Đầu tháng 11, vài tuần trước khi mùa mua sắm cao điểm sắp bắt đầu, Apple đã đưa ra một cảnh báo bất thường: "khách hàng sẽ phải đợi lâu hơn để có được các mẫu iPhone 14 Pro mới". Cảnh báo này được đưa ra bởi một trong những cơ sở lắp ráp chính của hãng tại thành phố Trịnh Châu của Trung Quốc - đang “hoạt động với công suất giảm đáng kể” do các biện pháp hạn chế Covid.
Trong nhiều năm, Apple đã dựa vào mạng lưới sản xuất rộng lớn ở Trung Quốc để sản xuất hàng loạt iPhone, iPad và các sản phẩm phổ biến khác được sử dụng trên khắp thế giới. Nhưng niềm tin của Apple vào quốc gia này đã bị lung lay trong năm nay bởi chiến dịch “Zero-Covid” và các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc.
Giờ đây, công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới được cho là đang tìm cách đẩy nhanh kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới – nhưng việc giảm sự phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc có thể mất nhiều năm, nếu điều đó thực sự xảy ra. Trong một lưu ý của nhà đầu tư vào đầu tuần này, một nhà phân tích tại Wedbush Securities ước tính Apple sẽ phải mất ít nhất đến năm 2025 hoặc 2026 để chuyển phần lớn hoạt động sản xuất iPhone của mình sang các thị trường như Ấn Độ và Việt Nam.
Gad Allon, giáo sư tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, còn đưa ra đánh giá cẩn trọng hơn khi cho rằng "tỷ trọng sản xuất sẽ không thay đổi quá vài % trước năm 2025".
Ước tính của công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint cho thấy nhà máy của Apple tại Trịnh Châu sản xuất 85% các dòng iPhone Pro trước khi trải qua đợt giảm sản lượng trong vài tuần qua.
"Apple không thể thành công như ngày nay nếu thiếu nền tảng sản xuất ở Trung Quốc. Ngay cả khi họ phát tín hiệu muốn chuyển dịch dây chuyền khỏi Trung Quốc, điều đó cũng không thể dẫn đến sự tách rời giữa hai bên. Sẽ luôn có sản phẩm Apple được chế tạo tại Trung Quốc trong thời gian dài sắp tới. Về mặt nào đó, Apple có thể được coi là một công ty Trung Quốc mặc dù tất nhiên nó có trụ sở tại Hoa Kỳ", Eli Friedman, giáo sư tại Đại học Cornell ở Mỹ, chia sẻ.
Apple đã không trả lời yêu cầu bình luận của CNN.
Ông nói, có một loạt các yếu tố quan trọng liên quan đến việc lắp ráp và sản xuất iPhone, chẳng hạn như “không thể sao chép ở các quốc gia khác”. Điều này bao gồm sự sẵn có của vật liệu và linh kiện từ các nhà cung cấp gần đó, cơ sở hạ tầng với công nghệ cao luôn phải sẵn sàng ở quy mô lớn, tiếp cận được nguồn lao động kỹ sư đông đảo cũng như chi phí lao động thấp và diện tích để xây các nhà máy khổng lồ có thể chứa hàng trăm nghìn công nhân.
Friedman nói thêm: “Các quốc gia khác có thể có phần này hay phần khác, nhưng họ không có tất cả".
Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, người đã giúp xây dựng chuỗi cung ứng toàn cầu của công ty, đã thừa nhận thế mạnh sản xuất độc đáo của Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn năm 2015. Anh ấy nói: “Họ có thể lấy toàn bộ thiết bị chế tạo công cụ và khuôn đúc ở Mỹ rồi đặt trong một căn phòng. Còn ở Trung Quốc, điều đó sẽ cần diện tích tương đương nhiều sân bóng đá".
Steve Jobs, cố CEO của Apple, đã nêu vấn đề lao động trong cuộc gặp với Tổng thống Obama vào tháng 10 năm 2010. Ông gọi hệ thống giáo dục mờ nhạt của Mỹ là một trở ngại đối với Apple, công ty cần 30.000 kỹ sư công nghiệp để hỗ trợ công nhân tại nhà máy vào thời điểm đó.
Jobs nói thêm: “Chúng ta không thể tìm thấy nhiều kỹ sư như vậy ở Mỹ để tuyển dụng. Nếu Hoa Kỳ có thể đào tạo những kỹ sư này, chúng ta có thể chuyển nhiều nhà máy sản xuất hơn đến đây”.
Apple từng ấp ủ kế hoạch chuyển nhà máy đến Ấn Độ. Quốc gia này có lực lượng lao động lớn và nhiều kỹ sư trình độ cao (không giống như Hoa Kỳ, nơi từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng thiếu kỹ sư), nhưng quá trình biến Ấn Độ thành trung tâm chế tạo sản xuất lại đối mặt với rào cản quan liêu.
Đối với Việt Nam, một "ứng cử viên" khác của Apple lại bị nhiều chuyên gia cho rằng quỹ đất để xây dựng nhà máy còn khá eo hẹp. Theo Friedman, Việt Nam cũng có dân số thấp hơn đáng kể (98 triệu người) so với cả Trung Quốc (1,4 tỉ người) và Ấn Độ (gần 1,4 tỉ người, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới).
Theo Allon của Wharton, một yếu tố quan trọng khác giải thích tại sao Apple “phải miễn cưỡng bắt tay hợp tác với Trung Quốc là bởi quốc gia này cũng là một trong những thị trường hàng đầu của Apple”. Apple đã báo cáo doanh thu 74 tỉ USD tại thị trường Trung Quốc tương đương gần 20% doanh thu toàn cầu của hãng trong năm.
“Nếu bạn nhìn vào các công ty [công nghệ] khác của Mỹ, Google không ở Trung Quốc, Meta không ở Trung Quốc, Amazon không ở Trung Quốc,” Allon nói, đồng thời lưu ý rằng Apple thực sự là công ty duy nhất khai thác thành công thị trường béo bở này. “Hiện tại, họ phải rất cẩn trọng để không phá vỡ quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn nhạy cảm như hiện nay”.
Trong tương lai, Apple nhiều khả năng sẽ bớt lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc nhưng khó có thể bỏ lại cả quốc gia này phía sau.
Theo CNN