Theo đó, tổng tài sản của toàn hệ thống đến hết năm 2014 đạt gần 6,515 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cuối năm 2013 và là mức cao nhất từ trước tới nay.
Trong đó, tổng tài sản của nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng 14,82% đạt 2,876 triệu tỷ đồng; của nhóm ngân hàng cổ phần tăng 13,1% đạt gần 2,781 triệu tỷ đồng. Chỉ duy có nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài là không tăng tổng tài sản trong năm qua.
Vốn tự có của các tổ chức tín dụng đạt 496.573 tỷ đồng, tăng 4,36% so với đầu năm trong khi vốn điều lệ tăng 3,29% đạt 435.649 tỷ đồng.
Mức tăng vốn của các tổ chức tín dụng chưa nổi 5% trong năm qua là con số khá thấp so với các năm trước. Cụ thể năm 2012 vốn tự có tăng gần 9%; 2013 tăng 9,6% trong khi vốn điều lệ tăng 11,2% năm 2012 và 8,1% trong năm 2013.
Vốn của các ngân hàng được đánh giá là rất quan trọng vì đây là tấm lá chắn để bảo vệ người gửi tiền trong các trường hợp rủi ro. Tăng trưởng vốn thấp cho thấy các ngân hàng đang khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư. Và trên thực tế, năm vừa qua nhiều ngân hàng lên kế hoạch tăng vốn nhưng bất thành, thậm chí có ngân hàng bị âm vốn rồi phải quốc hữu hóa như VNCB.
Một số liệu khác cũng được chú ý đó là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR). Báo cáo từ NHNN cho thấy CAR của các TCTD đạt 12,75% vào cuối năm 2014, cao hơn nhiều so với quy định 9%. Nhưng CAR của các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ đạt 9,4% - mức thấp nhất trong số các nhóm tổ chức tín dụng; trong khi của các ngân hàng cổ phần đạt 12,07%.
Theo Trí thức trẻ