Tại sao Elon Musk ủng hộ đảng AfD?: Câu hỏi khiến chính giới Đức “vò đầu bứt tai”

Trong cuộc trò chuyện đầy ngẫu hứng với lãnh đạo một đảng cực hữu ở Đức vào tuần trước, tỷ phú Elon Musk đã thảo luận các chủ đề như Hitler, nền văn minh liên hành tinh và sự tồn tại của Thượng đế.
Bà Alice Weidel, giữa, và các nhà lãnh đạo khác của đảng cực hữu Sự thay thế cho nước Đức. Ảnh WSJ.

Xung đột lợi ích với Elon Musk

Trong cuộc thảo luận này, vị tỷ phú công nghệ khẳng định rằng đảng Sự thay thế cho nước Đức (AfD) là một tổ chức ôn hòa.

“Hy vọng mọi người có thể nhận ra từ cuộc trò chuyện này rằng không có điều gì quá đáng được đưa ra – chỉ toàn những ý tưởng hợp lý”, Elon Musk nói trong buổi phát trực tiếp trên nền tảng mạng xã hội X của mình.

Điều này khiến nhiều chính trị gia thuộc các đảng chính thống ở Đức khó lòng hiểu nổi, chứ chưa nói đến việc chấp nhận.

Lý do không khó để giải thích: AfD là một đảng chỉ trích nặng nề văn hóa tưởng niệm nạn diệt chủng người Do Thái của Đức, và một số chi nhánh khu vực của đảng này bị cơ quan tình báo nội địa xếp vào nhóm cực đoan cánh hữu. Ở bang Thuringia, một lãnh đạo của đảng này từng bị phạt vì nhiều lần sử dụng khẩu hiệu bị cấm của Đức Quốc xã – mặc dù ông khẳng định không cố ý.

Thêm vào đó, một số mục tiêu của AfD thậm chí còn đi ngược lại các quan điểm của ông Musk và các lợi ích cốt lõi của Mỹ, điều khiến nhiều người tại Berlin không khỏi bối rối.

AfD được coi là cực đoan hơn nhiều đảng phái châu Âu khác mà Elon Musk ủng hộ. Ảnh WSJ.

AfD có quan hệ thân cận với Nga hơn so với nhiều đảng phái châu Âu khác. Đảng này kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow do xung đột ở Ukraine và muốn tái khởi động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. AfD cũng phản đối việc triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ trên lãnh thổ Đức, một phần trong thỏa thuận gần đây giữa Berlin và Washington.

Ngoài ra, AfD từng chỉ trích các khoản trợ cấp xe điện – vốn mang lại lợi ích lớn cho Tesla của Elon Musk – và kêu gọi Đức rời khỏi Liên minh châu Âu, điều sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu ô tô từ nhà máy Tesla gần Berlin.

“Nếu khoa học tên lửa và hiểu biết về xe điện của ông Musk cũng hời hợt như phân tích của ông ấy về chính trị Đức, thì xe của ông đã không thể chạy, và tên lửa của ông đã không thể bay”, ông Jens Spahn, một nghị sĩ trung hữu và cựu Bộ trưởng Đức, nói với tạp chí Cicero. “Liệu việc ủng hộ một đảng thân Nga, thân ông Putin và mang tính chất phản Mỹ như AfD có thật sự là quyết định sáng suốt?”.

Những tư tưởng gây tranh cãi

Tuy nhiên, với nhiều người, sự ủng hộ của Musk dành cho AfD không phải là điều quá bất ngờ. Những quan điểm như chống nhập cư, phong trào "thức tỉnh" (wokeism), và phong cách dân túy của đảng này khá tương đồng với các ý kiến mà Musk từng bày tỏ trên mạng xã hội. Nhưng so với các đảng phái khác mà Musk từng ủng hộ, như Cải cách Vương quốc Anh (Reform U.K.) hay “Brothers of Italy”, AfD được xem là cực đoan hơn rất nhiều.

Vào tháng 5 năm ngoái, các đồng minh châu Âu của AfD đã trục xuất đảng này khỏi nhóm chung của họ trong Nghị viện châu Âu sau khi ứng cử viên hàng đầu của đảng này nói với một số tờ báo rằng không phải tất cả các thành viên của SS đều là tội phạm. Điều này lặp lại nhận xét trước đó của Björn Höcke, lãnh đạo AfD ở Thuringia. Höcke đã nói trên tờ The Wall Street Journal rằng Adolf Hitler không nên bị coi là “hoàn toàn xấu xa”.

AfD liên tục phản đối nhà máy ở Đức của Tesla. Ảnh: WSJ.

