Tán thành việc cấp visa điện tử cho người nước ngoài

Ngày 18-11, tại phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm cấp thị thực (visa) điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, phần lớn ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều tán thành với chủ trương này
Đại biểu Quốc hội tán thành cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài. Ảnh: Vân Ly

 Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã đưa ra những ý kiến góp ý nhằm triển khai hoạt động này được hiệu quả hơn.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang), cho biết ông nhất trí với tờ trình của Chính phủ. Ông cho rằng, sau khi nghị quyết có hiệu lực thi hành sẽ là tín hiệu tốt, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong lĩnh vực du lịch cũng như thu hút đầu tư, cải cách hành chính và cũng phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Đại biểu Lạng Sơn, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là một chủ trương đúng đắn, gắn với lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy cơ hội đầu tư và phát triển kinh tế, đặc biệt đối với ngành du lịch được xem là ngành mũi nhọn trong thời gian tới.

Việc dự thảo nghị quyết đưa ra những điểm liên quan đến cải cách quy trình thủ tục cấp thị thực điện tử và đặc biệt là việc mở rộng thời hạn cấp thị thực điện tử là một nội dung mà ông Thành đánh giá rất cao và đồng ý với việc ban hành nghị quyết này.

Mặc dù tán thành với chủ trương trên, song đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) đề nghị làm rõ hơn một số điểm bất cập nhằm làm thuận lợi hơn trong quá trình triển khai, thực hiện việc thí điểm. "Thời gian vừa qua đã có nhiều vụ xâm nhập dữ liệu điện tử trái phép như đối với ngành hàng không, vì thế, đề nghị cơ quan triển khai cấp thị thực điện tử cần có những giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an ninh quốc gia, giảm thiểu các trường hợp nhập cảnh vì các mục đích trái pháp luật", ông nói.

Thêm nữa, Chính phủ cần cân nhắc chỉ nên thí điểm trong một số khâu trong việc cấp thị thực điện tử chứ không thực hiện ở tất cả các khâu bởi hiện nay không nhiều nước thực hiện việc cấp thị thực điện tử mà chỉ ứng dụng ở một số khâu như việc khai nộp, đề nghị.

Về phạm vi thực hiện thí điểm, ông Sỹ cho rằng cấp thị thực điện tử cho mọi người nước ngoài là quá rộng và sẽ đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, họ cũng chỉ áp dụng với công dân một số nước nhất định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc trên cơ sở mức độ quan hệ đối ngoại và yếu tố về an toàn, bảo đảm an ninh quốc gia để quyết định áp dụng với những nước nào.

Đại biểu Hồ Văn Thái (Kiên Giang) cũng cho rằng việc áp dụng thị thực điện tử cho tất cả người nước ngoài là quá rộng vì đây là vấn đề rất mới mẻ, chưa được quy định trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú với người nước ngoài vào Việt Nam. Mặt khác, do Việt Nam chưa có kinh nghiệm và hội đủ điều kiện về nhân lực, vật lực cũng như các điều kiện cần thiết để thực hiện công việc này. Nếu áp dụng rộng rãi, sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí có nguy hại đến an ninh của đất nước.

Ông Thái nói: “Nên quy định đối tượng hẹp lại, có thể ưu tiên áp dụng cho đối tượng khách du lịch, khách vào Việt Nam để khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư với một số nước truyền thống hoặc một số quốc gia đã có ký kết quan hệ hợp tác với Việt Nam. Quy định như vậy, vừa đảm bảo tính thận trọng, chặt chẽ nhưng cũng phù hợp với quan điểm xây dựng nghị quyết là thực hiện thí điểm”.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn kiến nghị nên thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử song song với phương thức truyền thống và trực tiếp; tạo ra một số hàng rào kỹ thuật như đảm bảo bảo lãnh qua các hãng hàng không có vé khứ hồi đi và về, qua các khách sạn mà khách có thể lưu trú trong thời gian ở Việt Nam và có cơ quan ở Việt Nam...

Theo TBKTSG

Theo TBKTSG