Sự tăng giá của đồng yen vẫn chưa dừng lại

Có vẻ như các nhà đầu tư tin rằng Chính phủ Nhật Bản đã đi đến bước đường cùng của chính sách nới lỏng tiền tệ.
Diễn biến lãi suất của NHTƯ Nhật từ 1972 đến nay.
Diễn biến lãi suất của NHTƯ Nhật từ 1972 đến nay.

Bất chấp việc Ngân hàng trung ương (NHTƯ) Nhật Bản giảm lãi suất cơ bản của đồng yen Nhật (JPY) từ 0,1% về còn 0% từ ngày 1-2-2016 và áp dụng mức lãi suất âm 0,1% đối với các khoản tiền gửi của các định chế tài chính tại NHTƯ từ ngày 16-2-2016, thì đồng yen vẫn tiếp tục tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn. Có vẻ như các nhà đầu tư tin rằng Chính phủ Nhật Bản đã đi đến bước đường cùng của chính sách nới lỏng tiền tệ.

Tài sản an toàn và khoản đầu tư tiềm năng

Thật vậy, với mức lãi suất danh nghĩa đang ở mức -0,1% áp dụng cho các khoản tiền gửi ký thác, thì NHTƯ Nhật sẽ khó có thể giảm tiếp được nữa. Trong lịch sử từ năm 1972 trở lại đây, Nhật Bản cũng chưa bao giờ hạ lãi suất về thấp hơn mức -0,1%, hay nói cách khác mức này đang được xem là đáy của cả giai đoạn từ năm 1972 đến nay.

Đó là một trong những lý do khiến đồng yen đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng trong quí 1-2016, đồng yen đã tăng 6% so với đồng đô la Mỹ, còn nếu tính đến ngày 18-4-2016 thì đồng yen đã tăng giá đến 10,2% so với hồi đầu năm. Là một nhà kinh doanh tiền tệ, với kỳ vọng lãi suất của một đồng tiền sẽ không thể giảm được nữa mà chỉ có cơ hội đi lên, thì việc đánh cược vào đồng tiền đó là một lựa chọn khả thi.

Sự tăng giá của đồng yen vẫn chưa dừng lại ảnh 1
Diễn biến đồng yen so với đô la Mỹ: tăng rất mạnh trong nửa đầu tháng 2 và nửa đầu tháng 4. (Nguồn: NETDANIA.COM)

Ngoài ra, đồng yen Nhật từ trước đến nay vẫn được xem là một tài sản trú ẩn an toàn cùng với đồng franc của Thụy Sỹ (CHF) và vàng, do đó với những rủi ro của nền kinh tế thế giới gần đây cộng thêm những bất ổn địa chính trị gia tăng trên toàn cầu, giới đầu tư đang chọn đồng yen như là một tài sản đầu tư vừa an toàn vừa có tiềm năng tăng giá trong năm nay. Nếu nhìn lại vào cuối năm 2015, hàng loạt tổ chức cũng đã dự báo đồng yen sẽ tỏa sáng và tăng giá mạnh mẽ hơn cả đồng đô la Mỹ trong năm 2016.

Đồng yen Nhật trong thời gian tới

Từ trước đến nay, đồng yen Nhật được giới đầu tư xem là đồng tiền để kinh doanh chênh lệch lãi suất (carry trade) mạnh nhất, mà theo một ước tính gần đây thì khối lượng carry trade của Nhật lên gần 6.000 tỉ đô la Mỹ.

Với mức lãi suất cực thấp được duy trì từ năm 1999 đến nay, giới đầu tư luôn ưa thích vay mượn đồng yen Nhật để đầu tư vào các thị trường có suất sinh lời cao hơn. Bên cạnh đó, Nhật Bản là một nền kinh tế thiên về xuất khẩu và đầu tư, do đó khi những rủi ro kinh tế hay bất ổn tăng lên sẽ khiến dòng vốn đầu tư của Nhật Bản rút chạy về nước.

Nhật Bản là một nền kinh tế thiên về xuất khẩu và đầu tư, do đó khi những rủi ro kinh tế hay bất ổn tăng lên sẽ khiến dòng vốn đầu tư của Nhật Bản rút chạy về nước.

Một ví dụ gần đây nhất là trước giai đoạn khủng hoảng, giới đầu tư vay đồng yen đầu tư mạnh vào nước Úc, và khi khủng hoảng xảy ra vào năm 2007, dòng tiền này đã tháo chạy ra khỏi nước Úc và đẩy đồng đô la Úc (AUD) giảm gần 50% so với đồng yen, về mức trước cả Thế chiến thứ II, khi mà 1 AUD ăn 55 yen. Như vậy có thể thấy diễn biến của đồng yen cũng sẽ chịu tác động lớn từ hoạt động carry trade, trong khi hoạt động này rất nhạy cảm với chính sách tiền tệ của NHTƯ Nhật và những rủi ro kinh tế toàn cầu mà đang ngày càng tăng lên từ sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Trận động đất tại Nhật Bản vào ngày 16-4 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nước này cả người và của. Điều này cũng có thể sẽ làm tăng nhu cầu đồng yen, do các doanh nghiệp của nước này ở nước ngoài sẽ đổ tiền về Nhật để giúp các nỗ lực tái thiết đất nước sau thảm họa, điều đã diễn ra tương tự trong thảm họa sóng thần vào tháng 3-2011.

Với dự báo đồng yen tăng mạnh trong năm 2016, các doanh nghiệp trong nước nên cân nhắc việc vay đồng tiền này, hoặc cần bảo hiểm rủi ro tỷ giá khi muốn vay thông qua các hợp đồng mua kỳ hạn. Thực tế trong năm 2015 cũng đã có trường hợp Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng từ chối vay vốn ODA trong bối cảnh đồng yen Nhật đang bị mất giá rất lớn, với lo ngại khi đồng tiền này tăng giá mạnh trở lại sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí tài chính của doanh nghiệp, điều đã thực tế xảy ra trong thời gian qua.

Theo TBKTSG