Trước làn sóng phản đối và đe dọa tẩy chay, Mark Zuckerberg đã phải đăng đàn trên tài khoản Facebook của mình lẫn trên kênh tin tức CNN để xoa dịu người dùng, cũng như giải thích phương hướng giải quyết của công ty.
Theo Quartz, Zuckerberg lẽ ra nên lưu tâm đến những điều mà vị CEO quá cố của Apple - Steve Jobs - cảnh báo 8 năm về trước. Thời điểm đó, Facebook mới chỉ có khoảng nửa tỷ người dùng; và tại Hội thảo AllThingsD do Wall Street Journal tổ chức, Steve Jobs đã chia sẻ về ý nghĩa thực sự của quyền riêng tư. Zuckerberg lúc đó đang ngồi trong khán phòng và chờ để được phỏng vấn.
Khi được nhà báo Walt Mossberg hỏi về những suy nghĩ của ông đối với vấn đề quyền riêng tư xung quanh mạng xã hội Facebook (vốn lúc này đang chỉnh sửa các thiết lập kiểm soát quyền riêng tư sau khi bị chỉ trích ép buộc người dùng chia sẻ dữ liệu), và Google (bị cáo buộc ghi lại các thông tin wifi riêng tư), và có phải quan điểm của Thung lũng Silicon về quyền riêng tư có những khác biệt so với phần còn lại của thế giới hay không, Steve Jobs đã nói: "Thung lũng Silicon không phải là một khối thống nhất. Chúng tôi (Apple) luôn có quan điểm về quyền riêng tư rất khác so với một số đồng nghiệp tại Thung lũng".
Theo Steve Jobs thì Apple không để cho các nhà phát triển tự ý thông báo cho người dùng rằng các ứng dụng của họ đang theo dõi vị trí của người dùng, mà chính Apple sẽ hiển thị một cửa sổ pop-up để cảnh báo với khách hàng của mình rằng có một ứng dụng đang theo dõi họ, và đề xuất khách hàng ngăn chặn ngay hành vi này nếu họ không muốn.
"Chúng tôi làm rất nhiều điều như vậy để đảm bảo mọi người biết những ứng dụng kia đang làm gì". Và đó là một triết lý mà cho đến nay, người kế nhiệm của ông - Tim Cook - vẫn tiếp tục giữ vững.
Steve Jobs chia sẻ về quyền riêng tư
Sau đó, Mossberg tiếp tục hỏi Steve Jobs rằng liệu triết lý này có được áp dụng đối với các ứng dụng trên mây của chính Apple hay không, ông đã trả lời rằng: "Quyền riêng tư nghĩa là mọi người biết họ đang ký kết điều gì, đúng theo nghĩa đen của nó, và cứ thế mà tiếp tục. Tôi là một người lạc quan; tôi tin mọi người đều thông minh, và một số muốn chia sẻ nhiều dữ liệu hơn số khác. Hãy hỏi họ. Lúc nào cũng phải hỏi. Cho họ quyền bảo bạn đừng hỏi nữa nếu họ quá mệt mỏi với việc bạn cứ hỏi mãi. Cho họ biết chính xác bạn đang và sẽ làm gì với dữ liệu của họ".
Zuckerberg đã phải đối mặt với chỉ trích về việc Facebook làm gì với dữ liệu người dùng từ khi mạng xã hội này vừa xuất hiện. Năm 2007, vị CEO trẻ tuổi này đã từng xin lỗi một lần khi một sản phẩm của Facebook lợi dụng tính năng theo dõi người dùng quá quyền hạn cho phép. Năm 2010, anh biết vấn đề này đang nổi lên lần nữa, và công ty đã phải thay đổi các tùy chọn quyền riêng tư của mình. Năm 2014, và tiếp theo là năm nay, 2018. Nếu ngay từ đầu, công ty này thẳng thắn hơn về việc các nhà phát triển có thể tận dụng các dữ liệu được chia sẻ bởi người dùng Facebook và bán chúng cho bên thứ ba như thế nào, có lẽ họ đã chẳng phải dính vào vũng lầy như hôm nay.
"Rất nhiều người trong Thung lũng nghĩ chúng tôi (Apple) thật cổ hủ về vấn đề này. Có lẽ đúng thế thật, nhưng chúng tôi thực sự lo lắng về những vấn đề như vậy", Job nói.
Theo Báo Diễn đàn đầu tư