Cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc đã không có bất ngờ nào xảy ra. Đúng như kết quả thăm dò dư luận, ứng viên Đảng Dân chủ theo đường lối tự do Moon Jae in đã đắc cử Tổng thống với số phiếu rất cao, chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của phái bảo thủ.
Ông Moon Jae in là ai?
Ồng sinh ngày 24/1/1953 tại thành phố Geoje, tỉnh Gyeongsang Nam Hàn Quốc. Cha mẹ ông quê gốc ở tỉnh Nam Hamgyong (thuộc Triều Tiên hiện nay), trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên phải tỵ nạn xuống miền Nam, gần thành phố Busan. Ông là con lớn trong gia đình có 5 con. Hồi nhỏ, cuộc sống của gia đình rất khó khăn, từng phải sống nhờ vào thức ăn do các nhà thờ Công giáo phát miễn phí cho người nghèo. Ông cũng là tín đồ Catolic.
Năm 1971, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Kyungnam, Moon được vào học tại Trường đại học danh tiếng Kyunghee, chuyên ngành pháp luật. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh thanh niên Moon Jae in đã nhận thấy sự khắc nghiệt của xã hội Hàn Quốc khi đó đang dưới thời của tổng thống Park Chung hee. Anh bắt đầu tham gia hoạt động chính trị chống chính quyền từ năm 1969. Sau khi tổ chức một cuộc biểu tình sinh viên chống lại Hiến pháp Yushin, Moon Jae in bị đuổi khỏi trường luật và bị bắt giam. Chính trong thời gian đó, ông đã gặp được Kim Jung-sook, người sau này trở thành bạn đời của mình.
Được tha khỏi trại giam, ông đăng ký nghĩa vụ quân sự, được sung vào lực lượng đặc nhiệm, tham gia nhiều chiến dịch quân sự.
Năm 1980, sau khi giải ngũ, ông vượt qua kỳ thi sát hạch với thành tích xuất sắc và được nhận vào Viện Đào tạo và Nghiên cứu tư pháp. Mặc dù ông tốt nghiệp xếp thứ hai trong lớp, nhưng lại không thể trở thành thẩm phán do từng bị bắt vì chống đối chính quyền trong quá khứ. Thế là ông chọn con đường trở thành luật sư bảo vệ nhân quyền và nguyện suốt đời cốn hiến cho sự nghiệp đó. Chính trong thời gian này, ông gặp và kết bạn với luật sư Roh Moo -huyn, người sau này trở thành tổng thông Hàn Quốc (nhiệm kỳ 2003 -2008). Cũng chính ông Roh là người đã khuyến khích động viên ông Moon vào con đường hoạt động chính trị, mặc dù ông không muốn. Khi ông Roh làm tổng thống, ông Moon đã tham gia chính trường với vai trò thư ký cấp cao phụ trách các vấn đề dân sự trong chính quyền của ông Roh. Tình bạn giữa hai người gắn bó suốt cho đến khi ông Roh tự sát năm 2009.
Năm 2012, ông Moon đã gia nhập đảng Dân chủ để tiếp tục công việc của người bạn quá cố và quyết định tranh cử tổng thống Hàn Quốc năm ấy. Tuy nhiên, ông đã chấp nhận thất bại với kết quả khá sít sao trước đối thủ Park Geun-hye.
Chờ đợi sự thay đổi gì ở Tân Tổng thống Hàn Quốc?
Mọi việc thay đổi khá nhanh từ khi bà Park Geun hye bị luận tội do dính vào bê bối và bị chính thức phế truất. Kết quả cuộc bầu cử tổng thống trước thời hạn không những chỉ chấm dứt một thập kỷ cầm quyền của những người bảo thủ mà còn mở ra cơ hội để giảm nhiệt tình hình bán đảo Triều Tiên.
Ngay sau khi có kết quả, ông Moon đã tổ chức mừng chiến thắng tại trung tâm thành phố. Bước lên một lễ đài dựng tạm, vây quanh bởi các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ, ông Moon phát biểu: “Tôi sẽ làm cho đất nước công bằng, thống nhất. Tôi sẽ là một tổng thống mà sẽ phục vụ cả những người không ủng hộ tôi”.
Với khẩu hiệu tranh cử “Lợi ích dân tộc là trên hết”, ông Moon hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi trong chính sách. Rõ ràng nhất là chính sách với Triều Tiên. Hôm thứ Ba vừa rồi, ông phát biểu trên kênh YouTube rằng Hàn Quốc cần phải tham gia tích cực hơn trong việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên và không nên quan sát một cách vô can khi Mỹ và Trung Quốc đàm phán với nhau.
Ông Moon cũng là người ủng hộ chính sách “Ánh Dương” dưới thời cố Tổng thống Roh Moo hyun, khuyến khích quan hệ với Triều Tiên thông qua viện trợ và trao đổi. Ông tin rằng cải thiện quan hệ nội bộ liên Triều là cách tốt nhất để đảm bảo an ninh. Cũng vì chính sách này mà nhiều cử tri lớn tuối đã không bỏ phiếu cho ông vì lo ngại ông tỏ ra nhượng bộ Triều Tiên quá nhiều. Tuy nhiên, bù lại, ông nhận được sự ủng hộ rất cao từ phía các cử tri trẻ tuôi.
Một thay đổi rất quan trọng trong chính sách của ông Moon là thái độ với Mỹ, trước hết là với việc bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Ồng Moon cho rằng, quyết định (bố trí hệ thống THAAD) được đưa ra quá vội và chính quyền của ông sẽ phải nói lời cuối xem có nên bố trí hệ thống này hay không.
Trong cuốn sách ông vừa viết hồi tháng Giêng vừa rồi, ông Moon nói, Hàn Quốc cần phải học nói “không” với Mỹ.