Takano - Máu Nhật Bản đổ nơi biên cương phía bắc 1979

VietTimes -- 37 năm trước tại biên giới phía Bắc, nhiều người Việt Nam đã anh dũng chiến đấu và hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc. Cùng ngã xuống mảnh đất Việt Nam thiêng liêng ấy còn có nhà báo người Nhật Bản Isayo Takano.
Bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ Lạng Sơn trong cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979
Bộ đội Việt Nam chiến đấu bảo vệ Lạng Sơn trong cuộc chiến biên giới phía bắc năm 1979

Nhớ anh, Takano!

Trong những ngày ở Lạng Sơn chúng tôi đã có dịp lần tìm lại những địa danh mà 37 năm trước đã xảy ra những cuộc chiến ác liệt giữa quân và dân ta với đội quân Trung Quốc xâm lược. Chúng tôi cũng lần theo những nơi mà những người con đất Việt dũng cảm đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Rồi tình cờ chúng tôi tìm tới nơi mà nhà báo người Nhật Bản Isayo Takano đã hy sinh.

Chúng tôi tới đường Quang Trung, gần Trụ sở UBND tỉnh Lạng Sơn. Một đồng nghiệp của báo Tiền phong ở Văn phòng đại diện Lạng Sơn chỉ vào cái nắp cống ngầm trên vỉa hè: “Chính chỗ này đây anh ấy đã ngã xuống”. Đi vòng quanh một hồi, anh bạn đồng nghiệp Tiền phong bảo: “Trước đây, ở chỗ Takano ngã xuống có dựng một tấm bia ghi tên anh, nhưng sau được chuyển vào nghĩa trang”.

Trong chiến tranh biên giới, Isayo Takano là phóng viên nước ngoài duy nhất hy sinh. Chúng tôi không tìm thấy một tài liệu nào ở Lạng Sơn công bố về anh. Hỏi nhiều người, nhưng cũng không ai còn nhớ cụ thể về anh. Về Hà Nội, lần tìm lại báo chí thời ấy chúng tôi thu thập được như sau:

Takano Isayo sinh năm 1943 ở Kobe. Năm 1962, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Công nghiệp Nhật Bản, anh vào làm việc tại một xưởng điện và gia nhập Đảng cộng sản Nhật Bản. Năm 1967, anh được cử sang Việt Nam học tiếng Việt ở Đại học Tổng hợp Hà Nội; năm 1971 thì tốt nghiệp.

Tháng 2/1978, Takano là đặc phái viên, phóng viên báo Akahata- cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Nhật Bản. Khi chiến tranh bảo vệ biên giới nổ ra, anh lên Lạng Sơn, hy sinh vào trưa ngày 7/3/1979, tại đầu đường Quang Trung, phường Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn.

Takano ngã xuống

Sau này Nhà thơ Anh Ngọc có kể với tôi rằng, ông gặp nhà báo Takano hai lần. Lần đầu là ở Campuchia, vào tháng 1/1979, sau khi chế độ Pol Pot bị lật đổ. Lần thứ hai là sáng 7/3/1979, ngày Takano hy sinh. Ông kể: “Tôi và nhóm phóng viên Báo QĐND và các báo trong nước và thế giới đang túm tụm ở đường 1, cách thị xã Lạng Sơn khoảng dăm cây số, không thể vào được thị xã, mặc dù Bắc Kinh đã tuyên bố rút quân từ đêm 5/3, do Trung Quốc bắn pháo chặn ở cây số 2 rất dữ dội. Hôm đó tôi lại nhìn thấy Takano và bạn anh cũng là người Nhật đang nói chuyện với nhau.

Takano (đeo kính) trên đường tác nghiệp.

Takano (đeo kính) trên đường tác nghiệp.

 Một lúc sau, tôi thấy Takano đi theo mấy anh du kích địa phương xuống phía triền núi. Có ai đó nói gì với anh và anh bỏ cái mũ vải trắng, vo viên, nhét nó vào túi. Một lúc sau thì Takano, bạn anh và mấy anh du kích mất hút dưới triền đồi dẫn về phía Lạng Sơn. Đêm đó chúng tôi mắc võng nằm trong chuồng bò nhà dân. Mờ sáng, chúng tôi cuốn võng ra đường, thì lập tức thấy anh bạn của Takano mặt nhem nhuốc toàn than, tro, bụi… nước mắt đầm đìa. Anh này kể Takano đã bị bắn chết trong thị xã Lạng Sơn.  Mọi người đều choáng váng. Quang cảnh thị xã Lạng Sơn thật tan hoang, cây cối đổ ngổn ngang, lá cành rụng tan tác… tất cả như sau một trận bão lớn. Chúng tôi lần xuống phía cầu Kỳ Cùng và tìm được chỗ anh Takano ngã xuống.

Hôm sau về Hà Nội, tôi tìm vào nhà xác Bệnh viện Việt-Xô (nay là Bệnh viện Hữu Nghị) để viếng anh. Một mình tôi đứng trong phòng đại thể lạnh lẽo, thấy Takano nằm trên bàn. Tôi nhìn thấy trên trán anh hai vết băng, một ở thái dương, một ở trên trán. Chắc là viên đạn đã đi vào một bên và chui ra ở phía bên kia.

Mấy hôm sau, người ta tổ chức lễ tang Takano ở cơ quan ngoại vụ, tôi lại đến viếng anh. Tôi mặc quân phục tề chỉnh đến đứng trong nhà tang lễ, nhìn cảnh gia đình anh khóc lóc. Mẹ già anh đeo một chiếc gối dính chặt sau lưng (kiểu người Nhật), con gái anh, cháu Emy Takano (khoảng 4-5 tuổi) ngây thơ ôm con búp bê, ngơ ngác nhìn bà, nhìn mẹ và mọi người, có lúc cháu còn nhoẻn miệng cười!

