Tờ Vượng báo Đài Loan ngày 14/9 cho rằng thông qua cuộc chiến chống tham nhũng được tiến hành liên tục, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố địa vị quyền lực, quét sạch trở ngại cho sắp xếp nhân sự Đại hội 19 diễn ra vào năm 2017.
Báo chí Trung Quốc ngày 13/9 công bố Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc, Trung Quốc, ông Lý Hồng Trung đã tiếp nhận chức Bí thư thành ủy Thiên Tân, đồng thời ông Hoàng Hưng Quốc bị miễn chức Chủ tịch thành phố, quyền Bí thư thành ủy Thiên Tân và bị tiến hành điều tra.
Loại bỏ Hoàng Hưng Quốc trong trường hợp ông này làm "quyền Bí thư thành ủy" dài tới 21 tháng, thay bằng Lý Hồng Trung, người đi đầu công khai ủng hộ ông Tập Cận Bình là "hạt nhân lãnh đạo Trung ương" vào tháng 1/2016, hình thành một cục diện nhân sự "chống tham nhũng và sắp đặt" hoàn hảo.
Đệ nhất nắm chắc giang sơn
Lý Hồng Trung là người Sơn Đông, sau này học Đại học ở Cát Lâm, sau tốt nghiệp, trong vòng 10 năm luôn công tác ở Liêu Ninh. Mãi đến năm 1985 mới đến Bắc Kinh làm thư ký cho Văn phòng Bộ Công nghiệp Điện tử.
3 năm sau, Lý Hồng Trung được điều đến tỉnh Quảng Đông công tác khoảng 20 năm, làm đến Bí thư thành ủy Thâm Quyến. Năm 2007, họ Lý tiếp tục được điều đến công tác ở tỉnh Hồ Bắc, trong thời gian 10 năm nỗ lực được lên làm Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc.
Nhìn vào lý lịch của Lý Hồng Trung: xuất thân từ quan địa phương, có kinh nghiệm công tác hoàn chỉnh cả ở 3 tỉnh và Trung ương, đường làm quan phát triển vững chắc; do Lý Hồng Trung năm nay 60 tuổi, sau khi tiếp nhận chức Bí thư thành ủy Thiên Tân, cũng đợi vào Bộ Chính trị, trong tương lai sẽ là nhân vật quan trọng trong Đại hội 19.
Nhìn vào việc bố trí nhân sự nhanh chóng trong Đảng và chính quyền của ông Tập Cận Bình trong 2 năm gần đây, nhất là năm nay, không cần đợi đến Đại hội 19, trong nhiệm kỳ 5 năm đầu của ông, đã kiểm soát chắc chắn "giang sơn", tỏ ra đặc biệt nổi trội so với ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.
Do đó, báo chí các nước hình dung ông là "đệ nhất sau Mao Trạch Đông", tốc độ củng cố vững chắc quyền lực còn hơn cả ông Đặng Tiểu Bình.
Ông Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đều là người kế nhiệm được lựa chọn kỹ càng của ông Đặng Tiểu Bình, trong khi đó, ông Tập Cận Bình tại sao có thể nắm chắc quyền lực tối cao nhanh hơn so với ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào dù không có bối cảnh đặc biệt?
Chống tham nhũng – vũ khí lợi hại
Chống tham nhũng rõ ràng là vũ khí lợi hại cầm quyền độc nhất vô nhị của ông Tập Cận Bình. Lấy Thiên Tân làm ví dụ, đây là một thành phố lớn có mạng lưới quan hệ vô cùng phức tạp, cục bộ, bè phái mọc lên như nấm, sử dụng cách thức "nhảy dù" để nắm giữ toàn cục không hề dễ dàng; nhưng sử dụng biện pháp chống tham nhũng để tiếp quản toàn diện thì dễ hơn nhiều.
Trước khi Hoàng Hưng Quốc ra đi, Lý Hồ Trung tiếp quản, từ khi xảy ra sự cố nổ kho chứa chất độc hóa học ngày 12/8/2015 ở cảng Thiên Tân, Thiên Tân đã có ít nhất 35 cán bộ cấp phòng trở lên ngã ngựa. Có người xuống mới có người lên, chống tham nhũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho ông Tập Cận bình sắp xếp các nhân sự quan trọng.
Từ Thiên Tân nhìn đến toàn quốc, Hoàng Hưng Quốc cũng là Ủy viên Trung ương bị ngã ngựa thứ 10 sau Đại hội 18. Trước đó đã có các ông Lệnh Kế Hoạch, Tô Thụ Lâm, Lý Đông sinh, Dương Kim Sơn, Dương Đống Lương, Chu Bản Thuận, Tưởng Khiết Mẫn, Vương Mân và Điền Tu Tư ngã ngựa.
Trong thời gian 2 - 3 năm sau Đại hội 18, ông Tập Cận Bình đã có thể thay thế nhiều Ủy viên Trung ương như vậy, một mặt thể hiện quyết tâm và thành quả chống tham nhũng của ông và qua đó nhận được sự ủng hộ phổ biến của người dân; mặt khác nhiều cán bộ cấp cao ngã ngựa như vậy cũng mở đường cho ông Tập Cận Bình sắp xếp nhân sự của mình, chuẩn bị cho Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc.