Tâm sự nhói lòng của bác sĩ điều trị cho “rất nhiều BN91” giữa “tâm dịch” Đà Nẵng

VietTimes – Bác sĩ Trần Thanh Linh -Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu BV Chợ Rẫy, từ “tâm dịch” Đà Nẵng - giành cho VietTimes một cuộc trò chuyện với những tâm sự nhói lòng.
Bác sĩ Trần Thanh Linh và đồng nghiệp chăm sóc BN nặng COVID-19 tại "tâm dịch" Đà Nẵng

Làn sóng thứ 2 phức tạp hơn rất nhiều

Phóng viên: Thưa bác sĩ, kinh nghiệm chống dịch COVID-19 khi điều trị cho bệnh nhân (BN) 91 khác với giai đoạn hiện tại ở “tâm dịch” Đà Nẵng thế nào?

BS Trần Thanh Linh: Mỗi giai đoạn có một khó khăn khác nhau. BN91 rất nặng, tổn thương tới hơn 80% phổi, phải thở máy, hỗ trợ kỹ thuật ECMO kéo dài, nhưng thời điểm đó gần như chỉ có một ca bệnh nặng, nên ngành y đã dồn toàn lực để điều trị cho BN91. Không chỉ có các BS ở Chợ Rẫy, mà các giáo sư đầu ngành trên cả nước đã điều trị cho BN này.

Hơn nữa, BN91 ngoài béo phì ra thì không có nhiều bệnh lý nền như các BN mắc COVID-19 giai đoạn này. BN91 chỉ bị nhiễm trùng vết loét do nằm lâu, chúng ta có thể xử lý tốt. Phục hồi chức năng cho BN91 cũng có nhiều cơ hội vì BN còn trẻ.

Còn đợt bùng phát dịch ở Đà Nẵng lần này rất khác và cực kỳ nhiều khó khăn. Thứ nhất là không xác định được F0. Mà bệnh phát từ chính môi trường bệnh viện nên ảnh hưởng đến quá nhiều BN đang nằm viện. Rất nhiều BN bệnh nặng, suy thận mãn, phải chạy thận định kỳ, BN suy tim đang nằm tại Khoa HSCC, tăng huyết áp, tiểu đường…

BN lần này ở Đà Nẵng hầu hết lớn tuổi, độ tuổi trung bình trên 55, nhiều người trên 60, nhiều bệnh nền, nhiều người đã phải nằm ở Khoa HSCC lâu ngày. Những BN này ngay cả khi họ không mắc COVID-19 thì chất lượng sống của họ cũng đã rất thấp, nguy cơ tử vong rất cao.

BS. Trần Thanh Linh và các đồng nghiệp đã đồng hành nhiều tháng nay cùng các BN nặng COVID-19


Rất nhiều BN có bệnh lý nền cùng bùng phát trong một thời điểm dẫn đến ngành y phải phân chia lực lượng, tập trung trang thiết bị y tế, dụng cụ y khoa, cơ sở hạ tầng… để điều trị cho rất nhiều BN nặng nên thực sự là khó khăn chồng chất. Mặc dù các BS đã nỗ lực hết sức trong công việc chuyên môn, thành phố Đà Nẵng cũng đã có nhiều phương án, xây dựng thêm BV Hòa Vang, củng cố BV Phổi, xây dựng BV Dã chiến Tiên Sơn… tập hợp trang thiết bị nhưng trước tình hình quá phức tạp, chúng ta vẫn khó giữ được nhiều BN nặng tránh khỏi tử vong.

Lần này có rất nhiều "BN91"

Phóng viên: Trường hợp của BN91 rất nặng, tỷ lệ tổn thương phổi rất cao nhưng vẫn có thể hồi phục diệu kỳ. Còn các BN của giai đoạn này, tình trạng cụ thể của họ như thế nào thưa bác sĩ?

BS Trần Thanh Linh: Giai đoạn này, rất nhiều BN nặng đang điều trị tại khoa HSCC của BV Phổi Đà Nẵng cũng bị tổn thương phổi y như BN91.

Trong số đó có ca BN nặng được phát hiện đầu tiên tại Đà Nẵng – BN416 bắt đầu được can thiệp ECMO từ ngày 24/7 với ekip BS được điều động hỗ trợ từ BV Chợ Rẫy. Đến ngày 5/8 BN416 được chuyển từ BV Đà Nẵng sang BV Phổi. Cho đến nay BN này vẫn đang phải phụ thuộc ECMO, tổn thương phổi nặng nề.

BN416 có bệnh nền tăng huyết áp. Hiện tại vì tình trạng của BN416 quá nặng nên chưa thể đưa BN đi chụp CT Scan để xác định chính xác tỷ lệ tổn thương phổi là bao nhiêu, chỉ có thể nói là cực kỳ nặng nề. Dự kiến BN416 còn phải hoàn toàn phụ thuộc vào ECMO trong một thời gian rất dài sắp tới. Như BN91 từ lúc bắt đầu thở máy cho đến khi phục hồi hoàn toàn mất tới hơn 100 ngày.

Ngoài BN416, tại Đà Nẵng còn rất nhiều BN nặng có bệnh lý nền suy thận mãn, tổn thương phổi cực kỳ nặng nề. Chỉ riêng bệnh lý nền, tỷ lệ tử vong trong ngày của họ đã chiếm 10% trong nhóm suy thận rồi.

Các BN suy tim, chức năng co bóp cơ tim chỉ còn 10-12%, BN cũng đã phải nằm trong khoa HSCC lâu ngày, đã nhiễm vi trùng, nhiễm nấm, nhiễm trùng đa kháng, phải thở máy từ trước đó, giờ nhiễm thêm COVID-19, tổn thương phổi nặng nề nữa, cho nên nguy cơ tử vong đối với nhóm BN nặng này là rất cao.

Nhiều trường hợp BN ở Đà Nẵng lần này đã quá chỉ định để can thiệp ECMO theo tiêu chuẩn quốc tế, nhưng Tiểu ban điều trị COVID-19 Bộ Y tế vẫn chỉ đạo dồn toàn lực, giành mọi thiết bị cũng như sự quan tâm của các chuyên gia đầu ngành tới BN. Mặc dù biết rõ cơ hội sống của BN có thể thấp nhưng toàn bộ các BS đã nỗ lực cao nhất để tìm mọi cơ may cho họ.

Bác sĩ Trần Thanh Linh được gọi với tên gọi thân thương là "Bác sĩ 91" vì điều trị trực tiếp cho BN91, phi công người Anh

Chỗ nào cũng có thể trở thành “ổ dịch”

Phóng viên: Toàn ngành y và nhiều ngành khác đã dồn lực cùng Đà Nẵng chống chọi với dịch bệnh COVID-19. Nhưng liệu có nên di dời bớt BN sang các khu vực khác để tăng khả năng điều trị cho BN không, thưa BS?

BS Trần Thanh Linh: Chúng ta đã thành công với việc ngay từ đầu dịch đã có phương án giải phóng rất nhanh gần như hết hàng ngàn ca F1 ra khỏi các BV tại Đà Nẵng. Chẳng hạn như Bệnh viện C Đà Nẵng, BV Chấn thương chỉnh hình đã gần như được giải phóng rồi.

Chúng ta chỉ có thể khử khuẩn hoàn toàn khi đã di dời hết BN COVID-19. Mà các BV Đa khoa, Viện C, Viện Chấn thương chỉnh hình… đều là những trung tâm điều trị cho lượng rất đông BN không mắc COVID-19 của khu vực miền Trung.

Nguồn bệnh hiện nay lây lan ra cộng đồng, thì tất cả các lực lượng chức năng như Sở Y tế, CDC, Quân đội… cũng đã tập trung khoanh vùng. Về số lượng BN nhiễm mới cũng đã đang giảm dần.

Sắp tới, sẽ có thêm BV Dã chiến Tiên Sơn được bàn giao, đi vào hoạt động, điều trị các BN COVID-19 nhẹ, không có bệnh lý nền, nếu con số này vẫn tiếp tục gia tăng và cũng giải tỏa áp lực cho các BV đang điều trị các BN COVID-19 nặng hiện tại.

