Giảm thu nhập, cắt trợ cấp
Một lái xe đội mũ bảo hiểm xanh, mặc áo đồng phục xanh của Grab, tự giới thiệu mình tên Cảnh, 28 tuổi, chạy GrabBike toàn thời gian hơn nửa năm nay, cho biết, bình thường một ngày anh chạy “tối mặt” được tổng tất cả hơn 400.000 đồng. Nhưng sau khi trừ chiết khấu, xăng xe, trà nước, anh cũng chỉ còn có hơn 100.000 đồng/ngày.
“Nếu không chạy ngoài mà chỉ trông chờ vào các chuyến xe của hãng, có chạy cả ngày cũng không đủ sống”, anh Cảnh chua chát nói thêm, "việc hỗ trợ theo lộ trình của hãng đối với lái xe hiện nay đã bị dừng hẳn".
Nói "theo lộ trình" là bởi khoảng 3 tháng trước, khi chạy giờ cao điểm, các chuyến xe dưới 35.000 đồng sẽ được hãng bù đủ số tiền đó. Ngoài ra, các lái xe còn được thưởng thêm khi chạy đủ số chuyến trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, từ hơn 2 tháng trước, mức hỗ trợ này hạ xuống còn 25.000 đồng và không có thưởng. Còn đến nay, các chính sách này đã ngừng hẳn.
Đứng chờ khách sát ngay xe của Cảnh, một lái xe GrabBike chạy bán thời gian tên Thịnh cho hay, các loại hỗ trợ khác như bảo hiểm chẳng hạn, anh "chỉ mới nghe nói là có, nhưng chưa gặp ai được nhận” hoặc “rất khó để được hưởng”.
Một lái xe khác tên Bách, 43 tuổi, chạy xe bán thời gian gần 1 năm nay tại Dịch Vọng Hậu thông tin thêm, so với hồi đầu mới vào làm, thu nhập của anh bây giờ đã giảm khoảng 40%, "một phần do cánh tài xế đông lên, phần nữa là việc hãng cắt các khoản hỗ trợ nên thu nhập giảm", anh cho biết.
Như vậy, có thể thấy, các lái xe, dù toàn thời gian hay bán thời gian thì thu nhập đều giảm so với trước. Vì vậy, việc hãng tăng thu chiết khấu mà không thực hiện một cuộc lấy ý kiến các lái xe đã khiến các “đối tác” của hãng bức xúc.
Còn lý do được hãng đưa ra để giải thích việc tăng mức thu chiết khấu đó là, mức thu này ở đối thủ cạnh tranh của hãng là Uber lên tới 25%, các lái xe được lấy ý kiến đều phản đối và cho rằng sự so sánh như thế là khập khiễng vì chính sách đãi ngộ của Uber đối với lái xe rất tốt!
Lái xe tên Cảnh thông tin thêm: ”Bên Uber rất chăm lo đến đời sống của anh em lái xe, tuy nhiên bên đấy thường phải đi đón khách xa nên ít người tham gia”. "Tuy Uber thu mức chiết khấu cao hơn, nhưng uber vẫn còn các khoản hỗ trợ theo khung giờ. Tính trung bình, hiện uber chỉ thu mức chiết khấu ở khoảng 10%”, lái xe tên Thịnh phân tích rõ hơn.
Bức xúc vì ý kiến phải hồi đều bị "lờ đi"
Khi được hỏi về việc hội tài xế của Grab đình công vì lý do tăng mức thu chiết khấu, hầu hết các lái xe đều nhận định: “Muốn tổ chức đình công vì muốn đòi quyền lợi chính đáng”.
Để rõ hơn “quyền lợi chính đáng”, VietTimes đã liên hệ với một tài xế có tiếng nói trong cộng đồng GrabBike Hà Nội. Tài xế này đề nghị được giấu tên vì ngại có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của anh. Anh cho biết, anh em GrabBike “cảm thấy như đang bị bóc lột sức lao động”.
Anh lấy ví dụ, về pháp lý, công ty Grab Việt Nam và tài xế đã ký hết hợp đồng. Theo đó, tài xế là đối tác của Grab, tuy nhiên thực tế các tài xế không có bất kỳ quyền hạn gì về việc nhận chuyến, hủy chuyến hay phản hồi ý kiến lên công ty.
Người này còn cho biết, ngoài ra, cánh tài xế còn bị công ty Grab Việt Nam chèn ép vô cùng, nhất là việc nhiều tài xế bị khoá tài khoản vô tội vạ, không cần biết lý do hoặc lý do giải thích rất mơ hồ, không có bằng chứng cụ thể.
Điển hình như việc có một tài xế nữ, trong cuộc offline ngày 12 -13/8 có chụp tấm banner của Grab về việc tăng mức thu chiết khấu từ 15% lên 20% đăng lên mạng xã hội. Ngay sáng 14/8 tài xế nữ này nhận cuộc điện thoại trách mắng của đại diện Grab và khoảng hơn một giờ sau bị khoá tài khoản.
Chưa kể việc nhân viên văn phòng của Grab đôi khi hay điện thoại thẳng cho “đối tác”, đưa ra lời doạ dẫm khoá tài khoản với lý do trên trời dưới đất.
Nếu tài xế thắc mắc, câu trả lời nhận được sẽ là: “Trước khi có Grab, các bạn làm gì để kiếm tiền, mỗi đối tác của Grab kiếm trung bình 100 triệu/năm đấy”, hoặc phũ phàng hơn: “Nếu bạn cảm thấy khó chạy, bạn có thể nghỉ, chúng tôi không cần”.
Ví dụ điển hình có thể nhắc đến là việc khóa tài khoản của đối tác vì đối tác không đi offline.
Các tài xế đều đồng thuận rằng, việc offline thường xuyên là rất tốt, vì đó là cơ hội để các tài xế nắm bắt được thông tin chính thống từ công ty. Tuy nhiên, không phải tài xế nào cũng có điều kiện để đi offline thường xuyên, những trường hợp như thế, công ty nên linh động, có cách xử lý thích hợp.
Nhưng Grab bắt buộc các tài xế phải đến với lý do “để nói lên những khó khăn, vất vả hay ấm ức khi hoạt động”. Tuy nhiên, tại các buổi offline như vậy, "tài xế không có cơ hội để được phát biểu cảm nghĩ", tài xế xin giấu tên ở trên cho biết.
Chưa kể việc offline mỗi tháng diễn ra một lần, và không bao giờ diễn ra theo đúng theo thời gian quy định mà thường sẽ kéo dài hơn; anh em lái xe đến offline buộc chen lấn vất vả để vào được hội trường, “lắm lúc quá đông, phải đứng ở ngoài”, tài xế này nói thêm.
Anh cũng cho biết, những khó khăn bức xúc của cánh lái xe thì thường xuyên bị lờ đi, từ việc đi offline của công ty hay buổi offline giữa các nhóm đều bị gạt đi phũ phàng hoặc trả lời qua loa, lấp liếm theo đúng kiểu "đã ghi nhận và sẽ có ý kiến".