Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã cam kết "bình thường hóa" quan hệ kinh tế với cộng đồng quốc tế bằng cách nỗ lực gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ, đánh dấu một sự thay đổi rõ rệt so với lập trường cứng rắn của người tiền nhiệm.
"Tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi những lệnh trừng phạt bất công này được dỡ bỏ", ông Pezeshkian tuyên bố sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội hôm 30/7. "Chúng tôi muốn bình thường hóa quan hệ kinh tế với thế giới".
Ông Pezeshkian đã bất ngờ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran vào tháng 7, khi ông vận động với thông điệp rằng mặc dù nền kinh tế Iran có thể sống sót dưới các lệnh trừng phạt, nhưng nó sẽ không thể phát triển mạnh mẽ.
Người tiền nhiệm của ông, ông Ebrahim Raisi, người đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng vào tháng 5, cho rằng việc phục hồi kinh tế không phụ thuộc vào việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, dù đó là thứ đã gây ra gánh nặng tài chính đáng kể cho người dân Iran trong những năm gần đây.
Chính quyền Tổng thống Raisi đã tham gia vào các cuộc đàm phán với các cường quốc, bao gồm các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ về vấn đề hạt nhân và khu vực, nhưng không đạt được bước tiến đáng kể nào.
Chính phủ của ông Pezeshkian vẫn chưa công bố chi tiết cách tiếp cận mới, nhưng giới chính trị Iran cho rằng chính quyền mới muốn tham gia lại vào các cuộc đàm phán hạt nhân với các cường quốc thế giới. Các nhà phân tích dự đoán rằng điều này có thể bao gồm việc Iran đưa ra những nhượng bộ về hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trong bài phát biểu của mình, ông Pezeshkian tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của ông là củng cố quan hệ với các nước láng giềng. Ông cũng bày tỏ sẵn sàng "kiểm soát căng thẳng" với phương Tây nói chung.
"Tôi kêu gọi các nước phương Tây hiểu thực tế của Iran và thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau cũng như đối xử bình đẳng", tân Tổng thống nói. Nhưng ông nhấn mạnh rằng ông sẽ không "đầu hàng trước sự bắt nạt, áp lực và tiêu chuẩn kép", ám chỉ hai thập kỷ đàm phán đã qua của Iran.
Các nhà ngoại giao phương Tây và một số nhà phân tích Iran vẫn thận trọng về những thay đổi chính sách tiềm năng, do lịch sử cho thấy sự cứng rắn của một số nhà cầm quyền Iran đã làm hỏng những nỗ lực cải cách, như trong các nhiệm kỳ Tổng thống Mohammad Khatami và Hassan Rouhani.
Tuy nhiên, một số chính trị gia khác lập luận rằng tình hình lần này có sự khác biệt. Họ tin rằng chính quyền nhà nước Hồi giáo đang có những thay đổi thực dụng để giảm bớt áp lực kinh tế.
Lựa chọn về vị trí đứng đầu của Bộ Ngoại giao sắp tới cũng có thể phản ánh hướng đi của Iran trong chính sách đối ngoại. Các nhà phân tích dự đoán rằng những ứng viên hàng đầu có thể bao gồm Abbas Araghchi, một nhà ngoại giao kỳ cựu và là một trong những nhà đàm phán chính trong các cuộc thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Pezeshkian đã chỉ trích các chính trị gia bảo thủ vì không thể phục hồi thỏa thuận hạt nhân, mà thay vào đó lại sử dụng các biện pháp tốn kém khác, chẳng hạn như bán dầu với giá giảm sâu. Ông cũng ủng hộ việc áp dụng các quy tắc quốc tế về chống rửa tiền với hy vọng rằng điều này sẽ giúp giảm bớt các hạn chế và khó khăn trong hệ thống ngân hàng của Iran.
Ông Pezeshkian không có ý định đối đầu với các chính sách và quan điểm của Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei, đặc biệt là trong các vấn đề về chính sách khu vực và hỗ trợ các nhóm chống Israel.
Ông đã dành một phần lớn bài phát biểu của mình để lên án cuộc chiến của Israel ở Gaza, và điều này được các thành viên Quốc hội hưởng ứng.