Tại sao tổng thống Trump 'tuýt còi' thương vụ của Broadcom và Qualcomm?

Việc Tổng thống đích thân đứng ra ngăn cản một thương vụ nào đó rất hiếm khi xảy ra.
Tại sao tổng thống Trump 'tuýt còi' thương vụ của Broadcom và Qualcomm? - Ảnh 1

Theo Android Authority, hôm qua (13/3), Tổng thống Donald Trump đã làm cho thế giới công nghệ ngạc nhiên khi ra lệnh cấm Broadcom và Qualcomm thực hiện sáp nhập vào với nhau. Mặc dù tổng thống tiền nhiệm Barack Obama cũng đã có những động thái để ngăn các thỏa thuận sáp nhập giữa các công ty tư nhân hồi năm 2012, đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ trực tiếp can thiệp vào một thương vụ lớn như thế này. Điều gì đã khiến ông Trump đưa ra quyết định này?

Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần tìm hiểu nhiều vấn đề liên quan đến 2 công ty này. Vào tháng 11 năm ngoái, Broadcom đã ra giá khoảng 105 tỷ USD để mua lại Qualcomm. Qualcomm sau đó từ chối vì cho rằng 105 tỷ USD là mức giá quá thấp so với giá trị thực tế của họ. Broadcom đáp lại bằng cách tăng giá lên 121 tỷ USD. Qualcomm tiếp tục lắc đầu và cuối cùng giá trị thương vụ được đẩy lên đến 160 tỷ USD. Nếu thỏa thuận này được ký kết, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất trong lịch sử làng công nghệ và lớn thứ 3 trong giới kinh doanh.

Tại sao tổng thống Trump 'tuýt còi' thương vụ của Broadcom và Qualcomm? - Ảnh 2

Khi Qualcomm đưa ra con số 160 tỷ USD, Chính phủ Mỹ cuối cùng đã can thiệp. CFIUS – một Ủy ban liên ngành do Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu – đã gửi một lá thư cho cả Broadcom và Qualcomm bày tỏ mối quan ngại của chính phủ về vụ sáp nhập. Bức thư nêu lên 2 vấn đề chính: danh tiếng của Broadcom về cắt giảm chi tiêu nghiên cứu và các mối quan hệ kinh doanh với "các thực thể nước ngoài" (ám chỉ Trung Quốc).

Và cho đến ngày hôm qua, Tổng thống Donald Trump đã chính thức yêu cầu hủy bỏ thương vụ này, thậm chí ông còn ngăn cấm 15 thành viên của hội đồng quản trị Broadcom tổ chức cuộc bỏ phiếu thành viên hội đồng mới.

"Các thực thể nước ngoài"

CFIUS được thành lập vào năm 1975 dưới thời tổng thống Gerald Ford. Ủy ban này bao gồm các thành viên của các cơ quan liên bang khác nhau với mục đích theo dõi các nguy cơ đến an ninh quốc gia từ các nguồn đầu tư nước ngoài.

Qualcomm là một công ty của Hoa Kỳ, có trụ sở tại San Diego, CA. Mặc dù hầu hết các con chip của họ được làm ở Trung Quốc, bản thân Qualcomm là công ty Mỹ và phải tuân thủ theo luật pháp Mỹ. Trong khi đó, Broadcom được thành lập ở Singapore (có trụ sở chính tại San Jose, CA) và do đó nó không chịu nhiều ảnh hưởng bởi luật pháp Mỹ.

Singapore là một quốc gia có chủ quyền nhưng nước này có mối quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc (do ở gần và do ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc lên khu vực châu Á Thái Bình Dương). Nói cách khác, Singapore không phải là Trung Quốc nhưng không ai có thể phủ nhận chuyện 2 nước này có mối quan hệ khá gắn bó với nhau.

Trong khi đó, Tổng thống Trump là người đề cao tư tưởng dân tộc chủ nghĩa vì vậy ông muốn nhìn thấy Qualcomm vẫn là của người Mỹ.

