Tân Hoa xã ngày 27/10 cho hay trong thời gian thực hiện Quy hoạch 5 năm lần thứ 13, mục tiêu chủ yếu của công tác khảo sát khoa học cực địa (Bắc Cực, Nam Cực) của Trung Quốc là thúc đẩy khả năng hoạt động, khả năng nghiệp vụ và khả năng quản lý ở cực địa lên cấp độ mới, sơ bộ đạt trình độ cường quốc cực địa thế giới.
Phó chủ nhiệm Ngô Quân, Văn phòng khảo sát cực địa, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc đã nêu ra mục tiêu trên tại "Hội thảo khoa học cực địa Trung Quốc 2016" tổ chức vào ngày 27/10/2016.
Ngô Quân cho biết trong thời gian quy hoạch 5 năm lần thứ 13, công tác khảo sát cực địa của Trung Quốc sẽ thông qua thực hiện các nhiệm vụ quốc gia như "cực địa Tuyết Long", "biển trí tuệ", "hạng mục khảo sát và đánh giá tổng hợp môi trường Nam Cực", từng bước nâng cao năng lực hoạt động tổng hợp và bảo đảm hỗ trợ ở cực địa của Trung Quốc;
hoàn thiện triển khai tổng thể việc xây dựng các trạm hoạt động và trạm quan trắc cực địa; tăng cường xây dựng nghiệp vụ ở cực địa, tăng cường khả năng quan trắc, dự báo và dịch vụ thông tin ở cực địa; sáng tạo, phát triển công nghệ, nghiên cứu chế tạo ra các trang bị kỹ thuật dò tìm phù hợp với môi trường cực địa.
Đến cuối thời gian thực hiện quy hoạch 5 năm lần thứ 12, việc khảo sát cực địa của Trung Quốc có đặc điểm là: 1 tàu (tàu khảo sát Tuyết Long), 5 trạm (trạm Trường Thành Nam Cực, trạm Trung Sơn, trạm Côn Luân, trạm Thái Sơn, trạm Hoàng Hà - Bắc Cực);
1 cơ sở trong nước; đã triển khai 32 lần khảo sát ở Nam Cực, 7 lần ở Bắc Cực, 13 năm ở trạm Hoàng Hà, hơn 6.500 người tham gia công tác khảo sát tại hiện trường, tham gia quản lý và hợp tác quốc tế.
Phó cục trưởng Lâm Sơn Thanh, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho hay năm 2016 là năm khởi động quy hoạch 5 năm lần thứ 13, đã có khởi đầu tốt đẹp trong khảo sát và nghiên cứu cực địa: đã thực hiện thuận lợi lần khảo sát Nam Cực thứ 32 và lần khảo sát khoa học Bắc Cực thứ 7, máy bay cảnh cố định "Tuyết Ưng 601" đã bay thử thành công ở Nam Cực;
khởi công xây dựng trạm quan trắc áng sáng; hạng mục "khảo sát và đánh giá tổng hợp môi trường cực địa" đã nhận được sự hỗ trợ tài chính của Bộ Tài chính, các chương trình nghiên cứu trọng điểm như "Nghiên cứu phát triển trang bị kỹ thuật quan trọng thăm dò/quan trắc môi trường cực địa" đã được Bộ Khoa học công nghệ duyệt; phân hội khoa học cực địa của Hội nghiên cứu biển Trung Quốc chính thức thành lập.
Cuối năm 2016, tàu phá băng khảo sát cực địa mới sẽ được khởi công chế tạo, tạo nên sức sống mới cho khảo sát khoa học cực địa của Trung Quốc.
Lâm Sơn Thanh cho rằng, trong bối cảnh môi trường cực địa biến đổi nhanh chóng và các vấn đề cực địa ngày càng được các nước quan tâm, tầm quan trọng của khảo sát khoa học cực địa đối với nhận thức khoa học và phục vụ quyết sách ngày càng nổi bật.
Trong hội thảo lần này, các vấn đề được tập trung thảo luận như biến đổi khí hậu và băng tuyết ở cực địa, biển và băng biển ở cực địa, địa chất biển và vật lý địa cầu, vật lý không gian và khí quyển khu vực cực địa, thiên văn Nam Cực, sinh thái biển cực địa, tính đa dạng sinh học và công nghệ sinh học, thiên thạch cực địa và địa chất học, giám sát môi trường cực địa và chia sẻ thông tin, viễn thám cực địa và đo đạc trái đất, nghiên cứu chiến lược cực địa.
Tân Hoa xã cho rằng, cực địa là "lãnh thổ mới chiến lược" liên quan đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Các chuyên gia cho rằng việc bàn thảo về khảo sát cực địa trong thời gian quy hoạch 5 năm lần thứ 13 có lợi cho kích thích sức sống mới trong nghiên cứu cực địa, thúc đẩy thực hiện quy hoạch 5 năm lần thứ 13 về khảo sát cực địa.