Diễn đàn An ninh Aspen (Aspen Security Forum) có lịch sử 12 năm là một hội nghị thường niên được tổ chức tại thành phố Aspen, bang Colorado, Hoa Kỳ, cung cấp cho các nhà lãnh đạo thế giới một địa điểm công cộng phi đảng phái để thảo luận về các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia quan trọng nhất hiện nay.
Giám đốc CIA William Burns ngày 20/7 nói khi đăng đàn: “Trung Quốc dường như quyết tâm sử dụng vũ lực với Đài Loan, nhưng kinh nghiệm của Nga ở Ukraine đã ảnh hưởng đến tính toán của Bắc Kinh về cách sử dụng vũ lực với Đài Loan, nhưng sẽ không thay đổi quyết tâm của Bắc Kinh có sử dụng vũ lực với Đài Loan hay không".
Về ảnh hưởng của tiến trình cuộc chiến Nga-Ukraine đối với Trung Quốc, ông Burns cho rằng: “Cuộc chiến kéo dài 5 tháng giữa Nga và Ukraine đã khiến Trung Quốc cảm thấy bất an”. Ông cho rằng quyết tâm đánh chiếm Đài Loan của Bắc Kinh sẽ không thay đổi. Ông nói: “Cảm giác của chúng tôi là, nó (chiến tranh Nga-Ukraine) ảnh hưởng khá ít tới quyết tâm dùng vũ lực kiểm soát Đài Loan của ban lãnh đạo Bắc Kinh. Vấn đề chỉ là nó sẽ xảy ra khi nào và sử dụng vũ lực với phương thức gì”.
Ông Burns tiết lộ, theo những ước tính mới nhất của giới tình báo Mỹ về con số thiệt hại của người Nga trong cuộc chiến là khoảng 15.000 người chết và 45.000 người khác bị thương. Ông nói đây là con số thương vong lớn, phía Ukraine có thể ít hơn phía Nga nhưng cũng bị thương vong nặng nề.
Diễn đàn An ninh Aspin diễn ra hàng năm thu hút sự quan tâm của giới chính trị và học thuật quốc tế (Ảnh: ASF). |
Burns cho biết bài học mà Trung Quốc được cho là đã nhận thấy từ cuộc chiến ở Ukraine là "không thể đạt được một chiến thắng nhanh chóng, mang tính quyết định với một số ít quân tướng". Ông nói: "Tôi cho rằng bài học mà giới lãnh đạo và quân đội Trung Quốc rút ra bây giờ là nếu có kế hoạch làm điều đó trong tương lai, họ phải tập hợp một lực lượng quân đội mang tính áp đảo", "Trung Quốc có thể cũng đã học được rằng họ phải kiểm soát không gian thông tin và hết sức giữ vững nền kinh tế vì chắc chắn sẽ bị hứng chịu các lệnh trừng phạt".
Tuy ông Burns đã giảm nhẹ suy đoán cho rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có hành động chống lại Đài Loan sau Đại hội toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Nhưng ông cảnh báo: “Tôi không đánh giá thấp quyết tâm của ông Tập muốn Trung Quốc kiểm soát Đài Loan. Tôi nghĩ ông ấy (Tập Cận Bình) bị ám ảnh với việc đảm bảo rằng nếu ông ấy muốn đi theo hướng đó, quân đội của ông ấy sẽ có khả năng hành động. Tôi cho rằng trong mười năm tới, thời gian càng trôi đi thì rủi ro sẽ càng gia tăng.”
Ông Burns phân tích thêm rằng Trung Quốc sẽ tiến hành chiến tranh thông tin trước khi tấn công Đài Loan và sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để giữ vững nền kinh tế chống lại các lệnh trừng phạt có thể xảy ra; đồng thời, họ cũng sẽ cố gắng chia rẽ Mỹ và các đồng minh Ấn Độ - Thái Bình Dương, vì vậy "chúng ta không nên đánh giá thấp quyết tâm của ông Tập ở mặt này, nhưng điều đó không thể dự đoán ông ấy sẽ hành động sau Đại hội XX. Tôi không tin điều đó."
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Tư (20/7) đã thông báo rằng ông dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "trong 10 ngày tới." Burns nói đó là một điều tốt, "nhiều năm kinh nghiệm đã cho tôi thấy rằng ngay cả trong khi cạnh tranh phức tạp và nguy hiểm nhất, điều rất quan trọng là phải nói chuyện với nhau để giảm nguy cơ va chạm ngẫu nhiên và cố gắng thiết lập quy trình và thói quen nói chuyện với nhau, ít nhất có thể giảm bớt một số sự leo thang nghiêm trọng và nguy hiểm nhất."