Còn vợ anh, chị Takano (tên là Michico) lúc lên đọc lời vĩnh biệt chồng và cảm ơn mọi người, tôi thấy chị rất bản lĩnh, lời lẽ nghe rất đanh thép và đầy tình nghĩa”.

Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên

Cái chết của anh thời ấy đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong nhân dân Việt Nam, đặc biệt là giới báo chí, văn nghệ. Ở đám tang về Anh Ngọc ngồi ngay vào bàn và viết bài thơ “Gửi cháu Emy Takano”. Ngày hôm sau báo Quân đội Nhân dân đăng ngay trang nhất

"Gửi cháu Emy Takano" có những câu thơ rất xúc động, truyền tải thông điệp của tình yêu con người, khát vọng hòa bình: 

“...Tiếng súng bạo tàn rồi sẽ bị lãng quên/ Duy cái tiếng khẽ khàng kia còn lại/ Tiếng bền bỉ của ngón tay bấm máy/ Lẫn vào trong nhịp đập trái tim...”.

Trước sự hy sinh cao cả của nhà báo người Nhật Bản, cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam - Huy Cận viết: 

“Quân thù nó bắn anh khi/ Anh cầm máy ảnh đang ghi nắng chiều”. Còn nhạc sĩ Phó Đức Phương đã viết về Takano một ca khúc được giới trẻ thời bấy giờ hát ở mọi lúc, mọi nơi. Nhà thơ Anh Ngọc nhận xét: “Bài hát là một khúc mặc niệm, khúc tráng ca. Day dứt, nao lòng. Hào hùng, xúc động. 

Ca khúc “Takano - Nhân chứng quả cảm”

Giai điệu đậm chất dân gian, với sự kết hợp tài tình những luyến láy của dân ca Nhật Bản và làn điệu hát then của dân ca Việt Nam”: 

“Xin hát về người con của đất nước tuyết trắng Fuji hùng vĩ. Anh đã đến quê tôi trong những ngày lửa khói, tâm hồn anh tươi thắm như hoa anh đào hé nở. Vinh quang thuộc về anh, người chiến sĩ đã hy sinh vì chân lý. Dòng máu ấm tình người, anh dâng hiến cuộc sống. Ngược không gian anh đi, băng suốt thời gian anh đi, ngàn giông tố gian nguy anh không hề ngơi nghỉ.

Ôi! Isayo Takano! Đến với dòng sông nơi anh ra đi ngày ấy… Ôi! Isayo Takano! Chiều nay tôi đứng đây nghe lưng trời gió nổi! Ôi! Isayo Takano! Chặng đường anh qua hôm nay hoa đang nở thắm! Ôi! Isayo Takano! Gửi tới quê anh mối tình lắng sâu lòng tôi!

Chân lý rồi sẽ toàn thắng, tình anh còn mãi nồng thắm, đẹp thay tuổi xuân Takano! Chân lý ngời sáng đường ta, tình anh vượt muôn trùng xa, bạn ơi có nghe chăng một bài ca: Takano!” (Ca khúc “Takano - Nhân chứng quả cảm”).

Lời bài hát không dài nhưng cũng đủ sức dựng lên tượng đài Takano, một nhà báo, một nhân chứng trong cuộc chiến tranh vệ quốc của Việt Nam. Lời ca cũng toát lên chủ nghĩa yêu nước, thấm đượm lý tưởng đấu tranh vì công lý và lý tưởng dấn thân của những người làm báo.

Không hiểu hiện nay có ai còn nhớ đến bài hát này nữa không!

Nhớ mãi về anh, Takano!

Những ngày ở Lạng Sơn tôi đã đi tới nhiều nơi như Hội CCB, Ban Chỉ huy quân sự Lạng Sơn, một số cựu chiến binh từng chiến đấu ở mặt trận Lạng sơn năm 1979 để tìm lại những hình ảnh của nhà báo anh dũng ấy. Ký ức về Takano vẫn còn nguyên vẹn trong lòng người xứ Lạng.

Ngôi mộ của Takano tại nghĩa Trang Hoàng Đồng


Ngôi mộ của Takano tại nghĩa Trang Hoàng Đồng

 Bà Nông Minh Hồng, người quản Nghĩa trang Hoàng Đồng, nơi vẫn còn nấm mộ Takano, mặc dù hài cốt anh đã được gia đình đưa về Nhật Bản từ lâu, thường kể lại khi có ai đó hỏi về ngôi mộ này: “Tôi được người già nơi đây nói lại rằng Takano là phóng viên báo Akahata - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản được cử sang nước ta và lên Lạng Sơn để đưa tin về cuộc chiến này.

Ngày 7/3/1979, anh đi chiếc xe U-oát, để nắm bắt tình hình, thu thập tài liệu để viết bài ở khu vực đường Hùng Vương (bây giờ gần với cổng UBND tỉnh Lạng Sơn) thì bất ngờ bị bắn tỉa từ bên kia bờ sông Kỳ Cùng. Mặc dù được cứu chữa kịp thời, nhưng do vết thương quá nặng, anh đã hy sinh sau đó".

Isao Takano ơi, 37 năm ngày anh hy sinh trong cuộc chiến chống quân xâm lược của nhân dân dân Việt Nam, thay mặt những đồng nghiệp Việt Nam tôi viết lại mấy dòng này như một nén nhang cầu chúc cho linh hồn anh phiêu diêu miền cực lạc. Chúng tôi sẽ nhớ mãi về anh với lòng biết ơn vô hạn!

LTB

Ca khúc “Takano - Nhân chứng quả cảm