Tài khoản Twitter của Đại sứ quán Anh ở Kabul, được lập vào năm 2013 và thu hút hơn 109.000 người theo dõi, dường như đã bị xóa bỏ từ hôm 27/8, khiến nhiều nhà quan sát trên mạng Internet không khỏi băn khoăn bởi chính phủ Anh không hề đưa ra một lời giải thích nào cả.
Website chính thức của Đại sứ quán nhấn mạnh rằng, các hoạt động của họ tại Kabul “tạm thời bị hoãn để phản ứng trước tình hình an ninh đang suy giảm” ở Afghanistan, mặc dù không rõ vì lý do gì mà tài khoản Twitter của họ ngừng hoạt động, mặc dù trước đó khi Talian ập vào Kabul nó vẫn được duy trì.
Nhiều cư dân mạng đã đặt ra đủ kiểu giả thuyết để lý giải cho sự việc này, trong đó có người cho rằng phía Anh xóa tài khoản Twitter trên để bảo vệ dữ liệu của những công dân Afghanistan đã từng hợp tác với chính phủ Anh trong cuộc chiến kéo dài suốt 20 năm. Một người khác thì cho rằng đây là một “biện pháp an ninh”.
Mới đây, Đại sứ quán Anh tại Afghanistan đã vướng vào một vụ bê bối an ninh, khi một nhà báo phát hiện ra nhiều tài liệu cho phép nhận diện một số nhân viên người Afghanistan tại cơ sở ngoại giao này, trong đó có cả thông tin liên hệ của họ. Mặc dù phía chính phủ Anh có lên tiếng giải thích rằng “mọi nỗ lực đã được thực hiện nhằm tiêu hủy những dữ liệu nhạy cảm”, nhưng một số tài liệu vẫn còn nguyên vẹn.
Việc tài khoản Twitter của Đại sứ quán Anh bị xóa diễn ra giữa lúc mà London đang hoàn tất nhiệm vụ sơ tán ơ rAfghanistan, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nhấn mạnh rằng nỗ lực này đã đi đến những giai đoạn cuối cùng từ hôm 27/8 và không có thêm người nào cần được sơ tán. Giờ đang cai quản Afghanistan, Taliban đã nhất trí về thời hạn chót 31/8 để tất cả các lực lượng nước ngoài rời khỏi nước này.
Bộ trưởng Wallace cũng nói rằng ông cảm thấy “rất đáng tiếc khi không phải tất cả mọi người đều được sơ tán trong nhiệm vụ lần này” trong khi nhấn mạnh rằng, ông tin rằng có tới 150 công dân Anh vẫn còn đang ở Afghanistan – mặc dù một số người ở lại một cách tự nguyện. Khoảng 800 – 1.100 công dân Afghanistan từng hợp tác cùng lực lượng Anh cũng không thể rời khỏi Afghanistan, ông Wallace thừa nhận.
Vụ đánh bom kép tại sân bay Kabul do tổ chức ISIS-K nhận trách nhiệm đã thêm phần gấp rút cho nỗ lực sơ tán khỏi Afghanistan. Vụ tấn công này khiến 2 công dân Anh và 1 người con của một công dân Anh khác thiệt mạng; ngoài ra còn có hàng chục thường dân Afghanistan, 28 thành viên Taliban và 13 binh sĩ Mỹ.