Nguy kịch vì sử dụng cần sa
Các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa – Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương vừa tiếp nhận và điều trị cho 1 thiếu niên 15 tuổi, sống ở Tuyên Quang, nhập viện trong tình trạng lơ mơ, nói nhảm, nhịp tim nhanh, ý thức xấu dần sau đó bị co giật và hôn mê.
Trước đó, bệnh nhân được đưa vào BV tỉnh với các dấu hiện loạn thần, co giật, tím tái, được các bác sĩ đặt ống nội khí quản và chuyển đến BV Nhi Trung ương để theo dõi và tiếp tục điều trị.
TS.BS. Chu Thanh Sơn – Khoa Hồi sức tích cực Nội khoa, BV Nhi Trung ương - cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, qua khai thác tiền sử và bệnh sử, kết hợp thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân sử dụng chất gây nghiện. Các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết đã được thực hiện để tìm căn nguyên gây bệnh. Kết quả cho thấy bệnh nhi dương tính với các chất ma túy có trong cần sa.
Gia đình thiếu niên cho biết: Cách đây 3 năm, bệnh nhân có sử dụng chất gây nghiện do bị nhóm bạn lôi kéo và đã được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Từ đó đến nay, do có sự giám sát từ cha mẹ nên trẻ không còn giao du với nhóm bạn nữa. Tuy nhiên, 1 tháng trước khi nhập viện, trẻ ở nhà một mình trong khoảng 20 ngày do gia đình có việc cần giải quyết, có khả năng trẻ lại bị bạn bè lôi kéo mà gia đình không hề hay biết.
Cần sa là một chất kích thích, chất gây nghiện, thường được sử dụng bằng cách cuốn vào tờ giấy trắng hoặc nhồi trong điếu thuốc lá, điếu thuốc lào để hút. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet) |
Theo TS.BS. Chu Thanh Sơn, cần sa là một chất kích thích, chất gây nghiện, thường được sử dụng bằng cách cuốn vào tờ giấy trắng hoặc nhồi trong điếu thuốc lá, điếu thuốc lào để hút.
Trong cần sa có chứa một số cannabinoid, với thành phần chính là chất delta-9tetrahydrocannabinol (THC). THC sẽ gắn với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 ở não có thể gây ra các tác dụng kích thích, an thần hoặc ảo giác phụ thuộc vào liều và thời gian sau khi sử dụng. Ngoài ra, THC có thể đồng thời gây các tác dụng giải phóng catecholamine (gây nhịp tim nhanh) và ức chế phản xạ giao cảm (bệnh nhân tụt huyết áp tư thế).
Khi sử dụng cần sa, người dùng thường có triệu chứng như nhịp tim nhanh, vã mồ hôi, xung huyết kết mạc, chảy nước mắt, nói nhiều, hoang tưởng, kích động mạnh thậm chí có những hành vi và hành động tiêu cực tự gây hại cho mình và người khác. Sử dụng cần sa trong thời gian dài thường liên quan đến các bệnh lý tâm thần, viêm phế quản mạn, tăng nguy cơ ung thư, rối loạn nhịp tim và bệnh lý mạch vành. Khi ngộ độc nặng có thể gây ra tình trạng khó thở, suy hô hấp, co giật, shock đe dọa tính mạng.
Làm thế nào để giúp trẻ vị thành niên tránh xa chất gây nghiện?
Từ trường hợp của thiếu niên trên, TS.BS. Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe Vị thành niên, BV Nhi Trung ương khẳng định: Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa con cái sa vào con đường nghiện hút. Điều này càng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ đang trải qua những thời điểm khó khăn như: quá trình thay đổi tâm sinh lý và hình thành nhân cách tuổi dậy thì, chuyển cấp học, chuyển trường hay gia đình có nhiều mâu thuẫn, cha mẹ ly hôn...
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa kỳ, rượu, cần sa và thuốc lá là những chất được vị thành niên sử dụng phổ biến nhất. Có tới 50% học sinh lớp 9 đến 12 đã từng sử dụng cần sa. Việc trẻ ở nhóm tuổi này có nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện, chất ma túy có nhiều nguyên nhân như: Tò mò, muốn thử trải nghiệm tìm cảm giác lạ, muốn tự khẳng định bản thân và có xu hướng mạo hiểm.
Một lý do khác khiến trẻ vị thành niên tìm đến các chất gây nghiện chính là muốn thoát khỏi các áp lực rất đa dạng trong cuộc sống như các stress trong gia đình (bố mẹ mâu thuẫn, ly thân..,), áp lực trong nhà trường (thi cử, học tập…) và stress trong các mối quan hệ bạn bè, tình yêu. Trong đó, trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bạn bè. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý và quan tâm đến bạn bè của con để giúp con tránh chịu ảnh hưởng xấu, bị lôi kéo sử dụng chất ma túy.
Cha mẹ cần gần gũi, làm bạn với con, giúp con có sự cân bằng hợp lý giữa học tập, nghỉ ngơi thư giãn và thể thao là cách các bậc phụ huynh nên làm để giúp con có lối sống lành mạnh, phòng ngừa nguy cơ sử dụng chất ma túy.
Khi thấy con có một số dấu hiệu gợi ý đã sử dụng chất ma túy như: rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, thức suốt đêm hoặc ngủ quá nhiều), sao nhãng các thú vui hoặc sở thích bình thường trẻ vẫn thích, rối loạn hành vi, dễ cáu giận, nhu cầu cần nhiều tiền và kết quả học tập sút kém,… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất (hoặc BV Nhi Trung ương) để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, hiện nay, ngoài cần sa, “cỏ Mỹ” có chứa XLR-11 là hợp chất tổng hợp, có cơ chế tác dụng tương tự cần sa nhưng mạnh và nguy hiểm hơn cần sa nhiều lần. Các chất kích thích ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của con người. Vì thế, người dân tuyệt đối không nên sử dụng, dù chỉ dùng thử 1 lần.