Tân Hoa Xã: Chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao của Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc chuyển đổi số mạnh mẽ ở hầu hết cả ngành nghề, từ thành thị tới nông thôn, đã giúp Trung Quốc tạo ra một nền kinh tế số chất lượng cao.
Một nhân viên kiểm tra dữ liệu thông qua một nền tảng số được gọi là "làng thông minh" ở làng Baihu, huyện Trường Lạc, Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc (ảnh: Tân Hoa Xã)
Một nhân viên kiểm tra dữ liệu thông qua một nền tảng số được gọi là "làng thông minh" ở làng Baihu, huyện Trường Lạc, Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc (ảnh: Tân Hoa Xã)

Ngoài việc sử dụng tiền mặt và các nền tảng thanh toán kỹ thuật số như Alipay và WeChat Pay, các quan khách tham dự Hội nghị Thượng đỉnh kỹ thuật số Trung Quốc lần thứ tư có một lựa chọn thanh toán khác – đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số (RMB) - nếu họ muốn mua nước đóng chai và đồ ăn nhẹ tại địa điểm họp.

Sau khi tải xuống app di động và ký gửi RMB, tiền sẽ tự động chuyển sang dạng kỹ thuật số. Việc thanh toán rất đơn giản bằng cách quét mã QR qua app – tương tự như các app thanh toán hiện có. Các thanh khoản diễn ra theo thời gian thực. Trung Quốc đã thử nghiệm triển khai tiền kỹ thuật số tại một số thành phố.

Hội nghị Thượng đỉnh Kỹ thuật số Trung Quốc lần thứ tư khai mạc vào Chủ nhật (25/4) tại Phúc Châu, thủ phủ của tỉnh Phúc Kiến, miền đông Trung Quốc. Hội nghị kéo dài 2 ngày, giới thiệu những tiến triển mới nhất trong việc áp dụng các công nghệ lõi của 4.0 như Blockchain, 5G, AI và Dữ liệu lớn với chủ đề “Kích thích động lực mới cho các yếu tố dữ liệu, tạo một hành trình mới cho Trung Quốc kỹ thuật số”.

Những công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc như Alibaba, Huawei, Tencent đã mang đến trình diễn tại Hội thảo các sản phẩm tiên tiến của họ. Các quan khách đến tham dự để trang bị kiến thức nhằm cải thiện khả năng quản trị doanh nghiệp số cũng như xây dựng một xã hội thông minh hơn.

Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) của Trung Quốc nhấn mạnh sự phát triển của nền kinh tế số bằng cách thúc đẩy hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thực, và xây dựng các cụm công nghiệp kỹ thuật số có khả năng cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao.

Trong bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị, ông Huang Kunming (Hoàng Khôn Minh) - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên truyền trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đổi mới khoa học công nghệ nhằm xây dựng một Trung Quốc kỹ thuật số.

Tích hợp sâu rộng kỹ thuật số với nền kinh tế thực

Việc sử dụng các công nghệ số đã giúp Trung Quốc đối phó hiệu quả với Covid-19 thông qua việc truy vết tiếp xúc, phân loại người bị sốt và thực hiện y tế từ xa. Giờ đây, Trung Quốc đang thúc đẩy việc tích hợp sâu rộng kỹ thuật số với nền kinh tế thực để nâng cấp các ngành công nghiệp của mình và mở ra con đường phát triển chất lượng cao.

Một công ty công nghệ cao trưng bày phòng thí nghiệm di động để kiểm tra axit nucleic COVID-19 tại Triển lãm thành tựu kỹ thuật số tổ chức ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (ảnh: Tân Hoa Xã)
Một công ty công nghệ cao trưng bày phòng thí nghiệm di động để kiểm tra axit nucleic COVID-19 tại Triển lãm thành tựu kỹ thuật số tổ chức ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến (ảnh: Tân Hoa Xã)

Nền sản xuất thông minh đã dần phổ biến khắp đất nước. Trong nhà máy sản xuất đồ thể thao khổng lồ ANTA Sports ở Hạ Môn, công nhân không cần phải buộc đống quần áo lại với nhau rồi mang sang khu vực phân loại xử lý. Nhờ hệ thống máy móc tự động, dữ liệu lớn và vạn vật kết nối (IoT), xưởng may có thể tự động chuyển và phân loại quần áo một cách thông minh. Đây là hai trong số hơn một chục chức năng được tự động hóa.

