Tài sản trú ẩn cũng bị bán tháo, tại sao?

VietTimes -- Việc các hedge funds (quỹ đầu tư phòng hộ) lựa chọn phân bổ danh mục theo chiến lược tương đồng rủi ro (risk parity) đang rất thịnh hành vì những đặc tính ưu việt. Tuy nhiên, chiến lược này cũng khiến mối tương quan (correlation) giữa các tài sản đầu tư (như: chứng khoán, trái phiếu, vàng,…) tăng lên, “xóa” mờ đi ranh giới của tài sản rủi ro và tài sản an toàn (safe haven asset).
Các tài sản đầu tư bị đồng loạt bán tháo giữa tâm dịch Covid-19 (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Các tài sản đầu tư bị đồng loạt bán tháo giữa tâm dịch Covid-19 (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tài chính toàn cầu những thời gian vừa qua liên tiếp chứng kiến những biến động khó lường.

Trong bối cảnh thị trường trở nên hỗn loạn, một làn sóng bán tháo đã diễn ra từ các loại tài sản rủi ro như cổ phiếu hay bitcoin, và lan rộng sang thị trường trái phiếu. Thậm chí, các tài sản trú ẩn an toàn (safe haven assets) như vàng cũng giảm mạnh.

Bên cạnh việc nhà đầu tư muốn nhanh chóng chuyển sang nắm giữ tiền mặt trước nỗi lo sợ về một cuộc khủng hoảng, đâu là nguyên nhân góp phần khiến các tài sản đầu tư bị bán tháo một cách đồng loạt như vậy (!?).

Những phân tích sau của ông Hoàng Tùng, Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore), đem đến nhiều gợi mở giúp lý giải về hiện tượng này.

“Risk Parity Approach”

Việc phân bổ danh mục đầu tư theo phương pháp tương đồng rủi ro (risk parity) được phát triển dựa trên trường phái Lý thuyết danh mục đầu tư hiện đại (Modern Portfolio Theory - MPT). Vì vậy, phương pháp này còn có nhiều mối liên hệ với chiến lược phân bổ danh mục đầu tư dựa trên phương pháp tối ưu hóa phương sai trung bình (Mean-Variance Opitmization - MVO).

Tuy nhiên, chiến lược xây dựng danh mục đầu tư theo tương đồng rủi ro vẫn có điểm khác biệt với MVO.

Nếu MVO phân bổ danh mục dựa vào mức lợi suất kỳ vọng (expected return) và phương sai (variance), thì phương pháp tương đồng rủi ro là việc đa dạng hóa danh mục bằng cách cân bằng mức độ đóng góp rủi ro (risk contribution) của các loại tài sản, rồi sử dụng thêm “đòn bẩy” (leverage) để đạt mức rủi ro mục tiêu.

Khác với cách phân bổ danh mục truyền thống, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp này mang lại mức sinh lời cao hơn cho cùng một mức độ “rủi ro” của danh mục đầu tư.

Trên thực tế, tính hiệu quả của phương pháp tương đồng rủi ro đã được nhà quản lý quỹ lừng danh Ray Dalio chứng minh. Danh mục “All Weather” bao gồm nhiều loại tài sản được xây dựng bởi Ray Dalio từng được tin tưởng rằng sẽ vượt qua hầu hết bất kỳ “cơn bão” tài chính nào.

Sau đợt khủng hoảng tài chính năm 2008, những kết quả đáng ghi nhận mà quỹ phòng hộ do Ray Dalio quản lý đạt được càng khiến phương pháp tiếp cận này trở nên thịnh hành và áp dụng rộng rãi bởi các quỹ phòng hộ (hedge funds), cũng như các quỹ hoán đổi danh mục (ETFs).

“Gót chân Achilles”

Hiện nay, hầu hết các quỹ phòng hộ đều sử dụng phương pháp tương đồng rủi ro, kết hợp với đòn bẩy tài chính (leverage), để đạt được lợi nhuận cao, trong khi mức độ biến động (rủi ro) thấp.

