Nếu có dịp tới thăm trung tâm chăm sóc người già Silver Wing Social Care tại Tokyo, sẽ không khó để thấy những người cao tuổi ở đây đang vui vẻ nói chuyện với nhân viên tại khu vực sinh hoạt chung, hoặc đang được hướng dẫn đi lại từ chuyên gia phục hồi sau các đợt tai nạn. Những nhân viên tận tụy này không bao giờ nghỉ một ngày, không bao giờ phàn nàn và cũng không cần được trả tiền, vì đơn giản họ là robot.
Theo South China Morning Post, trung tâm Silver Wing Social Care là một trong những ví dụ thoáng qua về một góc Nhật Bản cũng như các quốc gia công nghiệp hóa khác trong tương lai, khi dân số xã hội trở nên “lão hóa” và lực lượng lao động thiếu hụt trầm trọng. Silver Wing Social Care đã bắt đầu sử dụng robot để làm việc với người cao tuổi cách đây bốn năm, sau khi được chính quyền thành phố chọn là cơ sở để thử nghiệm áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI).
Từ khoảng giữa những năm 1990, tỷ lệ sinh của Nhật Bản bước vào vùng thấp nhất, kéo theo đó là sự suy giảm khoảng 10 triệu người trong độ tuổi lao động. Ước tính trong những thập niên tới, nước này sẽ có khoảng 20 triệu người rời khỏi thị trường lao động. Tình trạng thiếu lao động kinh niên của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực như điều dưỡng, sản xuất, xây dựng và giao hàng bưu kiện, đang dần trở nên trầm trọng hơn khi tỷ lệ tuyển dụng tính theo đầu người là 1:1,5. Điều đó có nghĩa, trung bình cứ một người Nhật thì sẽ có tới 1,5 vị trí tuyển dụng. Song, đối với một quốc gia vẫn không mấy cởi mở với người nhập cư như Nhật Bản, thì có lẽ lựa chọn sử dụng AI là giải pháp tốt nhất cho thị trường lao động.
“Chúng tôi đã thử các loại robot khác nhau để xem cái nào sẽ làm việc tốt nhất. Chúng tôi đã dần tăng số lượng sử dụng và hiện có 20 mô hình khác nhau đang hoạt động, bao gồm cả robot để chăm sóc điều dưỡng, phục hồi chức năng, truyền thông và giải trí. Rất nhiều người nghĩ rằng người cao tuổi sẽ sợ hãi hoặc không thoải mái với robot, nhưng thực tế họ rất quan tâm cũng như tương tác một cách tự nhiên với các robot. Họ thích nói chuyện với các robot và động lực của họ cũng tăng lên mỗi khi có robot phục hồi chức năng giúp đỡ”, Yukari Sekiguchi, người giám sát của Silver Wing Social Care, cho biết.
Trong khi nhiều quốc gia đang lo lắng về tình trạng mất việc làm do AI, thì Nhật Bản dường như không mấy căng thẳng khi đối mặt với nền kinh tế tự động hóa. Theo số liệu được thống kê hồi tháng 4.2017, tỷ lệ thất nghiệp của nước này giảm xuống 2,8%, đồng thời có tới 97,6% sinh viên mới tốt nghiệp có được việc làm ngay sau khi ra trường.
Tuy nhiên, dù thị trường lao động Nhật Bản ghi nhận nhiều lợi nhuận kỷ lục, nhưng lợi ích vẫn được phân phối không đồng đều, việc tăng lương còn chậm chạp. “Số lượng lao động thủ công tại đây vẫn thiếu hụt, trong khi nhân viên văn phòng lại dư thừa, đặc biệt là lao động nam trong độ tuổi trung niên”, Naohiro Yashiro, nhà kinh tế học tại Đại học Nữ sinh Showa ở Tokyo, nói.
Theo ông Yashiro, hệ thống tăng lương theo thâm niên làm việc của Nhật Bản hiện không còn bền vững và phù hợp nữa, đặc biệt khi dân số đất nước ngày càng già đi. Ông Yashiro cho biết các công ty Nhật Bản đang cố gắng ngăn chặn mức tăng lương tự động cho lao động trong độ tuổi 40 - 50, thay vào đó tăng lương cho những người trẻ hơn, nhất là đối tượng lao động trình độ trung bình, có nguy cơ bị đe dọa nhiều nhất từ làn sóng robot, AI cũng như các công nghệ mới khác.
“Hầu hết các cuộc tranh luận về chủ đề tự động hóa sẽ lấy mất việc làm của người lao động thường không phải là một vấn đề ở Nhật Bản. Lao động ở đây cũng không bị ảnh hưởng nặng nề như ở Anh hay Mỹ. Tuy nhiên, tầng lớp lao động có trình độ công nghệ cao sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ hệ thống mới. Do đó, những người lao động ở trình độ trung bình cần được bảo vệ khỏi sự trì trệ về lương”, ông Martin Schulz, chuyên gia kinh tế cao cấp của Viện Nghiên cứu Fujitsu, cho hay.
Song, bên cạnh những ý kiến đánh giá cao AI, vẫn có một số người cho rằng tự động hóa không phải là giải pháp tốt nhất cho các vấn đề về lao động của Nhật Bản. “Sự thiếu hụt công nhân trong các ngành công nghiệp kỹ thuật hiện nay thật khủng khiếp. Nhưng nếu chúng tôi trả lương và giảm giờ làm theo gợi ý từ chính phủ, chúng tôi sẽ phá sản. Tự động hóa cũng không phải là câu trả lời xác đáng, mà thay vào đó tôi nghĩ chúng tôi cần nhiều lao động từ nước ngoài có mức lương thấp hơn, ví dụ như Philippines, để thúc đẩy sản xuất”, ông Toyonori Sugita, chủ sở hữu Daimaru Seisakusho, một nhà máy sản xuất kim loại ở ngoại ô Tokyo, nói.
Theo Thanh Niên
http://thanhnien.vn/kinh-doanh/tai-sao-nhat-ban-duoc-loi-nhieu-nhat-tu-tri-tue-nhan-tao-863414.html