Một hệ thống treo thông minh di chuyển quần áo xung quanh xưởng và đưa chúng lên các tầng khác nhau để thực hiện quy trình tiếp theo, giúp công nhân giảm bớt công việc nặng nhọc trước đây.

Zhong Xueliang, giám đốc dự án tại nhà máy cho biết: “Chúng tôi lấy cảm hứng từ tàu cao tốc khi thiết kế hệ thống, cho phép chúng tôi theo dõi các chuyển động đến từng điểm dừng của quy trình sản xuất”.

Ông Zhong nói rằng mỗi sản phẩm ra khỏi hệ thống đều được tiêu chuẩn hóa và đảm bảo chất lượng. Hệ thống có thể rút ngắn quy trình sản xuất quần áo từ ít nhất nửa tháng xuống còn tối thiểu 3 giờ rưỡi.

Nhà máy ở Hạ Môn chỉ là một trong nhiều nhà máy thông minh mới ở Trung Quốc. Tại thành phố Tuyền Châu, một trung tâm sản xuất ở Phúc Kiến, hơn 1500 doanh nghiệp lớn đang tiến hành chuyển đổi số.

Yang Xueshan, Giáo sư Đại học Bắc Kinh cho biết: “Số hóa giúp tăng năng suất lao động và sản lượng trên đầu người. Điều cần thiết là các nhà máy và nền kinh tế thực phải tích hợp công nghệ số”.

Đưa công nghệ số về nông thôn

Ke Hong, người đứng đầu làng Baihu ở Phúc Châu đã thấy công việc của mình trở nên hiệu quả hơn nhiều với sự trợ giúp của các cảm biến và camera kết nối 5G được lắp đặt xung quanh làng. Ông có thể sử dụng chúng để giám sát hoạt động của thiết bị hạ tầng công cộng như cột đèn, bãi đậu xe và nắp cống.

Công nghệ số cũng cho phép các nhân viên cộng đồng của làng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người cao tuổi, đặc biệt những người sống một mình hoặc có nguy cơ mắc bệnh cao.

Ông Ke Shunjun, 78 tuổi, đeo một chiếc vòng tay thông minh do làng cung cấp để theo dõi dữ liệu sức khỏe theo thời gian thực. Nhân viên y tế được thông báo ngay lập tức nếu có trường hợp khẩn cấp xảy ra.

"Tôi và gia đình cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều kể từ khi tôi có thiết bị đeo tay này, vì các con tôi đều làm việc ở ngoài làng", ông nói.

Ngôi làng thông minh ở Baihu mang đến một cái nhìn tổng quan về cách công nghệ số đang thâm nhập và định hình lại các vùng nông thôn Trung Quốc - ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách khi nước này chuyển trọng tâm từ xóa đói giảm nghèo sang tái thiết nông thôn.

Nông nghiệp thông minh đem lại một tương lai xanh hơn và năng suất hơn. Hơn 100 camera được cài đặt trên một trang trại trồng chè thông minh hỗ trợ 5G ở thành phố Fu'an, miền đông Trung Quốc. Hầu hết camera được kết nối với mạng 5G để giám sát đồng ruộng 24 giờ một ngày, nhờ đó bệnh hại cây trồng có thể được phát hiện ngay lập tức, theo kỹ thuật viên hệ thống Liu Shengquan, cũng là một nông dân trồng chè hơn 30 năm.

Kết quả là việc sử dụng thuốc trừ sâu đã giảm đáng kể, và thu nhập trên mỗi sào Trung Quốc (0,067 ha) tăng từ 300 nhân dân tệ lên 500 nhân dân tệ mỗi năm.

Camera giám sát các loại bệnh và sâu bệnh hại cây trồng tại một trang trại chè thông minh hỗ trợ 5G ở thành phố Phúc An, tỉnh Phúc Kiến (ảnh: Tân Hoa Xã)
Camera giám sát các loại bệnh và sâu bệnh hại cây trồng tại một trang trại chè thông minh hỗ trợ 5G ở thành phố Phúc An, tỉnh Phúc Kiến (ảnh: Tân Hoa Xã)

Ông Zhang Zujin, Phó Tổng giám đốc Fu'an Nong Ken Group, một doanh nghiệp nông nghiệp quốc doanh địa phương, cho biết: “Dữ liệu sẽ trở thành một nguồn lực mới cho sản xuất nông nghiệp. Nông nghiệp số đang mở ra những cơ hội phát triển mới và dự kiến ​​sẽ đạt được mức tăng trưởng đáng kể".