"Trung Quốc đã xây dựng mạng 5G lớn nhất thế giới, với 718.000 trạm gốc mới", Liu Liehong, Thứ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Trung Quốc nói trong sự kiện công nghệ thông tin cuối năm 2020. Từ năm 2019, Trung Quốc đã xây dựng khoảng 126.000 trạm 5G gốc, đặt mục tiêu phủ sóng 5G toàn bộ thành phố cấp tỉnh.
"Trong năm 2020, số lượng trạm gốc 5G đã tăng gấp năm lần so với năm ngoái", đại diện Bộ Công nghệ và Công nghệ Thông tin nói. Ông này cũng khẳng định Trung Quốc đã đạt được mục tiêu phủ sóng 5G ở các tỉnh, thành phố. Số thiết bị đầu cuối, kết nối 5G ở nước này đã đạt hơn 200 triệu. Trong năm 2020, các hãng di động nội địa đã xuất xưởng 144 triệu smartphone 5G. Ứng dụng 5G cũng đạt được nhiều thành tựu từ y tế, năng lượng đến ngành địa chất.
|
Trung Quốc xây trạm 5G cao nhất thế giới. |
Theo Han Xia, Cục trưởng Cục Quản lý Thông tin và Truyền thông thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, sự xuất hiện đột ngột của Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch xây dựng trạm 5G trong quý I. Tuy nhiên, bất chấp những khó khăn, "trong thời gian xảy ra dịch bệnh, hơn 63.000 trạm 5G đã được xây dựng mới, đảm bảo mục tiêu đề ra".
Trong quý II, khi dịch bệnh bắt đầu được kiểm soát, số trạm 5G mới được xây dựng đã lên đến 690.000 trạm. Mục tiêu phủ sóng 5G cấp tỉnh cơ bản hoàn thành trước kế hoạch. Việc thương mại hoá 5G của ba nhà mạng lớn là China Telecom, China Unicom và China Mobile đều vượt mục tiêu đều ra.
Sách trắng về "Phát triển 5G và tác động Kinh tế, Xã hội năm 2020" viết: Trung Quốc đã xây dựng mạng 5G thương mại lớn nhất thế giới, độc lập trong việc thương mại trên quy mô lớn, hiệu suất mạng được cải thiện đáng kể. Việc xây dựng mạng tiên tiến vừa cung cấp nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các ứng dụng 5G và tiềm năng tác động đến kinh tế, xã hội của 5G đã bắt đầu xuất hiện.
"Thứ nhất, 5G thúc đẩy ngành CNTT bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới. Thứ hai là hội nhập sâu rộng với hàng nghìn ngành công nghiệp, mở ra không gian rộng lớn cho đổi mới và phát triển kinh tế xã hội. Thứ ba là thúc đẩy điều chỉnh và nâng cấp cơ cấu việc làm của Trung Quốc, tạo ra nhiều việc làm mới. 5G cũng thúc đẩy thị trường lao động từ công việc có chuyên môn thấp sang công việc có chuyên môn cao", Wei Liurong của Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế thuộc Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc nhận định.
Mặc dù xây dựng được mạng lưới rộng khắp, 5G ở Trung Quốc vẫn phải đối mặt nhiều thách thức. Đầu tiên là 5G chưa phủ sóng toàn quốc mà mới có mặt ở cấp tỉnh, thành phố. Thứ hai các ứng dụng công nghiệp hỗ trợ 5G còn ít. Tiếp đến là hệ sinh thái xuyên ngành vẫn chưa được xây dựng.
Ngoài ra khi xây dựng hệ thống trạm 5G lớn, các nhà mạng cũng phải đối mặt với chi phí vận hành, bảo trì, tiền điện lớn. Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc ước tính trong cùng một vùng phủ sóng, số lượng trạm gốc dải trung 5G sẽ gấp khoảng 1,5 lần so với 4G. Do chi phí thiết bị 5G ban đầu cao, quy mô đầu tư mạng 5G sẽ gấp 2 đến 3 lần 4G.
"5G ở Trung Quốc có hai đặc điểm: phát triển sớm, không chậm chân với thế giới như 3G và 4G; việc mở rộng hệ sinh thái 5G, quy mô xuyên ngành đòi hỏi nhiều thời gian và khám phá. Sau tất cả, việc thương mại hoá 5G vẫn còn khá sơ khai cần kiên nhẫn phát triển hơn nữa", Wei Liurong nhấn mạnh.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đều chung nhận định, năm 2021, ngành công nghiệp 5G sẽ bước sang thời kỳ mới. Điều đáng quan tâm nhất là số lượng trạm phát 5G. Trong năm nay, các nhà mạng có thể bổ sung thêm 800.000 đến 1 triệu trạm gốc được xây mới. Khi tốc độ thương mại hoá của 5G tăng cao, chi phí xây dựng trạm gốc cũng sẽ giảm, đây là tiền đề quan trọng để phủ sóng 5G trên diện rộng.
Wei Liurong cho biết trong hai năm tới, các ứng dụng, như phát sóng trực tiếp và giám sát dựa trên video độ nét cao hay nhận dạng thông minh sẽ là những ứng dụng đầu tiên được hưởng lợi. Đồng thời, công nghệ mạng 5G sẽ nổi bật hơn trong các lĩnh vực xe thông minh với độ trễ thấp, định vị chính xác cao. Ngành công nghiệp 5G cũng mở ra nhiều sản phẩm mới và định hình nên các doanh nghiệp Internet tương lai.
Từ góc nhìn rộng hơn, cơ sở hạ tầng mới của 5G sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều lĩnh vực quan trọng khác, như thông tin di động thế hệ thứ 5, Internet công nghiệp, dữ liệu lớn, IoT, AI...
Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc dự đoán rằng đến năm 2025, Trung Quốc sẽ chiếm 30% kết nối của thế giới. Khi đó, người dùng 5G của Trung Quốc sẽ đạt 816 triệu người, chiếm khoảng 48% người dùng di động toàn cầu. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ có thị trường 5G lớn nhất thế giới.
Theo VnExpress