|
Elon Musk được biết đến như tỷ phú lập dị và nhà khoa học thiên tài với ý tưởng không giống ai. |
Elon Musk là người khá thích trò chuyện trên Twitter. Ông từng đăng trên mạng xã hội rằng pin nhiên liệu là một "giao dịch ngu ngốc" và mỉa mai các hãng sử dụng nó cho ô tô.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, không chỉ Trung Quốc mà các nhà sản xuất ô tô ở Hàn Quốc, châu Âu và nhiều nơi khác cũng dần bắt đầu trong lĩnh vực xe chạy bằng pin nhiên liệu.
Do đó, quan điểm của Elon Musk khiến nhiều người tranh cãi. Trên thực tế, nếu suy xét kỹ, Musk luôn là một người không ngại đưa ra quan điểm ngược với đám đông. Dưới sự lãnh đạo của ông, Tesla đã trở thành một công ty xe công nghệ thích làm khác với đối thủ cạnh tranh.
Những lần đi ngược đám đông của Elon Musk
1. "Lidar giống như đống ruột thừa đắt đỏ trong người"
|
Tesla không sử dụng lidar. |
Hiện nay, các công ty cung cấp xe tự lái vẫn còn tranh chấp về lộ trình kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với xu hướng phát triển trong tương lai, xu hướng chủ đạo trong ngành vẫn nghiêng về kết hợp cảm biến như lidar, radar sóng milimet và camera.
Tuy nhiên, Elon Musk không hề khách sáo khi nói lên suy nghĩ của mình về công nghệ cảm biến lidar - vốn đang được nhiều công ty áp dụng để giúp các xe tự lái có thể nhận biết các con đường và chướng ngại vật trên đó.
"Bất kỳ ai dựa vào Lidar đều sẽ thất bại. Các cảm biến đắt đỏ đó đều không cần thiết. Nó giống như có một đống 'ruột thừa' đắt đỏ trong người vậy. Nếu một cái ruột thừa đã đủ tồi tệ rồi, vậy còn cả một đống đó thì sao? Thật lố bịch. Bạn sẽ thấy điều đó" - Musk nói.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, từ tháng 10/2015, Musk đã nói rằng ông "không phải là fan của lidar". Ông tin rằng, camera kết hợp với radar sẽ đủ để thay thế lidar. Vài năm sau, Tesla kiên quyết không sử dụng lidar trên xe tự lái của mình.
2. "Bản đồ có độ chính xác cao là một ý tưởng khủng khiếp"
|
Xe Tesla có thể tự lái ở địa điểm chưa từng đến bao giờ mà không cần bản đồ độ chính xác cao. |
Theo quan điểm của Musk, bản đồ có độ chính xác cao cũng là một ý tưởng tồi tệ. Ông tin rằng, bản đồ có độ chính xác cao dựa trên GPS sẽ khiến các hệ thống tự lái phụ thuộc quá nhiều vào thông tin trước đó, gây mất tính linh hoạt khi xử lý các tình huống trong thời gian thực.
Vào tháng 10 năm ngoái, Musk đã đối đầu trực tiếp với Waymo - công ty sử dụng bản đồ có độ chính xác cao.
Vào thời điểm đó, sau khi Waymo tuyên bố sẽ triển khai các phương tiện mà không có nhân viên an toàn ở khu vực Phoenix, Musk mỉa mai rằng công nghệ lái xe của Waymo phụ thuộc quá nhiều vào bản đồ. Ông chủ Tesla tự tin rằng, hệ thống mới của Tesla có thể lái xe ở những nơi mà nó chưa từng đến trước đây.
"Hệ thống mới" ở đây ám chỉ phiên bản FSD Beta mà Tesla đã tung ra ngay sau đó.
Đáng chú ý, trước khi ra mắt FSD Beta, một số cư dân mạng đã đặt câu hỏi trên Twitter rằng liệu trong tương lai, Tesla có thể tạo ra một "bản đồ vi mô" chứa các chi tiết khác nhau như biển báo dừng và ổ gà trên đường không. Câu trả lời của Musk là "có".
Nói cách khác, mặc dù Elon Musk tuyên bố dứt khoát rằng sẽ không sử dụng các bản đồ có độ chính xác cao, nhưng vẫn sẽ có các bản đồ đi kèm.
3. "Chế độ sạc là cách tốt nhất để bổ sung năng lượng cho xe điện cỡ lớn"
|
Elon Musk chỉ tin tưởng chế độ sạc pin cho xe ô tô tự lái. |
Bên cạnh việc Musk đi ngược lại đám đông, các giám đốc điều hành của Tesla dường như cũng "hùa" theo tính khí của ông chủ.
Khi phần lớn các hãng xe tự lái thiết lập hệ thống trạm giúp khách hàng có thể linh hoạt đổi pin khi đang lưu thông trên đường thì Tesla lại chọn chế độ sạc pin.
