Dự thảo sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về Phát hành trái phiếu doanh nghiệp hiện đã qua vài vòng lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan.
Tuy nhiên, tinh thần cải cách trong dự thảo này đã không được tiếp nối, thậm chí còn có nguy cơ gây nhiều khó khăn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Từ góc độ của nhà đầu tư trái phiếu, ngoài việc cân nhắc rủi ro của khoản đầu tư, thì tính thanh khoản của trái phiếu là một trong những yếu tố chính được xem xét trong quá trình ra quyết định đầu tư.
Tuy nhiên, Dự thảo Nghị định sửa đổi này quy định trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ chỉ được giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Như vậy, trường hợp trái phiếu đã do 99 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) sở hữu, nếu cần chuyển nhượng, nhà đầu tư sẽ phải tìm được đối tượng nhận chuyển nhượng toàn bộ khối lượng trái phiếu đang sở hữu mà không thể chuyển nhượng một phần.
Quy định này, do đó, gây bất lợi các nhà đầu tư, gây khó khăn cho họ khi muốn thoái vốn khỏi khoản đầu tư này trước ngày đáo hạn. Từ đó làm giảm tính thanh khoản của trái phiếu trên thị trường thứ cấp, và giảm tính hấp dẫn của kênh đầu tư trái phiếu.
Về phía tổ chức phát hành, quy định trên có thể khiến doanh nghiệp khó huy động đủ số vốn cần thiết. Lý do vì 99 nhà đầu tư không đăng ký mua đủ số lượng trái phiếu phát hành. Lượng trái phiếu còn lại chưa được đăng ký mua, tổ chức phát hành cũng không thể tiếp tục chào bán cho nhà đầu tư có nhu cầu do số lượng nhà đầu tư đã đạt mức giới hạn mà nghị định đặt ra.
Chưa kể, tinh thần của quy định này chưa phù hợp với việc trái phiếu được tự do chuyển nhượng, sang tên (thông qua các hình thức mua bán, xử lý tài sản cầm cố, thừa kế, cho, tặng..). Luật Chứng khoán, Bộ luật Dân sự không cấm giao dịch và quyền giao dịch là quyền của người sở hữu tài sản.
Một điểm khác cũng cần đề cập tới ở đây là quy định báo cáo tài chính của đơn vị phát hành phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng theo quy định của Luật Kiểm toán độc lập.
Hiện tại mới chỉ có 32 doanh nghiệp được Bộ Tài chính chấp thuận đủ điều kiện để kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị có lợi ích công chúng. Trong khi có khoảng 1.400 doanh nghiệp niêm yết và 1.000 công ty đại chúng.
Như vậy, với quy định này, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ khó tìm được công ty kiểm toán và khó đảm bảo yêu cầu về chất lượng, thời gian của đợt phát hành, và phải chịu chi phí cao so với khả năng chịu đựng.
Chưa kể, Dự thảo đã quy định nhà đầu tư mua trái phiếu tự đánh giá mức độ rủi ro và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Vì vậy, trái phiếu phát hành riêng lẻ mà buộc phải kiểm toán là không phù hợp.
Nếu cơ quan quản lý nhà nước vẫn muốn kiểm toán báo cáo tài chính của đơn vị phát hành thì chỉ cần sử dụng báo cáo kiểm toán của một công ty kiểm toán được cấp phép hoạt động tại Việt Nam là đủ. Bởi bản thân công ty kiểm toán cũng như kiểm toán viên đã phải tuân thủ những quy định của Luật kiểm toán độc lập rồi.
Ngoài ra, yêu cầu về công bố thông tin trước, trong và sau đợt phát hành quá nhiều và quá chi tiết, không khác gì một đợt chào bán trái phiếu ra công chúng, không phù hợp với một đợt phát hành riêng lẻ.
Như vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc hết sức kỹ lưỡng những “rào cản” không đáng có, đi ngược với tinh thần “kiến tạo và hỗ trợ”, trong Dự thảo nghị định này, nếu không hệ lụy dẫn tới sẽ là tiếp tục gây mất cân đối giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ, đẩy lãi suất lên cao và từ đó gây áp lực lạm phát - trái ngược với chủ trương và quan điểm điều hành kinh tế hiện nay của Chính phủ.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ: “vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, chưa cải cách thực chất”. Do đó, thời gian tới Chính phủ tiếp tục các giải pháp cắt giảm điều kiện kinh doanh doanh, cắt giảm chi phí, cải cách hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và tạo niềm tin thu hút mạnh hơn nữa đầu tư của lĩnh vực tư nhân, các tập đoàn lớn, tập đoàn xuyên quốc gia. |