|
Sửa Nghị định 65: Cho phép trả nợ trái phiếu bằng cổ phần, bất động sản |
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế (Nghị định 65).
Theo đó, trong trường hợp không thể thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tiền, doanh nghiệp có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán bằng tài sản khác như sản phẩm bất động sản hoặc cổ phần doanh nghiệp.
Việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu bằng tài sản khác phải được trái chủ chấp thuận; doanh nghiệp phải công bố thông tin và chịu trách nhiệm về tình trạng pháp lý của các tài sản này.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất quy định cho phép các trái phiếu đã phát hành trước đây còn dư nợ được đàm phán để thay đổi kỳ hạn với thời gian tối đa là 2 năm.
Trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu mà có nhà đầu tư không chấp thuận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này.
Bộ Tài chính cũng đề xuất việc ngưng hiệu lực thi hành đối với một số quy định tại Nghị định 65 đến hết ngày 31/12/2023, bao gồm quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định về xếp hạng tín nhiệm bắt buộc và giảm thời gian phân phối trái phiếu.
Theo Bộ Tài chính, việc giãn thời gian thực hiện quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thêm 1 năm sẽ giúp doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân, giải quyết các khó khăn trước mắt về thanh khoản và thanh toán trái phiếu đến hạn.
Trong khi đó, kể từ ngày 1/1/2024, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm. Đối với trái phiếu chào bán ra công chúng, doanh nghiệp vẫn phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023, theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Đối với quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu, kể từ ngày 1/1/2024, doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 65, giảm thời gian phân phối từng đợt xuống còn 30 ngày./.