Trong khi đó, AfD cũng không ngần ngại bày tỏ lập trường khác biệt. Đảng này luôn phản đối sự hiện diện của nhà máy Tesla tại Grünheide, bang Brandenburg, với lý do gây ảnh hưởng đến nguồn nước, làm tăng ùn tắc giao thông và không mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, ông Steffen Kotré, một thành viên quốc hội liên bang của AfD, cho rằng các đại diện địa phương nên cân nhắc lại lập trường của mình. Ông nói: “Dù thích hay không, bạn không thể tách rời nhà máy này khỏi cam kết của người sáng lập nó đối với quyền tự do ngôn luận”.

Dẫu vậy, những lập trường chính của AfD, như việc nối lại nhập khẩu năng lượng từ Nga hoặc phản đối chính sách cắt giảm khí thải CO2, vẫn là “không thể thương lượng”. Ông nói: “Đảng AfD, hơn bất kỳ đảng nào khác, phải rất cẩn thận để không bị cáo buộc tham nhũng”.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí American Conservative trước khi đối thoại với Musk, bà Alice Weidel, lãnh đạo đảng AfD, đã bảo vệ lập trường của đảng về việc nối lại nhập khẩu khí đốt từ Nga bất chấp sự phản đối của Mỹ. Bà tuyên bố: “Chúng tôi sẽ tự đưa ra quyết định của mình, và [ông Donald Trump] phải chấp nhận điều đó, dù ông ấy có thích hay không”.

Không giống các đảng cánh hữu khác ở châu Âu, AfD không điều chỉnh lập trường của mình để thu hút sự ủng hộ rộng rãi hơn. Tại đại hội toàn quốc diễn ra vào ngày 12/1 vừa qua, các đại biểu của đảng đã tỏ ra cứng rắn hơn trong chính sách nhập cư, kêu gọi giam giữ người xin tị nạn và cấm người không phải công dân nhận trợ cấp xã hội trừ khi họ đã làm việc tại Đức ít nhất 10 năm.

Ông Stefan Möller, đồng chủ tịch chi nhánh AfD tại Thuringia – nơi đảng này giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cấp bang đầu tiên vào tháng 10 năm ngoái – cho rằng Musk và AfD không nhất thiết phải đồng ý về mọi thứ mới có thể hợp tác.

“Dĩ nhiên, luôn có những điểm giao thoa về niềm tin chính trị giữa các cá nhân, nhưng cũng sẽ tồn tại các khu vực xung đột tiềm tàng”, ông nói. “Trong trường hợp này, rõ ràng niềm tin chính trị chung đang chiếm ưu thế”.

Bà Alice Weidel, lãnh đạo đảng AfD, trước cuộc trò chuyện trực tiếp vào tuần trước với Elon Musk trên X. Ảnh: WSJ.

Quan điểm của người dân Đức ra sao?

Theo các nhà thăm dò ý kiến, vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu sự ủng hộ của Musk có giúp AfD thu hút thêm nhiều cử tri mới hay không.

Một cuộc khảo sát của Forsa, tiến hành từ ngày 4 đến 6/1, cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng này ổn định ở mức 19%, trong khi 74% người tham gia khảo sát cho rằng việc Elon Musk can thiệp vào chính trị Đức là không phù hợp. Theo Forsa, AfD vẫn kém đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trung hữu 10 điểm và còn xa mới đạt được mức đỉnh vào đầu năm ngoái trước khi bị ảnh hưởng bởi hàng loạt vụ bê bối.

“Musk không có hình ảnh tích cực”, ông Manfred Güllner, người đứng đầu Forsa, cho biết. “Và bản thân ông Trump cũng bị người Đức cực kỳ không ưa thích”.

Tuy nhiên, các cuộc thăm dò khác được công bố trong tháng này lại cho thấy tỷ lệ ủng hộ AfD vượt mốc 20%, tiếp tục xu hướng tăng chậm nhưng ổn định bắt đầu từ mùa Hè năm ngoái.

Ngay cả khi AfD bắt kịp CDU và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 2, khả năng đảng này lãnh đạo chính phủ vẫn rất thấp bởi các đảng khác đã kiên quyết từ chối liên minh với họ. Tuy nhiên, một chiến thắng của AfD vẫn sẽ là một chấn động chính trị, và các lãnh đạo của đảng tin rằng điều này giờ đây trở nên khả thi hơn một chút.

“Những người vẫn còn do dự và không chắc liệu họ có thể tin tưởng chúng tôi hay không”, ông Leif-Erik Holm, một nghị sĩ thuộc đảng AfD, nói. “Họ có thể nhìn vào một người như Musk và nghĩ rằng, nếu ông ấy ủng hộ chúng tôi, thì có lẽ họ cũng có thể làm vậy”.

Theo Wall Street Journal