Strela - 'Nỏ thần' gây khiếp đảm trên chiến trường Việt Nam

VietTimes -- Tuy tham chiến khá muộn ở chiến trường Việt Nam, nhưng tên lửa Strela-2 hay A-72 đã có những đóng góp lớn trong cuộc chiến tranh giải phóng, thực sự là nỗi khiếp đảm của không lực Mỹ.
Strela - 'Nỏ thần' gây khiếp đảm trên chiến trường Việt Nam
Tên lửa vác A-72 (SA – 7).
Tên lửa vác A-72 (SA – 7).

  Tổ hợp tên lửa phòng không vác vai được đánh giá như một tổ hợp vũ khí dành cho các lực lượng vũ trang của các nước nghèo. Do những tính năng kỹ chiến thuật hiệu quả cao và giá thành rẻ, rất nhanh chóng được phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, loại vũ khí này cho phép quân đội của các “nước thứ 3”, các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và các tổ chức vũ trang trên toàn thế giới.

Tổ hợp tên lửa vác vai “Strela – 2” là tổ hợp tên lửa đầu tiên được sử dụng trong các trận chiến thực tế - bắt đầu vào năm 1969 trong thời gian “cuộc chiến tranh tiêu hao” giữa Ai cập và Israel. Sau đó, tổ hợp vũ khí này được trang bị cho Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam, và các lực lượng viễn chinh Mỹ đã buộc phải “làm quen” với nó, thần chết của máy bay chiến đấu tầm thấp. Người Mỹ gọi nó là SA – 7"Grail", các chiến sĩ Việt Nam gọi là A-72.

Tên lửa vác vai thực sự là khắc tinh với trực thăng và máy bay tầm thấp.
Tên lửa vác vai thực sự là khắc tinh với trực thăng và máy bay tầm thấp.

Những thống kê và phân tích từ phía Xô viết – Liên bang Nga về sử dụng tổ hợp tên lửa phòng không vác vai Strela – 2 “A-72” ở chiến trường Đông Nam Á rất ít và không có phân tích số liệu. Chỉ có thông số, các chiến sĩ phòng không Việt Nam đã phóng 589 đạn và đạt hiệu quả 205 không rõ là bắn trúng hay bắn rơi. Những cũng có tài liệu khác, những dòng hồi ký của nhà thiết kế chính tổ hợp, công trình sư Sergei Nepobedimyi làm rõ hơn về những thành tích của “A-72”. Một phần trích dẫn của trang báo mạng http://pvo.guns.ru về một cuốn sách có tên là "Lomo. Qua lăng kính của thời gian." (St Petersburg năm 2002; liên quan đến những cảnh chiến đấu đầu tiên ở Ai Cập và Việt Nam:

“Tháng 8. 1969" Trận đánh đầu tiên. 9 tên lửa, hạ 6 máy bay! Kết quả này được thông báo cho điện Kremlin, trực tiếp Brezhnev, Grechko. Các lãnh đạo Liên bang Xô viết gọi tôi vào, ngoài những lời chúc mừng chung, các nhà lãnh đạo đã yêu cầu tăng vùng sát thương của tên lửa đồng thời tăng tốc độ bay, để có thể tiêu diệt nhiều mục tiêu có tốc độ cao hơn. Và chúng tôi trong vòng 8 tháng đã thiết kế tên lửa nâng cấp “Strela – 2M”.

Bằng các tên lửa này, quân đội Ai cập đã bắn hạ hơn 40 máy bay của Israel. Mục tiêu đã đạt được: Không quân Israel buộc phải bay cao hơn và trở thành mục tiêu cho các phương tiện phòng không tầm gần và tầm trung. Sau đó là Việt Nam – các chiến sĩ Quân giải phóng Miền Nam đã học rất nhanh cách sử dụng tên lửa Strela -2 (sẽ được gọi là A-72 trong bài viết) – họ đã bắn rơi 205 máy bay Mỹ…”.