Phóng viên: Việc phát hiện ra “ổ dịch” trong chính BV có phải là bài học đau xót thưa bác sĩ?

BS Trần Thanh Linh: Hiện nay chúng ta không thể xác định được FO cũng là một yếu tố rất khó. Dịch bệnh COVID-19 làn sóng thứ hai, rồi làn sóng thứ ba, phải xác định rằng bất cứ BV nào, địa phương nào cũng có thể trở thành “ổ dịch”.

Về việc này Chính phủ, Bộ Y tế, Ban chỉ đạo cũng đã nói nhiều rồi. Không chỉ ngành y tế, mà toàn xã hội và từng người dân đều phải nâng cao cảnh giác, cùng chung ý chí chống dịch. Phòng ngừa là quan trọng nhất.

Bác sĩ Trần Thanh Linh từ BV Chợ Rẫy được điều động tới chi viện cứu chữa các BN nặng COVID-19 tại Đà Nẵng (Ảnh: Lê Bảo, Tuấn Dũng)

Người thân cũng chỉ nửa đêm mới có cơ hội liên lạc hỏi thăm

Phóng viên: Đã bao nhiêu ngày BS phải cách ly với gia đình, người thân?

BS Trần Thanh Linh: Tôi không đếm được là đã cách ly với gia đình bao nhiêu ngày. Sau quá trình cách ly kéo dài điều trị cho BN91, tôi được nghỉ 1 ngày, sau đó lại lên đường đi chiến dịch chiến đấu với bệnh bạch hầu ở Kon Tum, rồi quay về BV Chợ Rẫy được vài ngày, thì lại lên đường đến với “tâm dịch” Đà Nẵng.

Phóng viên: Được biết, người thân của BS chỉ có nửa đêm mới có cơ hội liên lạc hỏi thăm, mà nhiều đêm BS cũng không được ngủ, phải đi cấp cứu cho BN nặng?

BS Trần Thanh Linh: Vâng, người thân của tôi cũng hiểu mà. Lúc này là thời điểm cộng đồng, xã hội cần nhân viên y tế, cũng là thời điểm nhân viên y tế buộc phải nỗ lực hết sức. Chúng tôi cảm thấy mình làm được gì cho BN là làm, mục tiêu là ngăn chặn được dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, cứu sống được càng nhiều BN càng tốt. Làm được như vậy thì những nỗ lực của chúng tôi đã được bù đắp rồi.

Phóng viên: Lời hứa hết dịch mới về của những người trong lực lượng phòng chống dịch nơi tuyến đầu đã khiến cộng đồng rơi nước mắt cảm động. Xã hội cảm ơn các anh. Nhưng thưa BS, khi nhìn lại giai đoạn căng thẳng này, điều khiến anh băn khoăn, trăn trở nhất với gia đình của mình là gì?

BS Trần Thanh Linh: Đôi khi mình vẫn biết rằng mình chưa trọn vẹn được với gia đình. Mình phải lo cho xã hội, cho cộng đồng nhiều quá. Mặc dù điều đó được gia đình, vợ con ủng hộ, nhưng tôi vẫn thấy phía sau mình là sự hy sinh rất lớn của gia đình, vợ con.

Người ra tiền tuyến có hậu phương vững chắc thì mới có thể “chiến đấu” được. Ở đây, hậu phương không chỉ có gia đình mà còn có đồng nghiệp tại BV, lãnh đạo BV cũng thường xuyên động viên thăm hỏi gia đình. Bạn bè cũng thường xuyên gọi điện, nhắn tin. Thậm chí bạn liên lạc nhiều khi chúng tôi cũng không có thời gian để trả lời. Bạn để lại tin nhắn, tới tối khuya mới có thời gian hồi âm. Mặc dầu vậy nhưng nhận được những tin nhắn đó, chúng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng.

Các con tôi cũng vậy. Con tôi chỉ buổi tối mới dám gọi điện vì biết là chỉ có buổi tối ba mới có thể trả lời. Các con thường nhắn nhủ: “Ba cố gắng giữ sức khỏe để hết dịch về sớm với tụi con!”. Chỉ nhiêu đó thôi tôi đã cảm thấy được an ủi rất nhiều rồi!