Sứ mệnh ngăn chặn chiến tranh thương mại của ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm châu Âu

VietTimes – Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến châu Âu hôm 5/5 với sứ mệnh giảm bớt căng thẳng đang leo thang có nguy cơ gây ra cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và EU.
Chuyến đi 6 ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình bao gồm các điểm dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary (Ảnh: Reuters)

Trong chuyến đi đầu tiên tới khu vực kể từ năm 2019, ông Tập Cận Bình sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn ở Pháp về vấn đề thương mại và Ukraine trước khi được chào đón nồng nhiệt hơn ở Serbia và Hungary, nơi các khoản đầu tư tăng vọt của Trung Quốc cho thấy lợi ích của mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh và sự chia rẽ của EU liên quan tới chính sách.

“Trung Quốc quyết tâm không để mối quan hệ của mình với châu Âu trượt sâu hơn giống như quan hệ với Mỹ”, Yu Jie, nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu Chatham House của Anh, cho biết. “Trung Quốc sẽ vừa muốn thu hút châu Âu, đồng thời cũng sẽ đưa ra những cảnh báo cứng rắn đối với EU về chủ nghĩa bảo hộ thương mại”.

Các quan chức Trung Quốc cho biết ưu tiên hàng đầu của ông Tập trong chuyến thăm 6 ngày sẽ là hạn chế thiệt hại. Ông Tập dự định chống lại một loạt cuộc điều tra thương mại của EU nhằm vào các công ty của Trung Quốc, bao gồm cả cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện dự kiến ​​sẽ kết thúc sau vài tuần nữa.

Các quan chức EU đã nói với Financial Times rằng mức thuế sơ bộ đối với xe điện có thể được áp dụng vào tháng 5, trong khi thuế quan vĩnh viễn vốn cần sự ủng hộ của đa số các quốc gia thành viên có thể được áp dụng vào tháng 11. Các nhà nghiên cứu tại Rhodium Group cho biết thuế áp dụng với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào EU có thể dao động từ 15-30%.

“Trung Quốc không thể để thị trường châu Âu khép lại đối với các công ty của họ”, Abigaël Vasselier đến từ Merics, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Berlin, cho biết. “Câu hỏi chính là, Chủ tịch Tập có thể thành công thay đổi quỹ đạo hiện tại trong quan hệ châu Âu-Trung Quốc hay không”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tới Paris để gặp ông Tập hôm 6/5.

Bà von der Leyen có quan điểm ủng hộ “giảm rủi ro” trong mối quan hệ thương mại giữa châu Âu với Trung Quốc. Bà cho rằng thâm hụt thương mại song phương khổng lồ của EU – 291 tỉ euro vào năm 2023 – một phần là do Bắc Kinh giới hạn các công ty châu Âu tiếp cận thị trường khổng lồ của Trung Quốc. Trong những năm gần đây, EU đã bị Đông Nam Á chiếm vị trí đối tác thương mại khu vực lớn nhất của Trung Quốc.

Các quan chức và nhà phân tích Trung Quốc cho biết ông Tập Cận Bình dự định sẽ đưa ra quan điểm cứng rắn. Họ thêm rằng, đằng sau thái độ thân thiện với công chúng và những lời hứa hẹn đầu tư của Trung Quốc, ông sẽ cảnh báo các nhà lãnh đạo châu Âu rằng việc thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ gây ra phản ứng không khoan nhượng.

“Trung Quốc có thể áp đặt các hạn chế đối với việc xuất khẩu các nguyên liệu cần thiết trong sản xuất vi mạch cũng như đối với hàng xuất khẩu của Pháp sang Trung Quốc và một số mặt hàng khác”, một nhà phân tích Trung Quốc giấu tên nói với Financial Times.

Bắc Kinh cũng đã phát tín hiệu rằng họ sẵn sàng áp dụng các mức thuế trả đũa của riêng mình. Ông Macron dự kiến ​​sẽ cùng ông Tập giải quyết vấn đề về nhà sản xuất rượu cognac của Pháp, sau khi Trung Quốc tiến hành cuộc điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu của Pháp vào tháng 1.

Rượu mạnh của Pháp là loại rượu được nhập khẩu nhiều nhất vào Trung Quốc và thuế quan sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các thương hiệu nổi tiếng như Rémy Cointreau, Pernod Ricard và Hennessy thuộc sở hữu của LVMH.