Tháng 9.2011, chủ nhiệm thiết kế ông Nepobedimyi trong một cuộc phỏng vấn của báo "Rossiyskaya Gazeta" đã phát biểu : "Tổ hợp tên lửa vác Strela – 2 trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam đã bắn rơi 205 máy bay và trực thăng Mỹ”. Chỉ còn lại một điều không hiểu, 205 máy bay có nghĩa là bao nhiêu máy bay và bao nhiêu trực thăng Mỹ?

Strela - 'Nỏ thần' gây khiếp đảm trên chiến trường Việt Nam ảnh 3
Theo thống kê, đã có hơn 200 máy bay các loại bị tên lửa Strela bắn hạ trên chiến trường Việt Nam.

Từ phía Mỹ và lực lượng quân đội Sài Gòn, những thông tin về thống kê số liệu các phương tiện bay bị bắn rơi bởi A- 72 cũng không có. Mặc dù vậy, cũng có những nguồn thông tin (thứ nhất là cuốn sách kinh điển của Chris Hobson và trang web "Army Air Crews") cho phép thống kê được khá đầy đủ danh sách những phương tiện bay của Mỹ đã bị bắn hạ ở chiến trường Việt Nam.

Trước hết cần phải xác định, khi nào và trong trường hợp nào đã có cuộc chiến giữa không lực Mỹ và tên lửa A-72. Trong một số tài liệu bằng tiếng Nga đã khẳng định, người Mỹ lần đầu tiên phát hiện QĐND Việt Nam sử dụng tên lửa A-72 trong chiến dịch ở Lào tháng 2 – 3.1971 (Operation Lam Sơn 719). Nhưng các thông tin của Mỹ không xác định sự kiện này. Ngược lại, người Mỹ đều khẳng định, cuộc đối mặt đầu tiên với vũ khí mới đã diễn ra trong chiến dịch " Easter Offensive " Xuân Hè năm 1972.

Rất thú vị là tên lửa A-72 lần đầu tiên được xác định là phóng không thành công vào mục tiêu máy bay F-4 Phantom vào ngày 29.04, ở phía Bắc của thành phố Quảng Trị (vùng chiến thuật 1). Sau khi mất 4 máy bay trong vòng ngày 1 – 2.05 người Mỹ đã vội vàng tiến hành những giải pháp để chống lại các tên lửa vác A-72, bao gồm lắp đặt các mồi bẫy nhiệt hồng ngoại và thay đổi cấu trúc thiết kế của các phương tiện bay, nhằm giảm thiểu luồng nhiệt hồng ngoại phát ra từ các máy bay và trực thăng chiến đấu.

Những tổn thất dồn dập do A-72 mang lại kéo dài từ tháng 5 đến hết tháng 6, sau giai đoạn đó tổn thất về các phương tiện bay bắt đầu giảm xuống và mang tính chất không thường xuyên cho đến ngày Ký kết Hiệp định Pari vào tháng 1.1973, khi Mỹ quyết định chính thức rút ra khỏi cuộc chiến tranh. Thực tế kết quả tác chiến của A-72 giai đoạn này không thể được tính là cao do tính chất chiến thuật của nó, nhưng sự xuất hiện của A-72 đã gây một áp lực tâm lý nặng nề cho phi công Mỹ, vì chắc chắn rằng không thể sống sót nếu tên lửa đánh trúng trực thăng.

1.5 – ở Quảng Trị 1 máy bay O-2 bị rơi, phi công nhảy dù. 1 máy bay A-1 cũng bị bắn cháy, phi công cố lái ra được biển và nhảy dù.

2.5 – hai máy bay cường kích A-1 bị bắn cháy ở Quảng Trị, phi công nhảy dù. 1 máy bay trực thăng UH-1 bị bắn rơi, 5 quân nhân Mỹ tử vong.

11.5 – ở khu vực An Lộc, 1 máy bay trực thăng tấn công AH-1 bị bắn rơi, kíp lái tử vong. Hai máy bay trinh sát O-2 trúng tên lửa. Kíp lái tử vong.

