Sửa Luật Giao dịch điện tử: Không được từ chối hay yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung bản giấy

VietTimes – Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần được nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử từ người dân và doanh nghiệp gửi, không từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy.
Việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005 là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trước Quốc hội trong phiên làm việc sáng nay (25/10), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, ông Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ số đã và đang phát triển mạnh mẽ, ứng dụng rộng rãi ở Việt Nam.

Dự thảo Luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, toàn diện, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về cơ bản, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có liên quan. Tuy nhiên, vẫn có một số quy định chưa hoàn toàn bám sát các yêu cầu của cam kết hoặc còn thiếu các quy định so với yêu cầu của cam kết. Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật cũng chưa thể hiện toàn diện các nguyên tắc và thể hiện chính xác khái niệm thông điệp dữ liệu như Luật mẫu về thương mại điện tử 1996. Do đó, ông đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm tính tương thích với điều ước quốc tế,...

Ông Lê Quang Huy cũng dẫn một số ý kiến cho rằng nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh vì cho rằng sẽ tạo thêm áp lực đối với nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ thông tin. Thực tế, hiện vẫn có nhiều nước chưa áp dụng việc thực hiện giao dịch điện tử trong một số lĩnh vực được cho là nhạy cảm như như đất đai, thừa kế.

Cùng với đó, việc cấp trực tiếp một số giấy tờ như đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn,… qua mạng có thể không thể hiện được ý chí của các bên liên quan khi tham gia giao dịch. Một số giấy tờ sử dụng trong giao dịch điện tử mang thông tin liên quan "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình" có nguy cơ lộ, lọt, bị chiếm đoạt, vi phạm Hiến pháp.

Các ĐBQH nghe trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Báo cáo thẩm tra.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nguyên tắc buộc các cơ quan phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử, không từ chối hoặc yêu cầu bổ sung bản giấy hoặc nghiên cứu bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử.

Loại bỏ một số yếu tố cản trở chuyển đổi số

Trước đó, trong phần trình bày Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc sửa đổi luật lần này nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước; khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng việc sửa luật sẽ giải quyết việc thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành, đảm bảo việc thực thi Luật sau khi được ban hành phù hợp với thực tế.

Theo Bộ trưởng Hùng, việc sửa đổi luật còn nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Cụ thể, sẽ khắc phục việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong Luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này. Đồng thời, việc sửa luật sẽ giải quyết việc thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội nên cần có hành lang pháp lý cụ thể.

Về bố cục và nội dung chính, Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có 8 chương và 57 điều. Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 9 chính sách đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung mở rộng phạm vi điều chỉnh; chính sách về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; chính sách về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, chính sách về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; sửa đổi, bổ sung quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; sửa đổi quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước và về dữ liệu và dữ liệu số; sửa đổi quy định về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.