Hiệp hội ngành công nghiệp rượu cognac của Pháp, BNIC, cho biết chuyến thăm của ông Tập là “cơ hội duy nhất để đạt được thỏa thuận” nhằm giải quyết cuộc điều tra “phi lý” của Trung Quốc đe dọa đến lĩnh vực đang sử dụng trực tiếp và gián tiếp khoảng 70.000 lao động.

Cam kết đầu tư ở Hungary

Các quan chức Trung Quốc cho biết, trong khi các cuộc đàm phán ở Paris dự kiến ​​sẽ gặp nhiều thách thức, các chuyến thăm của ông Tập tới Serbia và Hungary sẽ mang lại tinh thần tích cực hơn nhiều. Trung Quốc coi Hungary là một người bạn thực sự trung thành ở EU và đã tung ra nhiều lời hứa đầu tư cho đất nước này.

Theo ước tính chính thức của Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tích lũy của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hungary có thể đạt 30 tỉ euro vào cuối năm nay – điều này cho thấy Trung Quốc có thể rót thêm hàng tỉ euro đầu tư cho nước này.

Các quan chức Trung Quốc cho biết, một dự án đang được thảo luận là khoản đầu tư tiềm năng của công ty Great Wall Motor của Trung Quốc để xây dựng một nhà máy xe điện.

“Hungary chiếm tỷ trọng lớn trong FDI của Trung Quốc vào khu vực, chỉ trong hai đến ba năm qua đã thu hút được nhiều hơn so với những thập kỷ trước”, Daniel Hegedüs tại Quỹ Marshall Đức ở Berlin cho biết.

Tuy nhiên, chuyến thăm Hungary của ông Tập chắc chắn sẽ khiến nhiều nhà lãnh đạo ở Tây Âu phản đối.

Ngay cả khi EU ngày càng coi Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống”, Hungary vẫn trở thành người bảo vệ chính cho lợi ích của Bắc Kinh. Từ năm 2016 đến năm 2022, nước này đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn các quyết định của Hội đồng Châu Âu lên án các hành động của Trung Quốc.

Ngoài ra, chuyến thăm của ông Tập tới Serbia hôm thứ Ba, nhân kỷ niệm 25 năm vụ NATO vô tình đánh bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999, cũng có thể khiến dư luận ở Tây Âu xa lánh, các nhà ngoại giao cho biết.

Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ vào năm 2020, phái đoàn Trung Quốc tại EU đã viện dẫn vụ đánh bom năm 1999 để giải thích cho sự thông cảm của Trung Quốc đối với lập luận của Nga rằng liên minh quân sự phương Tây phải chịu trách nhiệm cho cuộc xung đột.

“Người dân Trung Quốc hoàn toàn có thể đồng cảm với nỗi đau của các quốc gia khác bởi chúng tôi sẽ không bao giờ quên kẻ đã đánh bom đại sứ quán của chúng tôi ở Cộng hòa Liên bang Nam Tư”, Người phát ngôn của phái đoàn cho biết.

Vấn đề Ukraine

Trên thực tế, vấn đề về Ukraine sẽ ảnh hưởng lớn đến chuyến công du châu Âu của Chủ tịch Trung Quốc.

Các học giả Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh coi Mỹ đang lợi dụng chiến tranh để mở rộng quyền bá chủ đối với châu Âu, đồng thời gây áp lực lên Trung Quốc vì cáo buộc nước này có vai trò hỗ trợ Nga.

Họ cho biết các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng ông Macron muốn châu Âu thực hiện quyền tự chủ chiến lược nhiều hơn thay vì dựa vào Mỹ, một nguyện vọng mà Bắc Kinh cũng chia sẻ. Tuy nhiên, do tình bạn của ông Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bất cứ điều gì ông nói về Ukraine sẽ bị phần lớn châu Âu nhìn nhận với sự ngờ vực.

Tuy nhiên, ông Macron dự định ​​sẽ cố gắng thuyết phục nhà lãnh đạo Trung Quốc sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để thay đổi cục diện cuộc chiến, mặc dù những nỗ lực tương tự của ông trong chuyến thăm Trung Quốc năm ngoái đã không mang lại kết quả.

Theo Financial Times