SUV bùng nổ, Hyundai “thắt lưng buộc bụng” để bảo toàn lợi nhuận

Đứng trước nguy cơ năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận sụt giảm, Hyundai đang phải theo đuổi một loạt chính sách tiết kiệm chi phí, bao gồm cắt giảm các chuyến bay hạng thương gia và chương trình du lịch hàng năm dành cho nhân viên.
Hyundai “thắt lưng buộc bụng” để bảo toàn lợi nhuận
Hyundai “thắt lưng buộc bụng” để bảo toàn lợi nhuận

Trong thời gian qua, hãng xe Hàn Quốc bị ảnh hưởng đáng kể khi nền kinh tế tại những thị trường mới nổi suy yếu, trong khi ở danh mục sản phẩm, số lượng xe sedan vượt trội hơn xe thể thao đa dụng. Đây rõ ràng là một điểm bất lợi khi xu hướng trong ngành công nghiệp đang dần nghiêng về xe SUV. Ở hai thị trường ôtô lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, phân khúc SUV đều bùng nổ và chiếm ưu thế so với sedan.

Trả lời Reuters, một nguồn tin nội bộ của Hyundai cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng để khắc phục sự chênh lệch giữa xu hướng thị trường và danh mục sản phẩm của mình nhưng đó là kế hoạch dài hạn. Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đang tìm mọi cách để tiết kiệm chi phí”.

Tháng 10/2016 là lần đầu tiên trong 7 năm trở lại đây, các giám đốc điều hành của hãng bị cắt giảm 10% lương. Bên cạnh đó, công ty cũng đặt phòng khách sạn rẻ tiền hơn cho quan chức đi công tác, đồng thời khuyến khích các buổi họp qua video thay vì thực hiện những chuyến đi xa.

Ko Tae-bong, một nhà phân tích tại Hi Investment & Securities, nhận định: “Cắt giảm chi phí chỉ là giải pháp mang tính tạm thời và sẽ không tác động nhiều đến lợi nhuận của Hyundai”. Ông cho rằng hãng cần tập trung hơn vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển xe tự lái cũng như những công nghệ mới.

Hyundai từng tăng trưởng nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nhờ các dòng xe sedan như Elantra và Sonata. Hyundai cũng là hãng xe duy nhất tăng trưởng về doanh thu tại Mỹ vào năm  2009.

Tuy nhiên, nhà sản xuất đã phải “vật lộn” để duy trì hoạt động giữa bối cảnh lượng tiêu thụ ở phân khúc SUV ngày càng bùng nổ. Cổ phiếu Hyundai giảm tới 40% trong 3 năm. Nhà phân tích Ko ước tính lượng tiêu thụ gộp của Hyundai và Kia có thể sẽ giảm xuống 8 triệu xe trong năm 2016. Đây sẽ lần sụt giảm đầu tiên kể từ khi Hyundai mua lại Kia vào năm 1998.

Phó chủ tịch Hyundai-Kia Park Hong-jae vẫn kỳ vọng trong thời gian tới, lượng tiêu thụ sẽ tăng trưởng trở lại: “Năm nay là một năm khó khăn nhưng mọi thứ sẽ tươi sáng hơn”. Ông đưa ra lý do là sự phục hồi ở các thị trường như Nga và Brazil. Trong khi đó, một nguồn tin khác cho biết tập đoàn đã hạ mục tiêu cho năm 2017 từ 8,35 triệu xe xuống 8,2 triệu xe bán ra.

Song song với việc quản lý ngân sách và cắt giảm chi phí, Hyundai cũng đẩy mạnh các dòng SUV, làm mới Sonata và chuyển hướng xuất khẩu từ thị trường chậm như Trung Đông sang Mỹ. Theo thống kê từ Autodata Corp, SUV chiếm 28% lượng tiêu thụ của Hyundai trong khoảng thời gian từ tháng 1-tháng 11/2016, tăng 23% so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình của ngành công nghiệp.

Theo Tạp chí Ôtô XeMáy Việt Nam