Tao Lin - phó chủ tịch của Tesla Trung Quốc - công khai trên Weibo rằng, Tesla đã thử chế độ đổi pin vào đầu năm 2013 nhưng hiện tại hãng xe này chỉ tin tưởng vào chế độ sạc. Đó là cách tốt nhất để bổ sung năng lượng cho các loại xe điện dân dụng cỡ lớn.
Với tư cách là người ủng hộ chế độ đổi pin, Weilai Automobile tỏ ra không hài lòng. Ma Lin - giám đốc cấp cao của Weilai nói rằng, họ không chỉ đổi pin mà còn có thể sạc và nâng cấp, đồng thời lựa chọn nhiều chế độ khác nhau. Còn về việc chế độ đổi pin có tốt hay không, người dùng sẽ có câu trả lời.
Đồng thời, Ma Lin cũng chỉ ra rằng, việc xây dựng các trạm đổi pin đã nhiều lần xuất hiện trong các báo cáo của chính phủ Trung Quốc. Đổi pin là cách bổ sung năng lượng phổ biến nhất của người dùng Weilai.
|
Ảnh: New York Times |
Tại sao Tesla thích làm "khác người"?
1. Cân nhắc thương mại
Một số cư dân mạng từng phàn nàn: "Chỉ cần là thứ tiêu đến tiền, Tesla đều không thích".
Thật vậy, Tesla kiểm soát chi phí của các liên kết sản xuất rất chặt chẽ. Thời kỳ đầu, Tesla đã nhiều lần gặp khủng hoảng do dòng tiền công ty không đủ. Trong khi đó, Musk lại hướng mục tiêu đến sản xuất xe điện cho thị trường đại chúng.
Khi Tesla gặp khó khăn và suýt bị mua lại vào năm 2013, mối quan tâm lớn nhất của Musk vẫn là liệu bên kia có thể biến Tesla "trở thành một công ty vĩ đại có khả năng sản xuất hàng loạt xe điện" hay không.
Với mục tiêu của Elon, những thứ đắt đỏ như lidar, bản đồ có độ chính xác cao và khoản đầu tư khổng lồ vào các trạm đổi pin trong giai đoạn đầu sẽ không nằm trong tính toán của Tesla.
2. Cách nghĩ khác nhau
Ai cũng biết rằng Musk đã quen với việc suy nghĩ về các vấn đề bằng cách sử dụng "nguyên tắc đầu tiên".
Cách tư duy này nhằm mục đích để người ta mổ xẻ bề nổi của vấn đề, đi sâu vào thực chất, tháo gỡ vấn đề rồi suy ra giải pháp.
Dựa vào logic suy nghĩ trên, Musk tin rằng vì con người có thể lái xe an toàn thông qua thị giác và trí não nên việc lái xe tự động cũng có thể đạt được theo cách tương tự. Tesla luôn tuân thủ lộ trình lái xe tự động hoàn toàn bằng hình ảnh.
Ngay cả khi xuất hiện trở ngại, Tesla vẫn kiên quyết bắt đầu từ gốc rễ của vấn đề. Khi độ chính xác nhận biết bằng camera và radar sóng milimet không đạt yêu cầu, Tesla không trực tiếp bỏ qua mà kiên trì cải tiến thuật toán.
Chính "nguyên tắc đầu tiên" đã khiến Tesla luôn chọn một số giải pháp khó hiểu trong mắt người thường nhưng cũng biến công ty trở nên đặc biệt theo cách riêng.
3. "Khác người" là một chiến lược tiếp thị hiệu quả
Trên thực tế, Tesla không hoàn toàn phủ nhận lợi thế của lidar, bản đồ độ chính xác cao và chế độ đổi pin. Nếu không, hãng sẽ chẳng phải cố gắng đạt được hiệu quả tương tự. Tuy nhiên, việc "ăn nói ngang ngược" đã khiến Tesla được chú ý rất nhiều.
Mỗi khi Tesla bày tỏ quan điểm trái ngược với số đông, nó có thể gây ra một cuộc thảo luận lớn.
Tesla dường như đã trở thành một điểm tham chiếu trong ngành, "tốt hơn nó" hoặc "tệ hơn nó", "giống nó" hoặc "khác nó". Vì vậy, bất cứ khi nào nói đến ô tô điện hoặc lái xe tự động, bất chấp có phải nhân vật chính hay không, Tesla sẽ bị lôi ra và so sánh với tất cả các bên.
Từ góc độ quảng bá thương hiệu, cách "làm khác người" giống một chiến dịch tiếp thị miễn phí của Tesla hơn và hiệu quả mang lại rất đáng kể.
Trên thực tế, nhìn từ khía cạnh nào đó, cái mác tiêu cực "làm khác người" đã trở thành biểu tượng cho đặc tính đổi mới của Tesla với thành tích bán hàng và vị thế ngành nổi trội.
Sau tất cả, đừng quên rằng nhiều năm trước đây, xe điện vẫn là "điều viển vông" trong ngành công nghiệp ô tô truyền thống. Chính Tesla đã đánh đổ rào cản và tạo ra thời kỳ hoàng kim của xe điện.