Thêm nữa là phương pháp này luôn duy trì mức độ đóng góp rủi ro (risk contribution) giữa các loại tài sản trong danh mục bằng nhau, giúp cho tổng thể danh mục không bị phụ thuộc quá nhiều vào rủi ro của một loại tài sản nhất định nào cả.

Tuy nhiên, đây lại chính là “gót chân Achilles” của phương pháp tiếp cận này.

Cụ thể, khi thị trường của một loại tài sản (ví dụ: cổ phiếu) bị sụt giảm nghiêm trọng khiến các quỹ phòng hộ phải giảm vị thế ở cổ phiếu. Đồng thời, họ cũng buộc phải bán các loại tài sản khác (ví dụ: trái phiếu) để giữ nguyên tỷ lệ đóng góp rủi ro. 

Hệ quả là làn sóng bán tháo trên mọi tài sản đầu tư, từ cổ phiếu, trái phiếu, đến các tài sản trú ẩn như vàng. Điều này lại khiến cho mối tương quan (correlation) giữa các loại tài sản này tăng lên, từ đó khiến việc phân bổ danh mục càng bị xáo trộn và hỗn loạn hơn.

Đó là lý do mà vì sao trong thời gian vừa qua chúng ta quan sát được hiện tượng mọi loại tài sản đều đồng loạt giảm mạnh, không còn đâu là tài sản an toàn nữa.

Một sự hỗn loạn đến từ một lý thuyết tưởng như là hoàn hảo.

Sự khác biệt giữa 2 phương pháp Risk Parity và MVO

Giả sử, nhà đầu tư có 2 loại tài sản để cân nhắc, gồm:

- Cổ phiếu A (Stock A): Lợi suất kỳ vọng (Expected Return) là 6,25%; chỉ số biến động (volatility) là 17,5%.

- Trái phiếu B (Bond B): Lợi suất kỳ vọng (Expected Return) là 4%; chỉ số biến động (volatility) là 4,5%.

- Hệ số tương quan (correlation) giữa Stock A và Bond B là 0,2.

Sử dụng phương pháp MVO, nhà đầu tư sẽ phân bổ tài sản theo tỷ lệ 60% cho Stock A và 40% cho Bond B (Danh mục 1). Từ đó, hình thành danh mục có Lợi suất kỳ vọng (Expected Return) là 5,35%; và chỉ số biến động kỳ vọng (Expected Volitality) là 11%.

Tuy nhiên, khi phân tích sâu hơn, phần rủi ro phân bổ ở Stock A chiếm tới 94%, trong khi Bond B chỉ ở mức 6%. Điều này đồng nghĩa với việc Danh mục 1 chịu nhiều rủi ro từ biến động của cổ phiếu. 

Sử dụng phương pháp Risk Parity, phân bổ rủi ro giữa 2 loại tài sản Stock A và Bond B là bằng nhau, ta được danh mục có tỷ lệ: 20,5% cho Stock A và 79,5% cho Bond B (Danh mục 2). Trong danh mục này, tỷ lệ đóng góp rủi ro (Risk Contribution) giữa Stock A và Bond B đều là 50%. Chỉ số biến động kỳ vọng (Expected Volitality) là 5,5%.

Và để danh mục mới này có cùng mức biến động kỳ vọng (Expected Volitality) bằng với Danh mục 1, chúng ta phải sử dụng “đòn bẩy” là 2 lần.

Giả sử lãi suất đi vay là 3%/năm, lợi suất kỳ vọng của Danh mục 2, theo tính toán, sẽ là 7,5%.

Kết quả, với cùng một mức biến động kỳ vọng (11%), Danh mục 2 đạt được lợi suất (7,5%) vượt trội so với Danh mục 1 (chỉ 5,35%)./.