|
Biến chứng do thẩm mỹ tăng: Người hành nghề không có chuyên môn |
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ. Trong đó, hai bệnh nhân đã bị tử vong sau khi phẫu thuật nâng ngực (tại Thẩm mỹ viện Emcas) và căng da mặt (tại Thẩm mỹ viện Kangnam).
Người hành nghề thẩm mỹ không phải ai cũng có chuyên môn
Thông tin từ hội nghị quản lý Nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn TP.HCM, có đến 15 bệnh viện (BV) Thẩm mỹ, 10 BV đa khoa có Khoa Thẩm mỹ, 186 Phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ và khoảng 1.398 cơ sở chăm sóc da, cơ sở thẩm mỹ, spa,... đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM.
Mặc dù số lượng cơ sở thẩm mỹ nhiều, nhưng trên địa bàn TP.HCM chỉ có một vài trường đại học Y có chuyên ngành đào tạo về tạo hình, thẩm mỹ như: Đại học Y dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch,... Do đó, vấn đề đặt ra là những người làm trong ngành này có phải là bác sĩ, hay bác sĩ có chuyên môn về tạo hình thẩm mỹ hay không?
|
Quảng cáo về tiêm filler của một spa trên địa bàn TP.HCM
|
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia trong lĩnh vực y tế có chuyên môn về tạo hình thẩm mỹ cho hay: "Hiện tại, các cơ sở thẩm mỹ rất nhiều. Nhưng không phải ai hành nghề thẩm mỹ cũng là bác sĩ hay bác sĩ có chuyên môn về tạo hình thẩm mỹ".
Theo chuyên gia này, số lượng bác sĩ hành nghề thẩm mỹ được đào tạo từ chuyên khoa tạo hình thẩm mỹ rất ít. Phần lớn bác sĩ đang làm thẩm mỹ là từ các chuyên khoa khác, có thể là chấn thương chỉnh hình, hay ngoại tổng quát, hoặc có thể họ học những lớp bồi dưỡng, lớp nâng cao rồi đi giải phẫu thẩm mỹ.
Thậm chí, có những người hành nghề tại các cơ sở thẩm mỹ, thực hiện các hoạt động xâm lấn lên cơ thể người nhưng chỉ qua đào tạo tại các lớp y tá.
|
Sở Y tế Đồng Nai khẳng định bác sĩ Đinh Viết Hưng dùng chứng chỉ hành nghề giả - Ảnh: H.L
|
Chuyên gia này chia sẻ: "Trên thực tế, có những nơi đào tạo nghề thẩm mỹ sơ bộ từ 9 tháng đến 1 năm. Thậm chí, có trường hợp tập huấn tại nước ngoài 2-3 ngày cũng được cấp giấy chứng nhận tham gia khóa huấn luyện và họ dùng chứng chỉ đó để hành nghề thẩm mỹ. Nhưng cần phải hiểu rằng những giấy chứng nhận này không phải bằng cấp, không chứng tỏ người hành nghề thẩm mỹ có trình độ chuyên môn.
Trường hợp của bác sĩ Đinh Viết Hưng - người đã phẫu thuật nâng ngực cho bệnh nhân bị tử vong, chỉ có chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và cần đây không phải là chứng chỉ hành nghề tạo hình thẩm mỹ".
Thêm nhiều biến chứng thẩm mỹ nghiêm trọng
Mới đây, Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ của BV Đại học Y Dược TPHCM cho hay đã từng tiếp nhận nhiều ca biến chứng do tiêm filler (chất làm đầy).
Điển hình là trường hợp của bệnh nhân V.T.H.T. (35 tuổi, ở quận 10, TPHCM) đến BV trong tình trạng mũi bị sưng, viêm đỏ. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng và tắc mạch máu, hoại tử da mũi và mắt phải bị xuất huyết kết mạc, giảm thị lực. Bệnh nhân cho biết đã được thực hiện tiêm filler nâng mũi tại một spa gần nhà. Sau 4 ngày, vùng tiêm bị sưng đỏ, mắt phải bị mờ.
Dù đã cố gắng điều trị, các bác sĩ đánh giá di chứng để lại có thể là các vết sẹo trên da, giảm thị lực, thậm chí mù mắt phải.
|
Bệnh nhân gặp biến chứng hoại tử da mũi, mắt bị mờ - Ảnh: BVCC |
Một trường hợp khác là anh V.V.N. (27 tuổi, ở Long An) vào Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (BV Đại học Y Dược TPHCM) trong tình trạng mờ mắt do tiêm filler tại một spa gần nhà. Bác sĩ đã thực hiện các xét nghiệm cần thiết và kết luận anh N. bị tổn thương mô hậu nhãn cầu phải, phù gai thị.
Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân được xuất viện nhưng có nguy cơ cao bị sẹo trên da và mất thị lực mắt phải.
Theo PGS.TS. BS. Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng Khoa Tạo hình - Thẩm mỹ (BV Đại học Y dược TP. HCM), số lượng người bị biến chứng do tiêm filler có xu hướng tăng nhanh.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo người dân cần đến khám, tư vấn và chỉ định bởi các chuyên viên y tế chuyên khoa Tạo hình – Thẩm mỹ có chứng chỉ hành nghề tại các cơ sở hoạt động hợp pháp, đảm bảo đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất.
|
PGS TS BS. Nguyễn Anh Tuấn khám cho người bệnh
|
"Với trường hợp của các bệnh nhân bị biến chứng do tiêm filler tại các spa, chúng ta cần xem xét nhân viên spa có phải bác sĩ, người có chuyên môn y tế, để đánh giá hết tác hại của filler nếu tiêm không đúng liều lượng và chất lượng kém hay không.
Nhìn chung, với thực trạng ngành thẩm mỹ hiện nay,cần phải làm rõ bác sĩ ở chuyên khoa nào và họ có bằng cấp như thế nào mới được làm trong lĩnh vực thẩm mỹ, giải phẫu thẩm mỹ để siết chặt quản lý" - Chuyên gia nhận định.