14.5 – Máy bay trinh sát OV-10 bị bắn rơi ở An Lộc, phi công nhảy dù thoát hiểm.

22.5 – Máy bay tiêm kích ném bom F-4 bị bắn hạ sau khi tấn công một mục tiêu mặt đất. Tổ lái nhày dù.

24.5 – Máy bay trực thăng UH-1 bị bắn rơi ở Huế, 4 quân nhân tử vong. 1 máy bay trực thăng AH-1 bị bắn rơi ở An Lộc, kíp lái tử vong.

25.5 – Máy bay trinh sát OV-10 bị bắn rơi ở Huế, kíp lái nhẩy dù.

26.5 – máy bay cường kích TA-4 trúng tên lửa ở khu vực thành phố Huế, trên đường bay về Đà Nẵng bị rơi xuống biển, kíp lái nhảy dù.

11.6 – máy bay trực thăng trinh sát OH-6 bị bắn hạ ở khu vực tỉnh Thừa Thiên, kíp lái tử vong.

18.6 – Máy bay yểm trợ hỏa lực AC-130 bị trúng tên lửa ở khu vực A Sầu, trong 15 thành viên chỉ có 3 người sống sót.

20.6 – máy bay trực thăng tiến công AH-1 bị bắn rơi ở khu vực An Lộc, kíp lái tử vong.

21.6 – máy bay trực thăng tiến công AH-1 trúng tên lửa ở khu vực An Lộc, kíp lái thoát hiểm.

29.6 – máy bay trinh sát OV-10 trúng tên lửa ở khu vực Quảng Trị, phải hạ cánh xuống biển, phi công tử vong, quan sát viên sống sót.

2.7 – máy bay trinh sát OV-10 bị bắn rơi ở biên giới Camphuchia – Việt Nam. Phi công sống sót.

5.7 – máy bay ném bom A-37 bị rơi ở Huế, phi công nhảy dù.

11.7 – máy bay trực thăng vận tải CH-53 trúng tên lửa khi đang đổ bộ lực lượng lính dù ở khu vực Quảng Trị, kíp lái 6 phi công Mỹ và 50 lính dù Sài Gòn, sống sót 3 phi công Mỹ và 7 lính dù.

31.10 – trực thăng vận tải CH-47 trúng tên lửa ở ngoại vi Sài Gòn, 15 binh sĩ Mỹ tử vong (thông tin khác là 22).

23.11 – Máy bay trinh sát O-2 bị bắn rơi ở An Lộc, phi công nhảy dù thoát nạn.

3.12 – Máy bay trực thăng AH-1 trúng tên lửa, kíp lái thoát nạn.

19.12 – Máy bay trinh sát OV-10 trúng tên lửa ở Quảng Trị, cố bay ra đến biển, 1 phi công tử vong.

8.01.1973 – trực thăng UH-1 trúng 2 tên lửa ở Quảng Trị. 6 lính Mỹ tử trận.

27.01.1973 – Máy bay trinh sát OV-10 trúng tên lửa ở Đông Hà, kíp lái nhảy dù và tử vong.

Danh sách tạm tính các tổn thất phương tiện bay cho thấy, hầu hết các máy bay trực thăng trúng tên lửa, phi hành đoàn tử vong. Tên lửa A-72 đã ngăn chặn hầu hết các phương tiện bay thấp (trực thăng yểm trợ hỏa lực, máy bay trinh sát tầm thấp và máy bay vận tải. Các trường hợp thoát chết khá hiếm đối với trực thăng chiến đấu.

Tổng số các phương tiện bay bi trúng tên lửa vác A-72 bao gồm có 24 đơn vị (14 máy bay và 10 máy bay trực thăng – nguồn tin khác cho rằng cần bổ xung thêm 4 phương tiện bay khác cũng bị bắn hạ). Trong đó, Không quân Mỹ mất 13 chiếc, Lục quân mất 9 chiếc, Lính thủy đánh bộ - 2 chiếc. Các máy bay bị rơi bao gồm có OV-10, O-1 và O-2, A-37, C-130, TA-4 và 1 F-4. Trực thăng là AH-1, UH-1, CH-47 và CH-53, OH-6 ; tử vong 79 thành viên phi hành đoàn và gần 50 binh sĩ Sài Gòn.

