Được tiếp thêm sinh khí nhờ cơ chế đặc thù và sự vào cuộc sát sao, rốt ráo của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, dự án đường dây 500kV mạch 3 kéo điện từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) vừa khánh thành sau chưa đầy 7 tháng thi công. Còn cao tốc Bắc - Nam đang vào đợt cao điểm 500 ngày đêm để hướng đến mục tiêu thông được toàn tuyến cao dài 3.000 km vào dịp 30/4 năm sau.
Từ những kỳ tích chưa từng có đó, TS. Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng chính sách đặc đóng vai trò hết sức quan trọng thể tháo gỡ các điểm nghẽn. Để cải cách thể chế, mỗi người dân, cán bộ, cơ quan, bộ ngành cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc góp ý, đề xuất sửa đổi luật, thay vì vẫn tư duy làm luật là trách nhiệm của Quốc hội.
Kỳ tích vì không bị bó cứng trong quy định có sẵn
- Theo lý giải của bà, những kỳ tích này có được là nhờ đâu?
- Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Hai dự án đường điện 500kV kéo điện ra bắc và Dự án đường cao tốc Bắc - Nam, chúng ta thấy tiến độ thi công khá nhanh. Có được thành tựu này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thứ nhất, bên cạnh sự quyết tâm rất lớn của Chính phủ, còn có sự đồng hành rất sát sao của Quốc hội. Quốc hội đã rất kịp thời tổ chức những kỳ họp bất thường để xem xét, điều chỉnh, cho ý kiến những nội dung chưa quy định trong luật, như việc giao cho UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư dự án cao tốc đi qua địa phương mình.
Thực tế, nếu cứ để các bộ quản lý tự triển khai thì chắc chắn tiến độ thực hiện sẽ rất chậm, khó có thể hoàn thành đúng tiến độ. Khi Chính phủ xác định tuyến đường cao tốc sẽ là một trong những yếu tố để bứt phá trong phát triển kinh tế xã hội, Quốc hội đã kịp thời cho ý kiến để tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế để Chính phủ triển khai. Đó là sự đồng hành sát sao của Quốc hội.
Còn đối với Chính phủ, có sự quyết tâm rất lớn từ người đứng đầu là Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ, ngành và đến các địa phương. Ngay đến từng cá nhân tham gia thi công công trình đều nung nấu sự quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ngày làm không đủ, tranh thủ làm đêm”, có những công trình làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ Tết để kịp tiến độ.
Chính bởi vậy, chúng ta đã hoàn thành vượt mức tiến độ đã đề ra.
- Từ việc triển khai 2 đại dự án này, theo bà, chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm gì?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng cần 2 điều kiện tiên quyết là sự đồng thuận lớn và sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Có được 2 yếu tố này thì chúng ta sẽ huy động được sức người rất lớn, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà ban đầu tưởng chừng như rất khó khăn, vấp phải nhiều ý kiến nghi ngại về việc triển khai trong một thời gian gấp quá như vậy hay lại phải gia hạn tiến độ. Tuy nhiên, kết quả vừa qua đã cho thấy tiềm năng và khả năng rất lớn của con người Việt Nam.
Nếu có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tôi tin chắc rằng những công trình lớn, những sự kiện lớn đều thành công rực rỡ.
- Bà đánh giá thế nào về việc một số dự án được hưởng cơ chế đặc thù để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ. Ngay như ở công trình cao tốc Bắc - Nam, Quốc hội cho triển khai theo cơ chế đặc thù như chỉ định thầu, nhà thầu được chủ đầu tư, chính quyền địa phương lo nguồn vật liệu, thay vì phải đi mua gom qua chủ mỏ?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Chúng ta không bị bó cứng trong những quy định sẵn có. Với những việc trong thẩm quyền, Quốc hội rất kịp thời xem xét, điều chỉnh, thậm chí Quốc hội triệu tập họp bất thường.
Tôi nghĩ rằng việc này thể hiện sự kịp thời và rất linh hoạt của Quốc hội để đồng hành cùng với Chính phủ.
- Cũng liên quan đến cơ chế đặc thù, tại diễn đàn Quốc hội thời gian gần đây, ngoài Hà Nội và TP.HCM, đang có một số địa phương như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Nghệ An xin cơ chế đặc thù. Có ý kiến cho rằng một số khung khổ pháp luật đang có xu hướng “trói” hơn là “cởi”, dẫn tới phải xin cơ chế riêng để vận hành. Bà có đồng ý với quan điểm này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi đồng ý một phần. Việc một số địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy những cơ chế chung của chúng ta chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương đó; và với những đặc trưng riêng của địa phương đó thì những cơ chế chung có thể chưa thực sự phù hợp. Tất nhiên, nói như thế không có nghĩa là những quy định pháp luật không phù hợp với các địa phương.
