"Đại chiến" taxi:

Tài xế Uber, Grab tuần hành đòi giảm chiết khấu: Vì sao nên nỗi?

VietTimes -- Việc tài xế Uber, Grab cùng đến trụ sở của Grab, Uber đòi giảm chiết khấu (vào ngày 15/1) vừa qua, nguyên nhân bên ngoài được đưa ra là do mức thu chiết khấu quá cao. Nhưng điểm lạ là việc này đã được áp dụng mấy tháng nay, và chỉ khi Sở GTVT Hà Nội cấm đường thì các tài xế mới chính thức đòi giảm chiết khấu.
Đoàn taxi công nghệ tổ chức tuần hành rồi tập trung tại trụ sở của Grab Việt Nam vào sáng 15/1 vừa qua.
Đoàn taxi công nghệ tổ chức tuần hành rồi tập trung tại trụ sở của Grab Việt Nam vào sáng 15/1 vừa qua.

Sáng ngày 15/1, khoảng 100 tài xế chạy Grab, Uber đã tập trung trước Sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội), sau đó tổ chức tuần hành trên một số tuyến phố và đến trụ sở của Grab để đề nghị giảm chiết khấu cũng như đòi một số quyền lợi từ Công ty TNHH Grab Taxi Việt Nam. Chiều cùng ngày, đoàn xe đã sang Công ty TNHH Uber Việt Nam để làm việc.

“Anh em chúng tôi tổ chức tuần hành và tập trung ở đây để đòi hỏi các chính sách, quyền lợi từ Grab, Uber. Hiện tỷ lệ chiết khấu của Uber, Grab với các lái xe là quá cao, trong khi đó giá cước lại thấp, không phù hợp với tình hình hiện tại”, anh Nguyễn Minh Ngọc, một trong những người được các tài xế tin tưởng cử vào làm việc với lãnh đạo Grab, Uber cho biết.

Được biết, hiện mức thu chiết khấu hiện nay, tuy còn tùy vào lái xe đăng ký lâu hay vào không, dao động từ 20 – 30%. “Người vào sớm của Grab là 23,6%, và sau là 28,6%. Con số này của Uber lần lượt là 24,5% và 29,5%. Trong khi đó, ở một số nước khác trong khu vực, con số này thấp hơn rất nhiều, như Indonesia chỉ 9,2%”, anh Ngọc cho biết.

Tài xế Uber, Grab tuần hành đòi giảm chiết khấu: Vì sao nên nỗi? ảnh 1Dòng biểu ngữ kêu gọi "Chung tay tắt app Grab - Uber yêu cầu giảm chiết khấu"  dán gọn gàng trên cánh cửa của một xe tham gia tuần hành.

Mức chiết quá cao này ảnh hưởng rất nhiều đến tài xế, vì anh em tài xế sẽ không có thu nhập. “Ví dụ, thu được 1 triệu đã mất 300.000 đồng tiền xăng và 283.000 đồng tiền chiết khấu, đó là chưa kể đến rất nhiều chi phí khác như khấu hao tài sản, tiền rửa xe, tiền trả nợ ngân hàng.... Trong khi đó, muốn thu được 1 triệu đồng thì anh em phải làm việc từ 12 – 14 tiếng/ngày” anh Ngọc nói.

Nhưng theo tìm hiểu của VietTimes, mức giá này đã được Grab duy trì trong một khoảng thời gian, tuy các tài xế có bức xúc nhưng vẫn cố gắng làm việc vì cuộc sống gia đình. Vụ việc chỉ phát sinh sau khi Sở GTVT có lệnh cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ đi vào 13 tuyến phố từ ngày 10/1.

Theo các tài xế chia sẻ, việc Sở GTVT Hà Nội cấm đường khiến nhiều chuyến xe họ không có lãi, nghĩa là ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của chính những lái xe. Nhưng tất cả các lái xe khi được hỏi để cho biết, họ tham gia đoàn diễu hành không phản đối lệnh cấm của sở GTVT, mà chỉ đòi quyền lợi từ Grab, Uber.

Tài xế Uber, Grab trao đổi về những bức xúc gần đây dẫn đến việc phải tổ chức tuần hành.

Tuy nhiên, nhiều lái xe cho biết, từ khi có biển cấm của sở GTVT Hà Nội, có nhiều chuyến xe các tài xế phải chạy vòng để tránh đường cấm, như vậy sẽ phát sinh thêm chi phí. Trong khi đó, với hợp đồng điện tử, mức giá cho mỗi chuyến xe đều được ấn định sẵn, nghĩa là phần chi phí phát sinh khi đi vòng thì tài xế phải chịu, như thế thì chắc chắn không có lời”.

Luật sư Trương Thanh Đức (Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch Công ty Luật Basico) cho biết, muốn giảm ùn tắc thì cần cấm phương tiện cá nhân, khuyến khích phương tiện vận tải công cộng. Nhưng Hà Nội lại làm ngược lại.

Ông Đức cho rằng, việc Hà Nội cấm xe dưới 9 chỗ trên 13 tuyến phố này, phần lớn là vì kiện cáo về bình đẳng trong kinh doanh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, đồng thời Sở cũng chưa có biện pháp quản lý nên "cấm tất”.

Liên quan vấn đề này, ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho hay, việc các đối tác Uber, Grab kéo đến trụ sở phản đối, đòi giảm chiết khấu là hình thức tự phát, cá nhân nhưng đủ thấy giọt nước đã tràn ly.

Nghĩa là, Grab, Uber đã bộc lộ nhiều hạn chế. Hạn chế đã gây ra mâu thuẫn với tài xế dẫn đến tình trạng phản đối, tắt ứng dụng. Tuy nhiên, do các hãng chỉ cung cấp phần mềm và quan hệ theo kiểu đối tác, rất khó để tìm ra một tiếng nói chung.

Nhưng ở chiều ngược lại, các lái xe đình công như vậy làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các hợp tác xã cũng như tới chính doanh thu của lái xe. Theo thông tin VietTimes ghi nhận, 80% các lái xe đều mua xe trả góp, ngoài việc chăm lo cho cuộc sống gia đình còn phải gánh khoản nợ ngân hàng.

Một số tài xế cho biết, nếu Grab, Uber không đồng ý giảm chiết khấu, thì xem xét quay lại với taxi truyền thống hoặc tham gia vào các ứng dụng gọi xe trong nước như T.net, Vivu… những ứng dụng này về cơ bản không khác gì so với Uber, Grab, đều là ứng dụng mở cho phép các doanh nghiệp vận tải và các hãng taxi quản lí, điều xe qua định vị thay thế cho bộ đàm, đồng hồ điện tử truyền thống. Một số chuyên gia đánh giá, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tương tự ở trong nước.

Trước đó, tại TP.HCM, nhiều tài xế là đối tác của Grab đã kéo đến trụ sở của đơn vị này để phản đối mức chiết khấu tăng từ 20% lên 23,6%. Trước phản ứng của tài xế, Grab đưa về mức chiết khấu cũ là 20%. Tuy nhiên, các tài vế vẫn cho rằng mức chiết khấu này còn cao và kiến nghị giảm xuống 15%.

“Với mức chiết khấu lên đến gần 29% như hiện nay, chúng tôi không có lợi nhuận, trong khi đó nhiều tài xế đang phải vay tiền ngân hàng để mua xe. Nên chúng tôi kiến nghị Uber giảm mức chiết khấu xuống 15%”, một tài xế Uber tên Nam nói.