SSI: Lợi nhuận ngân hàng dự kiến tăng 15,4% trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Tín dụng phục hồi, chi phí vốn giảm và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng ổn định là những yếu tố có thể hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng cải thiện trong năm 2024, theo SSI.

Quan điểm này được nhóm phân tích CTCP Chứng khoán SSI (SSI) nêu trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng năm 2024 vừa công bố.

Theo SSI, năm 2024 tiếp tục là năm có nhiều thách thức đối với chất lượng tài sản của ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, tình hình chung của ngành sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, chủ yếu nhờ vào chi phí vốn giảm và lợi nhuận trước dự phòng cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa tạo bộ đệm dự phòng tốt hơn.

Ở kịch bản cơ sở, SSI dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 có thể đạt 6-6,5%, lãi suất trung bình duy trì ở mức thấp và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có cơ chế linh hoạt trong việc ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.

SSI ước tính, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% so với cùng kỳ, cải thiện đáng kể so với mức tăng 4,6% trong năm 2023.

Dự báo này được đưa ra dựa trên triển vọng tăng trưởng tín dụng phục đạt 14%, biên lãi ròng (NIM) phục hồi lên mức 3,75% và tăng trưởng thu nhập ròng ngoài lãi (Non-NII) ổn định ở mức 7% so với cùng kỳ.

Nợ xấu tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024

Theo SSI, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể sẽ tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.

"Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2024 sẽ không có nhiều thay đổi so với năm 2023, do cuối năm dự kiến các ngân hàng sẽ đẩy mạnh xóa nợ xấu và nền kinh tế phục hồi mạnh hơn", báo cáo viết.

SSI cho biết, các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn và các khoản vay cũ) tiếp tục cần được giám sát.

Bên cạnh đó, nếu dự thảo sửa đổi Thông tư 16 nới lỏng việc hạn chế đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của ngân hàng được thông qua, không loại trừ khả năng một phần rủi ro tín dụng sẽ quay trở lại đối với các ngân hàng tích cực mua lại trái phiếu doanh nghiệp.

Theo SSI, tiêu chuẩn ghi nhận nợ quá hạn giữa các ngân hàng đang có sự khác biệt tương đối lớn. Trong năm 2023, một số ngân hàng niêm yết quy mô nhỏ đã công bố chất lượng tài sản không đúng với thực tế.

"Do đó, nợ có vấn đề trong hệ thống ngân hàng (không bao gồm SCB) có thể cao hơn so với mức 5,3% của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu", SSI cho hay.

Xem xét kết quả xử lý nợ trong giai đoạn 2012-2017 và 2017-2021, SSI ghi nhận 65% nguồn xử lý nợ xấu đến từ việc sử dụng dự phòng đã trích để xóa nợ xấu của ngân hàng.

Do đó, SSI dự báo hệ thống ngân hàng có thể mất 2-3 năm để trích lập đủ số dự phòng cần thiết và xóa các khoản nợ xấu đó. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn (như ACB, VCB, CTG, BID…) sẽ hồi phục sớm hơn và ngược lại.

Cuối cùng, SSI duy trì quan điểm "Trung lập" đối với ngành ngân hàng trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ.

Tuy nhiên, đơn vị phân tích cho biết vẫn ưa thích những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như ACB và VCB, vì các ngân hàng này sẽ hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành.

BID cũng là cổ phiếu được chọn do kế hoạch phát hành riêng lẻ sắp tới được kỳ vọng hỗ trợ cho quá trình xử lý nợ xấu và triển vọng tăng trưởng trung hạn của ngân hàng này. Ngoài ra, SSI chọn thêm STB vì câu chuyện xoay quanh tiến độ tái cơ cấu./.