Một số các địa phương được Quốc hội xem xét cơ chế đặc thù do họ có những đặc trưng riêng, đặc điểm riêng và nếu được áp dụng cơ chế đặc thù thì họ phát triển hơn so với việc áp dụng các cơ chế chung. Chính vì thế, cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho địa phương phát triển tối đa tiềm năng của mình và việc phát triển tối đa tiềm năng của mỗi địa phương ấy đóng góp vào sự phát triển chung của cả đất nước.
Chúng ta không nên nhìn cơ chế đặc thù dưới góc độ là sự ưu đãi cho riêng địa phương để địa phương được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Cơ chế đặc thù phải được nhìn nhận một cách chính xác là việc tạo điều kiện về mặt hành lang pháp lý để địa phương phát triển tối đa tiềm năng, lợi thế riêng có, để đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của cả đất nước nữa.
Nhìn khách quan, cơ chế đặc thù cần phù hợp với từng địa phương, không phải địa phương nào cũng có thể áp dụng. Tới đây, chúng ta phải rà soát, tổng kết, đánh giá về việc triển khai, áp dụng cơ chế đặc thù, tiếp tục rà soát thể chế, sửa đổi, bổ sung cho kịp thời để tháo gỡ những điểm nghẽn, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp phát triển.
Việc đánh giá có cần cơ chế đặc thù hay không cần phải được xem xét kỹ đặc điểm riêng của địa phương, của dự án; chứ không phải địa phương nào thích là xin cơ chế đặc thù.
Vì sao thường xuyên cải cách thể chế nhưng vẫn có vướng mắc?
- Mới đây, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhắc lại vấn đề về việc luật Việt Nam dày hàng trăm trang, chồng chéo, trong khi luật ở Nhật Bản và nhiều nước thì chỉ vài trang. Quốc hội Việt Nam mỗi năm họp 2 lần, mỗi lần 1 tháng trong khi Trung Quốc một năm họp Quốc hội 2 kỳ, mỗi kỳ họp khoảng 3-7 ngày. Bà có bình luận gì về sự khác biệt này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Việt Nam có những đặc trưng rất riêng so với các nước, như nền lập pháp của chúng ta còn khá trẻ so với bề dày lịch sử lập pháp của rất nhiều nước trên thế giới và trong khu vực. Trải qua quá trình phát triển, Quốc hội ngày càng khẳng định được vai trò và hoạt động ngày một chuyên nghiệp hơn.
Thực tế, Quốc hội đang từng bước đổi mới và trong giai đoạn hiện nay, tôi rất nhất trí là Quốc hội phải đổi mới theo hướng hiện đại hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn. Thứ nhất, trong công tác lập pháp, chúng ta cũng nên hướng tới việc các bộ luật và luật cần phải gọn gàng hơn; giao thẩm quyền cho Chính phủ nhiều hơn để tạo sự chủ động cho Chính phủ.
Cùng với đó, bộ máy Chính phủ cũng cần hết sức năng động và hoạt động hiệu quả. Về việc xây dựng pháp luật, không cần phải có những bộ luật dài đến vài trăm trang. Thay vào đó, chúng ta quy định những điều khoản, xây dựng nguyên tắc, còn những nội dung cụ thể hơn thì dành cho Chính phủ thực hiện, thay vì quy định chi tiết cả về trình tự, thủ tục ngay trong luật như hiện nay.
Thứ hai là việc cải tiến các kỳ họp Quốc hội theo hướng triển khai công tác lập pháp gọn nhẹ hơn. Mặc dù so với các khóa trước, đến khóa XV này, tôi thấy Quốc hội đã có sự cải tiến rõ rệt cả về thời gian họp lẫn hình thức họp, kết hợp họp trực tiếp và trực tuyến.
- Đã nhiều lần vấn đề cải cách thể chế, đổi mới việc làm luật được đặt ra. Tuy nhiên, như bà nói, hiện việc cải cách thể chế còn ngổn ngang, thậm chí nhiều người chưa nhìn nhận đúng về vai trò của mình trong đó. Theo bà, chúng ta phải đổi mới từ đâu, cụ thể như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Cải cách là thay đổi phương pháp, hành động để đạt mục tiêu tốt hơn. Cải cách thể chế hiểu nôm na là sự đổi mới trong công tác lập pháp.
Thực ra, trước nay, Quốc hội vẫn liên tục thực hiện cải cách thể chế để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Hằng năm, Quốc hội đều thông qua nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để điều chỉnh những quy định không còn phù hợp với điều kiện thực tế, hoặc các vấn đề phát sinh, gây nhiều vướng mắc, cản trở trong quá trình thực hiện
Tuy nhiên, tại sao chúng ta làm công tác cải cách thể chế thường xuyên nhưng vẫn có vướng mắc?