Hầu hết các con mồi của A-72 là các máy bay động cơ piston và tua bin phản lực cánh quạt, có hai máy bay phản lực là máy bay A-37 "Dragonfly" và TA-4F "Skyhawk". Các máy bay chiến đấu khác của Mỹ có tốc độ cao (F-4, F-8, A-6, A-7) không bị bắn rơi, ngoại trừ 1 chiếc F-4 là trường hợp đặc biệt. Hầu như các máy bay đều bị tiêu diệt bởi một tên lửa. Duy nhất có một trường hợp AC-130 bay được về căn cứ, 9 thành viên trong số 13 người sống sót.

Với máy bay trực thăng chiến đấu, tình hình tệ hơn rất nhiều, chỉ có 2 tổ lái thoát chết trong số 9 phi hành đoàn trúng tên lửa, đều bay trên AH-1 "Cоbrа". Trường hợp rõ nét nhất là chiếc AH-1, bị trúng tên lửa ở An Lộc ngày 21.7. Máy bay đang bay ở độ cao 1 km. Phi công đại úy Mike Brown vừa hét lên: “Tên lửa” vừa cố gắng giữ được kiểm soát chiếc máy bay bốc cháy và thực hiện mọi điều cần thiết đã được nghĩ ra trước đó. Cobra rơi xuống đám cây rừng, làm nhẹ đi cú va chạm và không phát nổ, hai phi công thoát chết.

Phân tích vùng chiến thuật cho thấy, vào năm 1972 các tên lửa A-72 được biên chế cho một số các đơn vị QĐND Việt Nam. Hiệu quả tác chiến đạt được cao nhất ở miền Trung (vùng chiến thuật I), gần Huế và Quảng Trị nơi A-72 xuất hiện đầu tiên, vùng tác chiến nguy hiểm thứ 2 của A-72 là An Lộc (vùng chiến thuật III), lần phóng tên lửa đầu tiên vào ngày 8-9.5. Sau đó, ở phía cận nam của miền Nam Việt Nam, một máy bay CH – 47 trúng tên lửa A-72. Một số nguồn tin từ những tác giả tiếng Nga cho các thông tin khác không đồng nhất với những thông tin từ phía các tác giả Mỹ.

Strela - 'Nỏ thần' gây khiếp đảm trên chiến trường Việt Nam ảnh 4
Phân đội "Nỏ thần' Strela-2M diễn tập bắn đạn thật.

Huấn luyện sử dụng tên lửa vác của lực lượng Hải quân Việt Nam

Trong một bài viết của tạp chí Hàng không và thời gian năm 2006, số 5 của hai tác giả Zhirohova Michael và Alexander Kotlobovskiy có thông tin thống kê các thành tích của A-72 chống lại máy bay trực thăng chiến đấu của Mỹ tại khu vực An Lộc. 25 lần phóng đạn đã bắn hạ 18 máy bay trực thăng, đặc biệt là ngày đen tối của không quân Mỹ vào 12.5 tại khu vực An Lộc, trong vòng một tiếng rưỡi 5 máy bay trực thăng AH-1 trúng tên lửa và bị bắn rơi.

Sau năm 1973, không quân Sài Gòn tiếp tục bị tổn thất nặng nề bởi tên lửa A-72 cho đến tận mùa xuân năm 1975. Nguy cơ bị tiêu diệt bởi A-72 đã buộc các máy bay cường kích của Sài Gòn phải bay cao và không hoàn thành nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực cho bộ binh.

