Subaru thiết lập những quy tắc an toàn toàn cầu cho UAV như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Hãng sản xuất ô tô Nhật Bản đã đánh bại kế hoạch của Hàn Quốc để giành được chứng nhận ISO.

Subaru dự đoán rằng các tiêu chuẩn an toàn bay cho UAV cũng có thể áp dụng cho các phương tiện di chuyển trên không khác (Ảnh: Nikkei)
Subaru dự đoán rằng các tiêu chuẩn an toàn bay cho UAV cũng có thể áp dụng cho các phương tiện di chuyển trên không khác (Ảnh: Nikkei)

Subaru đã bắt đầu đầu tư toàn diện vào máy bay không người lái (UAV) vào năm 2017 khi kết hợp cùng Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng Mới của Nhật Bản (NEDO) trong một dự án thí điểm. Nhiệm vụ của họ là tập trung vào phát triển công nghệ tránh va chạm, để đối phó với các sự cố giữa UAV và máy bay có người lái.

Một loạt các thử nghiệm thực địa được thực hiện với UAV được trang bị cảm biến, có tốc độ tương đối 100 km/giờ nhằm tìm ra những biện pháp tránh va chạm.

Quá trình thử nghiệm cho thấy, một khi máy bay có người lái được phát hiện, hệ thống UAV sẽ nhanh chóng tính toán lộ trình để tránh va chạm. Sau nhiều lần thử nghiệm, công nghệ này đã được xác định là khả thi vào năm 2019.

Tuy nhiên, ở thời điểm đó, chưa có bất kỳ giao thức quốc tế nào về ngăn chặn va chạm với UAV. Nếu không có các tiêu chuẩn như vậy, UAV vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tai nạn do thiếu sự phối hợp giữa các hệ thống cảnh báo va chạm.

Nhìn chung, máy bay không người lái cần các quy tắc an toàn để áp dụng rộng rãi, giống như ô tô cần quy định giao thông. Vậy nên, Akihiro Yamane, tổng giám đốc bộ phận phát triển kỹ thuật hàng không vũ trụ của Subaru, đã tìm cách lấp đầy khoảng trống đó và tạo ra các quy tắc mới.

Được biết, để các quy tắc như vậy được chấp nhận trên toàn cầu, chúng cần phải trải qua quy trình phê duyệt nhiều bước của ISO kéo dài từ 3-4 năm để hoàn thành. Subaru đã hợp tác với Japan Radio và NEDO để trình đề xuất này tại hội nghị quốc tế của ISO được tổ chức tại London vào tháng 6/2019.

Quy trình tránh va chạm của Subaru có tổng cộng 6 giai đoạn. Chúng bao gồm: liên tục kiểm tra các chướng ngại vật tiềm ẩn; phát hiện máy bay; thực hiện các thao tác né tránh; kiểm tra xem có máy bay nào khác đang tiếp cận hay không; quay trở lại tuyến đường ban đầu và cuối cùng là tiếp tục dọc theo tuyến đường đó.

Các quy tắc của Subaru đã được trình bày lên một nhóm quốc tế, nơi có rất nhiều ý tưởng đầy cạnh tranh mà các tổ chức khác đưa ra. Có thể kể đến một đại diện từ Hàn Quốc cũng đã đưa ra các quy tắc dự thảo của riêng mình với nhiều quy trình chi tiết hơn để tránh va chạm.

Phía Nhật Bản tin rằng họ sẽ thắng thế khi nhận thấy rằng việc thêm các bước chi tiết hơn vào các quy tắc sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với công nghệ. Nhóm do Subaru lãnh đạo đã tranh luận trường hợp của họ với các thành viên của nhóm quốc tế, và cuối cùng nhóm này đã chấp nhận đề xuất của Nhật Bản.

Thử thách tiếp theo cho Subaru là phải giành được các phiếu bầu từ một hội đồng quốc tế cho các quy tắc của mình. Các chuyên gia đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và một số nơi khác, sẽ đưa ra quyết định quan trọng đó.

Để hoàn thành mục tiêu này, đội ngũ của Subaru đã mời Chủ tịch của hội đồng ISO đến chứng kiến cuộc thử nghiệm UAV của họ. Điều này đã giúp các quy tắc của Subaru tạo ấn tượng trong hội nghị quốc tế năm 2019, và giành lợi thế trong cuộc bầu chọn chính thức của ISO vào năm 2022.

Cuối cùng, các quy tắc của Subaru đã nhận được chứng nhận ISO, và được ghi nhận làm quy chuẩn quốc tế vào tháng 10 năm ngoái.

Với các quy tắc an toàn được áp dụng, UAV đã tiến gần hơn đến ứng dụng chính thống. Subaru sẽ hướng đến việc tìm cách nắm bắt nhu cầu và bán công nghệ tránh va chạm của mình trên toàn thế giới.