Một khía cạnh khác trong lá thư của CFIUS khi đề cập đến Broadcom là danh tiếng về việc hay cắt giảm chi tiêu cho nghiên cứu của công ty này. Tại sao Ủy ban này cảm thấy đó là một vấn đề đủ lớn để khiến chính phủ phải can thiệp?

Nghiên cứu, bằng sáng chế và lợi ích của cổ đông

Tại sao Broadcom lại muốn mua Qualcomm? Tại sao một công ty sẵn sàng chi hàng trăm tỷ USD để tạo ra một vụ sáp nhập?

Câu trả lời là bằng sáng chế. Qualcomm có hai bộ phận kinh doanh: sản xuất chip và cấp bằng sáng chế. Khi Qualcomm tạo ra một chip mới thì họ cũng đồng thời bổ sung các bằng sáng chế liên quan vào bộ sưu tập của mình. Những bằng sáng chế này sau đó có thể được cấp phép cho các công ty khác và tạo ra lợi nhuận to lớn. Lợi nhuận này quay ngược lại có thể giúp Qualcomm sản xuất ra nhiều chip hơn.

Tại sao tổng thống Trump 'tuýt còi' thương vụ của Broadcom và Qualcomm? - Ảnh 3

Mảng sản xuất chip của Qualcomm có lợi nhuận rất lớn vì chipset Snapdragon của họ được sử dụng trong những chiếc điện thoại thông minh tốt nhất thế giới. Bên cạnh đó, việc cấp phép bằng sáng chế mang lại nhiều lợi nhuận hơn bạn tưởng. Bằng sáng chế của Qualcomm không chỉ liên quan đến SoC mà nó còn liên quan đến cách điện thoại kết nối với hạ tầng mạng CDMA và LTE. Nói cách khác, hầu hết điện thoại di động hỗ trợ CDMA hoặc LTE (bất kể dùng chip gì) đều phải trả tiền bằng sáng chế cho Qualcomm.

Qualcomm có thể ngừng sản xuất chip và chỉ quản lý danh mục bằng sáng chế của mình mà vẫn có thể thu được hàng tỷ USD mỗi năm.

Broadcom biết điều này và muốn kiểm soát những bằng sáng chế đó. Với việc kết nối 5G đang dần trở thành hiện thực, các bằng sáng chế của Qualcomm sẽ càng mang lại nhiều tiền hơn.

Về mảng sản xuất chip của Qualcomm? Broadcom không quan tâm đến điều đó. Với việc Samsung hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và Apple thống trị thị trường điện thoại thông minh cao cấp với iPhone (sử dụng chip do chính công ty thiết kế) thì lợi thế về sản xuất chip của Qualcomm sẽ không còn lâu nữa. Vì vậy, nhiều khả năng Broadcom sẽ mua Qualcomm và cho dừng nghiên cứu, phát triển các chip mới hoặc thậm chí là dừng hẳn bộ phận kinh doanh này. Sau đó, họ chỉ cần ngồi và đếm tiền mặt từ hoạt động cấp phép bằng sáng chế.

Tất nhiên, nếu điều này xảy ra thì cổ đông của Broadcom là những người vui nhất vì họ sẽ nhanh chóng có thêm nhiều tiền. Giữa doanh thu SoC Snapdragon hiện tại của Qualcomm và các bằng sáng chế liên quan đến 4G, 5G và cả 6G thì rõ ràng nguồn thu thứ 2 có thể khiến cho ví của cổ đông Broadcom nhanh chóng dày lên.

Về lâu dài thì sao? Nếu hợp đồng Broadcom-Qualcomm diễn ra và Broadcom ngừng tất cả các nghiên cứu về chipset mới và chỉ dựa vào bằng sáng chế thì tương lai 10 năm nữa liên doanh này sẽ trở thành như thế nào? Đó là vấn đề khiến tổng thống Trump yêu cầu ngưng ngay vụ sáp nhập này.

