Sự thờ ơ của ông lớn Him Lam
Theo tìm hiểu của VietTimes, NPH tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước, được cổ phần hóa kể từ năm 1999. Sau nhiều năm, cơ sở vật chất phòng nghỉ của công ty hiện đã xuống cấp và không thể đáp ứng được yêu cầu của khách, đặc biệt là du khách nước ngoài từ Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Vì thế, dự án Khách sạn Bưu Điện Nha Trang có quy mô 24 tầng (cộng với 2 tầng kỹ thuật và áp mái, 2 tầng hầm) với 298 phòng, tiêu chuẩn 4 sao, được coi là một trong những nỗ lực nhằm vực dậy hoạt động kinh doanh của công ty.
Mặc dù các thủ tục pháp lý đã đến bước cuối cùng để xin cấp phép xây dựng, dự án này hiện đang phải tạm dừng theo yêu cầu của UBND tỉnh Khánh Hòa tại văn bản số 405/TB-UBND ngày 9/8/2016 để phối hợp chờ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) - cổ đông nắm giữ 30% vốn điều lệ của NPH - lựa chọn xong đối tác và hoàn tất thủ tục pháp lý để cùng xây dựng.
Trong một tài liệu gửi cổ đông năm 2017, NPH cho biết phía VNPT chỉ mới thông báo kết quả về việc lựa chọn đối tác đầu tư và cung thông tin, tài liệu tham khảo dự án cho CTCP Him Lam. Song, nhà đầu tư này chưa liên hệ làm việc với công ty.
Việc nhà phát triển bất động sản có tiếng và giàu tiềm lực như CTCP Him Lam chưa muốn tham gia vào dự án Khách sạn Bưu điện Nha Trang phần nào cũng có liên quan tới vị thế của VNPT tại NPH.
Cuối năm 2018, thực hiện theo phương án tái cơ cấu lại tập đoàn đã được Thủ tướng phê duyệt, VNPT đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại NPH. Thương vụ được thực hiện theo phương thức đấu giá thông qua CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội.
Theo đó, VNPT đã chào bán toàn bộ 600.000 cổ phần NPH đang nắm giữ, tương ứng với 30% vốn điều lệ. Với mức giá khởi lên tới 77.450 đồng/cổ phần, NPH được định giá ở mức 154,9 tỷ đồng. Vì không có nhà đầu tư đăng ký mua nên phiên đấu giá đã không thể diễn ra.
Sự chi phối của nhóm Trafuco
Danh sách cổ đông lớn của NPH chốt ngày 11/4/2019 cho thấy, số cổ phần chi phối tại doanh nghiệp này đã thuộc về một nhóm nhà đầu tư cá nhân có mối liên hệ chặt chẽ, bao gồm: ông Đặng Quốc Chính, ông Đặng Trọng Ngôn và bà Lê Thị Chiến Thắng với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 40,74%; 10,43% và 6,38% vốn điều lệ.
Được biết, bà Lê Thị Chiến Thắng là vợ của ông Đặng Trọng Ngôn - người em ruột của ông Đặng Quốc Chính.
Cơ cấu cổ đông của CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang chốt ngày 11/4/2019
|
Ông Đặng Quốc Chính (sinh năm 1954) hiện đang là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Cơ Điện Trần Phú (viết tắt: Trafuco). Bên cạnh đó, ông Chính cũng là một trong những cổ đông lớn của doanh nghiệp này với việc nắm giữ 16,45 triệu cổ phần, tương đương với tỷ lệ sở hữu 10,49%.
Tương tự trường hợp của NPH, cổ đông Nhà nước tại Trafuco là UBND Tp. Hà Nội cũng chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu thứ yếu, với 38,88% vốn điều lệ tính đến ngày 30/6/2019. Số cổ phần chi phối thuộc về các cổ đông tư nhân, trong đó nổi bật là pháp nhân CTCP Du lịch Lâm Đồng (viết tắt: Dalat Tourist) với tỷ lệ sở hữu là 24,96%.
Cơ cấu cổ đông của Trafuco tính đến ngày 30/6/2019
|
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Dalat Tourist được thành lập từ năm 2000, với cơ cấu cổ đông có nhiều biến động.
Tính đến tháng 10/2017, quy mô vốn điều lệ của Dalat Tourist đạt 396 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của: CTCP Dây Điện và Phích cắm Trần Phú, ông Phùng Quý Ngọc (đại diện phần vốn Nhà nước), Công ty TNHH Quản lý Quỹ Bảo Việt (đại diện cho Quỹ đầu tư giá trị Bảo Việt - BVIF) và nhóm cổ đông khác.
Dù hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nét tương đồng với NPH, song theo dữ liệu của VietTimes, Dalat Tourist từng nắm giữ lượng lớn cổ phần của Tổng công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (viết tắt: Gelex - Mã CK: GEX).
Mặt khác, ông Võ Anh Linh - Thành viên HĐQT Gelex - cũng đang đảm nhiệm vị trí Ủy viên HĐQT của Trafuco.
Quay trở lại với NPH, ngày 25/10 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo hủy đăng ký đại chúng với công ty này kể từ ngày 2/10/2019. Như vậy, những thông tin về dự án Khách sạn Bưu điện Nha Trang gần như sẽ chỉ là câu chuyện riêng của nhóm cổ đông cá nhân đang chiếm cổ phần chi phối tại đây./.