Sự cố Huawei và bài học đau đớn cho nước Anh

VietTimes -- Vụ cáo buộc các thiết bị viễn thông của Huawei có thể bị chính phủ Trung Quốc sử dụng làm phần mềm gián điệp tưởng chừng sẽ chỉ là vấn đề nhức nhối đối với chính công ty này và chính phủ Trung Quốc, nhưng có vẻ như nó còn khiến các nước phương Tây “đau đầu” hơn. Lý do rất đơn giản, bởi vì các nước phương Tây đang ngày càng bị phụ thuộc vào các thiết bị do Trung Quốc sản xuất.
Ảnh: The Guardian
Trong những năm đầu của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, Vương quốc Anh đã tự an ủi rằng Trung Quốc chỉ có thể phát triển ngành sản xuất chi phí thấp. Ảnh: The Guardian

5G là thế hệ mạng mới nhất và nó đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Cũng như nhiều quốc gia phương Tây khác, Vương quốc Anh đang loay hoay tìm kết quả cho câu hỏi có nên tiếp tục để công ty viễn thông Trung Quốc Công ty Huawei tham gia vào việc xây dựng mạng 5G của Anh hay không, liệu rằng Huawei có phải là một mối đe dọa an ninh hay không? Vấn đề nằm ở chỗ tại sao một cường quốc tư bản chiếm ưu thế trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai với những lợi thế vượt trội về công nghệ lại cần có sự hỗ trợ từ một nền kinh tế mới nổi để xây dựng một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng quốc gia?


Đây thực sự là một dấu hiệu đáng lo ngại không chỉ cho Anh mà còn là sự báo động chung cho nhiều quốc gia tư bản phương Tây khác. Nó cho thấy lực lượng sản suất của Anh đang bị suy giảm. Trong lĩnh vực công nghệ, Huawei đang trở thành một tên tuổi lớn trong khi Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển đã quá trở nên mờ nhạt.

Trong những năm đầu tiên của quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng ở Trung Quốc, Vương quốc Anh đã an ủi rằng “chỉ có những ngành sản xuất chi phí thấp đang di cư về phía đông” (ý nói Trung Quốc). Những sản phẩm thông minh, cao cấp chỉ có những nước phát triển như Anh mới có thể làm ra được. Người Trung Quốc chỉ có thể tạo ra những thứ đồ chơi và quần áo rẻ tiền.

Sự cố Huawei đã phá tan niềm tự hào của người phương Tây. Có một sự thật phũ phàng hiện nay đó là Trung Quốc – một quốc gia mà người ta chỉ nghĩ đến hàng giả và những thứ rẻ tiền lại đang ở vị trí tiên phong khi liên tục tạo ra những bước đột phá về công nghệ. Trong khi đó, châu Âu đang bị mắc kẹt khi hài lòng với việc trở thành một nhà máy lắp ráp cho hàng tiêu dùng phương Tây. Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo và năng lượng mặt trời.

Giữa thế kỷ XX, nền công nghiệp Anh bước vào giai đoạn đỉnh cao với điện toán, động phản lực hay radar. Vương quốc Anh duy trì sự hiện diện toàn cầu trong ngành hàng không vũ trụ và dược phẩm là do dựa vào nhà nước - dưới hình thức của Bộ Quốc phòng và NHS, một hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Có rất nhiều lý do để lý giải cho sự suy giảm của ngành sản xuất ở Anh. Thứ nhất, đó là kết quả của sự tự mãn. Ngành công nghiệp của Anh, trong nhiều năm sau chiến tranh đã phụ thuộc quá nhiều vào thị trường nội địa. Trong khi Đức và Nhật Bản buộc phải hiện đại hóa chính mình do sự tàn phá gây ra bởi thất bại quân sự thì các công ty Anh đã ỷ lại vào “vòng nguyệt quế” của họ. Thứ hai, do tỷ giá hối đoái. Đồng bảng đã bị định giá quá cao, điều này tốt cho nhập khẩu nhưng không tốt cho xuất khẩu. Nó khiến cho nước Anh khó lòng cạnh tranh với các đối thủ vì giá cao.

Ảnh: The Guardian
Biểu đồ cán cân thanh toán BOP của Vương quốc Anh. Ảnh: The Guardian

Việc biến Anh trở thành một trung tâm tiền tệ toàn cầu lại đẫn đến hai hậu quả tai hại khác: Nó đã làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương hơn bởi các cuộc khủng hoảng tài chính, như đã được chứng minh sau vụ sụp đổ ngân hàng năm 2008. Ngoài ra, nó còn gây sự mất cân bằng trong xã hội Anh khi tập trung sự giàu có ở một góc của đất nước.

Trước sự phát triển như vũ bão của một nền công nghệ mới nổi ở phương Đông, có lẽ các quốc gia phương Tây nên xem xét cẩn thận lại chiến lược phát triển của chính mình nếu không muốn bị phụ thuộc và tụt hậu.

Theo The Guardian