Ông Burns cũng nói rằng Trung Quốc có thể ủng hộ Nga bằng lời nói, nhưng Mỹ không tin rằng Trung Quốc cung cấp bất kỳ hỗ trợ quân sự nào cho Nga. Tuyên bố của ông phù hợp với các đánh giá trước đây của Mỹ. Ông tin rằng Trung Quốc đã mở rộng việc mua năng lượng của Nga, nhưng dường như đang thực hiện các bước để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nói về cuộc khủng hoảng Sri Lanka, ông Burns cho rằng "sự đánh cược ngu ngốc" của Sri Lanka vào khoản đầu tư nợ cao của Trung Quốc là một yếu tố dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của nước này, vì vậy các nước khác cần rút ra bài học.
Ông Burns nói: “Sự giàu có của Trung Quốc có thể khiến vốn của Trung Quốc nghe có vẻ rất hấp dẫn. Thế nhưng, các nước cần nhìn vào thảm cảnh của Sri Lanka ngày nay, nợ Trung Quốc chồng chất, đánh cược ngu ngốc vào tương lai kinh tế của mình, do đó nhận quả đắng có tính thảm họa cả về kinh tế lẫn chính trị”. Ông cho rằng đây sẽ là tấm gương cho những người tham gia cuộc chơi khác, không chỉ ở Trung Đông hay Nam Á, mà các quốc gia trên thế giới nên mở to mắt đối với những giao dịch như vậy.”
AFP bình luận: Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào Sri Lanka, quốc gia nằm ngoài khơi Ấn Độ và có vị trí chiến lược ở Ấn Độ Dương. Năm 2017, Sri Lanka đã buộc phải cho một công ty Trung Quốc thuê một cảng ở phía Nam trong 99 năm do không có khả năng trả nợ khoản vay 1,4 tỉ USD để xây dựng cảng này. Sân bay Rajapaksa, nằm gần cảng này, cũng được xây dựng bằng khoản vay 200 triệu USD của Trung Quốc, nhưng nó rất ít được sử dụng và thậm chí có thời điểm không thể thanh toán tiền điện. Trung Quốc đã hợp tác chặt chẽ với cựu Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa. Sau khi nền kinh tế Sri Lanka rơi vào tình trạng tồi tệ và nguồn cung cấp thực phẩm và nhiên liệu gần như cạn kiệt, trong bối cảnh hàng loạt cuộc biểu tình phản đối, Rajapaksa đã phải từ chức tổng thống và chạy ra nước ngoài sống lưu vong vào tuần trước.
Khi được hỏi về vấn đề Đài Loan, Tần Cương (Qin Gang), đại sứ Trung Quốc tại Mỹ tham gia diễn đàn này, nói: "Điều mà Trung Quốc không muốn làm là đấu tranh với chính đồng bào của mình. Chúng tôi sẽ đạt được thống nhất hòa bình với sự chân thành lớn nhất, vì chúng tôi tin rằng đây là điều phù hợp nhất cho lợi ích của người dân cả hai bên bờ eo biển”. Ông cũng phê phán Mỹ phá hoại “nguyên tắc một Trung Quốc" và ba thông cáo chung Mỹ-Trung, dẫn đến căng thẳng trên eo biển Đài Loan.
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tần Cương (phải) tham gia diễn đàn (Ảnh: chinareporter). |
Trước khi xảy ra cuộc chiến Nga-Ukraine vào tháng Hai năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra Tuyên bố chung Trung-Nga tại Bắc Kinh, tuyên bố rằng hợp tác Trung-Nga không có giới hạn.
Sau cuộc gặp, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành cũng nói: "Không có trần nào đối với quan hệ Trung-Nga, không có giới hạn cho tình hữu nghị, không có nhà ga cuối, chỉ có các trạm xăng". Nhưng Đại sứ Tần Cương khi đề cập đến tuyên bố này tại Diễn đàn Aspin đã nói: “Đây là sự hiểu lầm về quan hệ Trung-Nga”. Ông nói: “Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh”.
Tần Cương đến Washington một năm trước với tư cách đại sứ, nói rằng Trung Quốc không hứng thú đến chuyện "đối đầu" và tuyên bố rằng cả Nga và Trung Quốc đều phản đối "tư duy Chiến tranh Lạnh". Ông nói: "Mọi người lo lắng lịch sử Chiến tranh Lạnh sẽ lặp lại vì một số người giữ tư duy Chiến tranh Lạnh và nhầm lẫn coi Trung Quốc là Liên Xô trước đây và xem Trung Quốc là một mối đe dọa. Nhưng Trung Quốc không phải là Liên Xô trước đây, và Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là Đảng Cộng sản Liên Xô."