Ngày 28.1.1973 chính thức Hiệp định Paris có hiệu lực. Sau 5 tháng yên tiếng súng, đến tháng 7.1973 có 22 lần QĐND Việt Nam sử dụng tên lửa A-72, bắn rơi 7 máy bay của không quân Sài Gòn. ( theo William Le Gros,, "Vietnam: Cease Fire To Capitulation"): bao gồm có A-37 ở Quảng Trị, 2 chiếc A-1 và 1 chiếc F-5 ở Bình Long, 1 chiếc UH-1 ở Quảng Trị, 1 chiếc A-1 ở Tiên Phước, 1 chiếc UH-1 ở Biên Hòa và 1 chiếc CH – 47 ở Biên Hòa. Tính tổng số từ tháng 1.1973 đến mùa hè 1974, con số tổn thất máy bay của quân đội Sài Gòn là: máy bay A-1 – 5; A-37 – 5; AC-119 – 1; F-5 – 1; UH-1 – 3; CH-47 – 2. Tổng số là 17 phương tiện bay các loại. Đây là con số thống kê của trang globalsecurity.org. Báo cáo chính thức của tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ cung cấp là quân đội Sài Gòn tổn thất 23 máy bay chiến đấu. Đến cuối năm 1974 tổng số lên đến 28 máy bay, trong đó có ít nhất một chiếc AC-119.

Từ giai đoạn cuối năm 1974 cho đến ngày giải phóng Sài Gòn, số lượng máy bay bị tiêu diệt bởi A-72 không có từ các nguồn nước ngoài, các nhân chứng cho rằng ít nhất có 1 chiếc A-1 và một chiếc AC-119 bị tên lửa A-72 bắn rơi vào ngày 29.4.1975.

Từ những thống kê số liệu của các nguồn thông tin từ Mỹ và các nguồn thông tin nước ngoài cho thấy, trên chiến trường Miền Nam Việt Nam, tên lửa Strela – 2 (A-72) đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước. Là vũ khí phòng không cá nhân, A-72 đã hủy diệt hoàn toàn khả năng yểm trợ hỏa lực của các phương tiện bay tầm thấp của đối phương, buộc các máy bay chiến đấu cánh quạt giảm hiệu suất tác chiến nhiều lần, đồng thời các máy bay cường kích và yểm trợ hỏa lực phải bay lên cao, chịu đòn tấn công của các tên lửa tầm cao như S-75.

Thiếu hỏa lực yểm trợ đường không, quân đội Sài Gòn đã hoàn toàn mất khả năng chiến đấu theo những giáo trình chiến thuật của Mỹ đã được huấn luyện, tạo điều kiện cho lực lượng QĐND sử dụng các phương tiện tác chiến hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép và đập tan mọi sự kháng cự của quân đội Sài Gòn, mang lại chiến thắng cuối cùng. Giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước.

Tính năng kỹ chiến thuật của tên lửa A-72

Tổ hợp tên lửa "Strela-2М" (9К32М)

Tầm cao tối đa của mục tiêu: Từ 500 đến 2300 m

Tầm cao tối thiểu của mục tiêu: 50 m

Tầm bắn xa nhất khi tên lửa đuổi theo mục tiêu: 4200 m

Tầm bắn xa nhất khi tên lửa bay đón đầu mục tiêu: 2800 m

Tốc độ tối đa của mục tiêu, km/h (m/s):

- Đuổi mục tiêu:   950 (đến 260)

- Đón đầu mục tiêu:  550 (đến 150)

Khối lượng của tổ hợp tên lửa: 15 kg

Thời gian từ hành tiến vào sẵn sàng chiến đấu, 10 giây

Thời gian chuẩn bị của tổ hợp để bắn, lắp pin 9B17, 5 giây

Dải nhiệt độ hoạt động, - 40 – +50 ºС

Ngày nay, trong biên chế trang bị của QĐND Việt Nam đã được biên chế tên lửa Igla, có tầm bắn và khả năng tác chiến mạnh hơn và tính năng ưu việt hơn so với Strela – 2 (A-72). Và tên lửa A – 72 cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong chiến tranh giữ nước và dựng nước.

 TTB