo thủ cực đoan, người từng đóng vai trò đàm phán hạt nhân dưới thời chính quyền Ahmadinejad.

Ông Raisi trong một bài phát biểu trước các hãng truyền thông nước ngoài (Ảnh: RT)

Ông Raisi trong một bài phát biểu trước các hãng truyền thông nước ngoài (Ảnh: RT)

“Với một người có ít kinh nghiệm như ông Raisi trên cương vị lãnh đạo, ông có thể phải dựa nhiều hơn vào các nhà ngoại giao thân với mình. Về phần mình, ông ấy cũng chưa phát triển được định hướng chính trị rõ ràng” – Shahed Ghoreishi, chuyên gia thuộc hãng phân tích Defense Priorities, nhận định.

“Có tin đồn rằng ông Raisi sẽ là người thay thế ông Khamenei, nhưng nếu ông Raisi trên cương vị tổng thống mà không thu hút được sự ủng hộ, ông sẽ mất cơ hội đó” – Ghoreishi nói với Asia Times.

Nói chung, người dân Iran cũng như đang ở trong màn sương bởi vẫn chưa rõ ông Raisi sẽ đưa ra chính sách như thế nào về kinh tế và đối ngoại, cùng cách thức xử lý các vấn đề khác, như đại dịch COVID-19.

Theo Asia Times