Nguyên nhân thứ nhất, bất kỳ nền lập pháp nào cũng vậy, không thể kỳ vọng rằng về bộ luật bao trùm được tất cả mọi tình huống trong cuộc sống, bởi vì luật là những quy tắc chung nhất. Những quy tắc chung đó bao trùm lên cuộc sống, nhưng vẫn có thể không bao chứa được toàn bộ các tình huống cụ thể nảy sinh trong cuộc sống.
Nguyên nhân thứ hai, luật có tính lịch sử, nghĩa là khi luật phù hợp với thực tiễn khi vừa ban hành, nhưng qua thời gian thực hiện với sự phát triển như vũ bão hiện nay của khoa học, kỹ thuật, của đời sống, sẽ có những vấn đề nảy sinh mà khi xây dựng luật chúng ta chưa nghĩ đến được.
Đó là 2 nguyên nhân khách quan. Đặc biệt, còn nguyên nhân chủ quan không thể chối cãi được: Chất lượng xây dựng luật. Việc này có vai trò của các cơ quan tham mưu cho Chính phủ, các cơ quan thẩm tra, đến các đại biểu Quốc hội ở việc xây dựng và thông qua luật trong tình huống chưa thực sự được xem xét kỹ.
Cùng với việc lấy ý kiến của cán bộ, mà đặc biệt cán bộ cơ sở, việc lấy ý kiến nhân dân là một trong những khâu quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật. Để xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, một trong những yêu cầu đặt ra là cần bảo đảm thực thi và tiếp tục hoàn thiện cơ chế lấy ý kiến nhân dân hiệu quả, thực chất.
- Bà vừa nhắc tới vai trò của nhân dân trong quá trình xây dựng pháp luật. Theo bà, cần giải pháp gì để nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi là đại biểu chuyên trách ở địa phương, đi giám sát, khảo sát rất nhiều, tôi nhận ra thực tế như thế này: Nhiều khi địa phương thấy rất vướng, không thực hiện được nhưng không phản biện, không đề xuất.
Mỗi người dân, mỗi công chức, viên chức, mỗi cán bộ, mỗi một cơ quan, mỗi một địa phương,… chưa thực sự nhận thức rằng mình có vai trò, trách nhiệm trong công tác xây dựng thể chế.
Đa phần chúng ta nghĩ việc xây dựng luật không phải việc của mình, mà là việc của Quốc hội. Nhưng thực ra, Quốc hội muốn xây dựng được luật phải bắt đầu từ sự góp ý của mỗi người dân, mỗi cán bộ, mỗi cơ quan, bộ ngành.
Ví dụ, khi có vướng mắc trong quá trình thực hiện luật, thấy rằng có vướng mắc trong việc áp dụng luật thì cần đề xuất sửa đổi. Các địa phương, các ngành và hơn ai hết là những người thực thi trực tiếp hàng ngày họ cần phải có ý kiến góp ý, phản biện với các đại biểu Quốc hội, với các đoàn đại biểu Quốc hội, hoặc phản biện theo ngành dọc, với bộ chủ quản để tổng hợp lên với Quốc hội, đề nghị phải sửa đổi, điều chỉnh.
- Phải chăng việc “im lặng” của các cán bộ, các cơ quan, các địa phương là vấn đề mang tính hệ thống, thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Thực tế hiện nay, đa phần các địa phương, các cơ quan chủ quản chủ yếu tập trung vào việc liệt kê thành tích, rằng họ đã triển khai rồi luật và đang rất tốt. Mọi người đều không thấy trách nhiệm phản biện của mình trong việc xây dựng thể chế.
Các văn bản xin ý kiến góp ý về dự thảo luật gửi từ về cơ quan sở, ông giám đốc sở nhận được sẽ giao cho ông Phó giám đốc phụ trách mảng đó; Ông phó giám đốc phụ trách được nhận được giao lại cho phòng chuyên môn liên quan; Ông trưởng phòng chuyên môn nhận được giao cho ông phó phòng phụ trách; Ông phó phòng phụ trách giao lại cho một chuyên viên xử lý văn bản báo cáo. Cuối cùng, tất cả cùng kí vào một bản báo cáo gửi lên. Đó là lý do vì sao chất lượng xây dựng luật không cao được.
Còn tại các hội nghị, hội thảo về xây dựng luật, nhiều người sợ rằng nêu lên những vướng mắc thì lại ảnh hưởng đến thành tích của cơ quan, sẽ bị đánh giá yếu kém khi các cơ quan làm tốt mà mình lại không thực hiện được.
Nêu ra thực tế này, tôi rất muốn chúng ta thay đổi về nhận thức về công tác xây dựng pháp luật. Đương nhiên, Quốc hội và các đại biểu Quốc hội chịu trách nhiệm cao nhất, nhưng nó không phải việc của riêng Quốc hội, mà cần phải tổng hợp từ thực tế cơ sở. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế từ cấp cơ sở trở lên.
- Xin cảm ơn bà!