Nếu bạn vẫn cảm thấy mơ hồ về sự lý giải này, hãy tìm hiểu sâu hơn về tầm nhìn, ánh sáng và cách thức hoạt động của mắt.
Theo Today I Found Out, tầm nhìn chỉ là sự nhận thức về ánh sáng của bộ não. Một điều quan trọng khác cần lưu ý là thuật ngữ "ánh sáng" có thể là bất kỳ loại bức xạ điện từ nào chứ không riêng là bức xạ trong quang phổ nhìn thấy được. Bức xạ này là kết quả tự nhiên của một trong bốn lực cơ bản là điện từ.
Mắt của chúng ta hoạt động như thế nào?
Mắt của chúng ta có nhiều lớp khác nhau và chúng cùng hoạt động để thu nhận ánh sáng và biến nó thành xung điện mà não bộ có thể xử lý. Lớp ngoài cùng được gọi là màng cứng. Đây là phần màu trắng của mắt và thực hiện một nhiệm vụ rất quan trọng là bao bọc hầu hết cả nhãn cầu. Màng cứng cũng là nơi các cơ kiểm soát chuyển động của mắt kết nối với nhau.
Nằm ở phía trước của màng cứng là một mái vòm trong suốt có tên gọi là giác mạc. Trước khi đến mắt của chúng ta, tất cả ánh sáng đều phải đi qua bộ phận này.
Lớp tiếp theo được gọi là màng mạch. Lớp này chứa rất nhiều các mạch máu cung cấp các chất dinh dưỡng cho mắt. Nó cũng chứa mống mắt (phần có màu của mắt) và thể mi điều khiển hình dạng của thủy tinh thể. Cùng với giác mạc, thủy tinh thể sẽ giúp khúc xạ tất cả các ánh sáng đi vào mắt và tập trung chúng vào lớp trong cùng của mắt là võng mạc.
Võng mạc bao gồm hai lớp tế bào cảm nhận ánh sáng là tế bào que và tế bào nón. Khi ánh sáng được các tế bào này tiếp nhận, nó sẽ phản ứng với các sắc tố thị giác ở bên trong. Những sắc tố này lại chứa một loại protein có tên là opsin. Cùng với phân tử sắc thể, tần số ánh sáng sẽ phản ứng với những sắc tố trên gây ra các xung điện mà não bộ của chúng ta nhận được.
Mắt người có bốn loại opsin chính phản ứng với các bước sóng ánh sáng khác nhau, trong đó tế bào nón sử dụng ba loại và tế bào que chỉ sử dụng một loại.
Số lượng tế bào que trong mắt người là khoảng 120 triệu tế bào so với 7 triệu tế bào nón. Chính vì vậy, chúng nhạy cảm với ánh sáng hơn so với tế bào hình nón và cũng là tế bào chịu trách nhiệm chủ yếu cho việc nhìn vào ban đêm. Bên cạnh đó, chúng cũng cảm nhận chuyển động với mật độ cao tốt hơn. Và đây là lý do tại sao chúng đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn ngoại vi của bạn.
Tế bào que chỉ sử dụng một loại protein là Rhodopsin để tạo ra xung lực nên chúng không có khả năng phân biệt màu sắc.
Còn tế bào nón, dù ít hơn về số lượng và kém nhạy cảm hơn tế bào que nhưng lại có chức năng nhận diện màu sắc và điều chỉnh "độ nét".
Những tế bào này sử dụng ba loại opsin phản ứng với bước sóng ánh sáng ngắn, trung bình và dài. Chúng tương ứng với những bước sóng màu xanh da trời, xanh lá cây và màu đỏ. Do đó, chúng còn được gọi là tế bào hình nón màu xanh da trời, xanh lá cây và đỏ.
Để nhận diện được màu sắc, hai loại tế bào hình nón phải được kích hoạt bởi các bước sóng tương ứng của ánh sáng. Màu sắc chúng ta nhận thức được sẽ dựa trên mức độ kích thích mà mỗi loại tế bào hình nón nhận được. Vì vậy, nếu số lượng tế bào nón màu đỏ và màu xanh lá cây được kích thích là như nhau thì chúng ta sẽ nhìn thấy màu vàng hoặc vàng cam.
Đó là cách thức mắt của chúng ta biến sóng ánh sáng thành các xung điện.
Tiếp theo, hãy tìm hiểu lý do tại sao nheo mắt lại giúp nhìn rõ hơn.
Như chúng ta đã biết, tế bào nón chịu trách nhiệm về màu sắc và độ rõ nét của hình ảnh. Tế bào nón tập trung chủ yếu tại một khu vực của võng mạc gọi là điểm vàng. Ở trung tâm của điểm vàng là hố thị giác. Khu vực dày đặc tế bào hình nón này cho chúng ta hình ảnh với độ phân giải cao nhất.
Khi tập trung tầm nhìn vào một thứ nào đó, mắt của chúng ta sẽ liên tục di chuyển để khúc xạ ánh sáng đến từ vật đó, trực tiếp trên hố thị giác và giúp tạo ra hình ảnh rõ nét.
Khi mắt mở hoàn toàn, sóng ánh sáng từ rất nhiều hướng khác nhau sẽ đi vào mắt và chúng sẽ được xử lý bởi tất cả các tế bào hình que và hình nón ở những khu vực khác nhau của mắt.
Bằng cách nheo mắt, bạn đã làm giảm lượng ánh sáng đồng thời mắt cũng sẽ tập trung vào một số góc nhất định và khiến cho việc quan sát trở nên dễ dàng hơn. Nó cũng giống như việc cố gắng để nghe tiếng của một người trong căn phòng đông đúc và những tiếng ồn không mong muốn đã lấn át âm thanh mà bạn thực sự muốn nghe.
Khả năng thay đổi hình dạng của thủy tinh thể cho phép chúng ta tập trung ánh sáng đi vào mắt và hố thị giác. Nếu bạn được sinh ra với thủy tinh thể có hình dạng bất thường hay nhãn cầu hoặc thủy tinh thể của bạn mất tính đàn hồi của nó (thường xảy ra với người già) thì khả năng tập trung ánh sáng vào hố thị giác sẽ bị giảm đi đáng kể.
Một cách ngắn gọn, khi nheo mắt, chúng ta đã thay đổi hình dạng của mắt và điều này giúp thủy tinh thể tập trung ánh sáng thích hợp trên hố thị giác – nơi tập trung chủ yếu của tế bào hình nón cũng như lọc và giảm bớt lượng ánh sáng dư thừa để từ đó hình ảnh thu nhận được sẽ trở nên rõ nét hơn.
Theo Diễn đàn Đầu tư