Trung Quốc

Điện thoại thông minh là một thị trường khổng lồ. Trong năm 2017 vừa qua, lần đầu tiên doanh số smartphone đã bị suy giảm nhưng rõ ràng ngành công nghiệp này sẽ còn tạo ra rất nhiều tiền trong tương lai. Nhưng tương lai sẽ như thế nào với 5G? Tiếp đó là sẽ là mạng 6G hay một cái gì khác?

Tại sao tổng thống Trump 'tuýt còi' thương vụ của Broadcom và Qualcomm? - Ảnh 4

Các thử nghiệm tốc độ của mạng 5G cho thấy mạng di động trong tương lai sẽ vô cùng nhanh. Khi 5G được phủ sóng rộng rãi, bạn thậm chí không cần kết nối internet nữa, điện thoại di động của bạn thậm chí có tốc độ duyệt web nhanh hơn kết nối có dây hiện nay.

Nếu đúng như vậy thì các chipset và các bằng sáng chế mạng di động sẽ trở thành sản phẩm "nóng" hơn trong tương lai. Các công dân trên toàn thế giới sẽ dựa nhiều vào các nhà sản xuất chip để hỗ trợ cho một thế giới ngày càng kết nối.

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc (hoặc một quốc gia khác ngoài Mỹ) tạo ra tất cả các chip và kiểm soát hoàn toàn các bằng sáng chế? Điều gì xảy ra nếu công nghệ di động đến từ một công ty không muốn hợp tác với Mỹ?

Đó là lý do tại sao Trump ngừng thỏa thuận này. Ngay bây giờ, có vẻ như Tổng thống đang làm một việc mà ông không nên làm nhưng rõ ràng việc sáp nhập giữa Broadcom-Qualcomm đã đem đến những nguy cơ về an ninh đối với Mỹ. Nếu thế giới kết nối của chúng ta được kiểm soát bởi Singapore (đứng sau là Trung Quốc) thì đây cũng là một vấn đề khá nghiêm trọng.

Nếu thỏa thuận này diễn ra, sẽ rất khó khăn để Trump yêu cầu công ty mới thực hiện các chính sách có lợi cho Mỹ. Vì thế, giải pháp tốt nhất là ngăn chặn nó ngay khi "còn trong trứng nước".

Tương lai

Đây không phải là lần cuối cùng chúng ta sẽ thấy các vấn đề như thế này xuất hiện trong thế giới công nghệ. Chừng nào chúng ta có những quốc gia riêng biệt với những lý tưởng xung đột, chúng ta sẽ lại có các trường hợp Tổng thống hay người đứng đầu một quốc gia bắt tay vào giải quyết các thỏa thuận kinh doanh nước ngoài.

Tại sao tổng thống Trump 'tuýt còi' thương vụ của Broadcom và Qualcomm? - Ảnh 5

Chúng ta không thể ủy thác thế giới kết nối cho một công ty chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nếu Broadcom thành công trong thương vụ này thì có nghĩa là 15 người đứng đầu hội đồng quản trị công ty sẽ càng giàu thêm. Và nếu họ không quan tâm đến các lợi ích cộng đồng thì đó quả là tai họa.

Theo Tim Berners-Lee, cha đẻ của World Wide Web thì luật pháp câ phải được tạo ra để điều chỉnh trách nhiệm của các công ty với cộng đồng, ngăn chặn họ chỉ tập trung vào việc tối đa hóa lội nhuận.

Tổng thống không thể tham gia ngăn chặn tất cả các hợp đồng. Chúng ta cần nhiều quy định hơn đối với các công ty như Broadcom và Qualcomm để đảm bảo sự hoạt động của họ vừa tạo ra lợi nhuận vừa vì lợi ích chung của đa số cộng đồng.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-kinh-doanh/-/view_content/content/2430684/tai-sao-tong-thong-trump-tuyt-coi-thuong-vu-cua-broadcom-va-qualcomm