Sony cân nhắc bán mảng smartphone: Vì đâu nên nỗi?

Đầu tuần này, Sony thông báo chiến lược của công ty từ năm 2015 đến 2017 sẽ bao gồm việc giảm bớt sự tập trung cho các mảng smartphone và TV.

Đồng thời, Sony chuyển hướng đến những mảnh đất mà công ty tin tưởng là sẽ đem lại sự tăng trưởng thật sự như Playstation, cảm ứng ảnh cho điện thoại và camera cũng như ngành kinh doanh giải trí.

Điều này cho thấy, Sony dường như đã mất niềm tin vào mảng di động. Vậy chuyện gì đang diễn ra? Sony nên làm gì để cải thiện tình hình hoặc họ có nên cắt giảm lỗ và bán mảng di động như những gì công ty này đã làm với mảng máy tính PC VAIO vào cuối năm ngoái?

Theo phóng viên Rober Triggs của trang Android Authority, vấn đề chính đối với mảng di động của Sony xuất phát từ khủng hoảng bản sắc. Với tư cách là một người yêu thích các sản phẩm Android, anh Triggs cho rằng Sony đã phát triển được những sản phẩm di động chất lượng cao, nhưng các sản phẩm chủ đạo lại chưa tạo tiếng vang đủ lớn để giúp thương hiệu này gây được sự chú ý ở phạm vi rộng hơn. Sony không có hệ thống âm thanh BoomSound, màn hình QHD, khả năng tự động chỉnh tiêu cự bằng laser, cảm ứng sinh trắc học, điện thoại “phablet” hay những tính năng phần mềm được đánh giá cao. Những điều này có lẽ chỉ là những mánh lới quảng cáo nhưng nó giúp sản phẩm của bạn nổi bật hơn và cho chúng ta một chủ đề để bàn luận.

Hơn thế nữa, giá cả và tính năng của những sản phẩm của Sony không thể cạnh tranh với Moto E, G hay những thương hiệu nhỏ hơn như Huawei và Lenovo. Kết quả là, Sony trở thành nạn nhân của cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường ngày nay.

Vấn đề này cũng xảy ra với mảng marketing của công ty. Có quá nhiều những sản phẩm trông giống nhau và nghe tên na ná nhau khiến người dùng khó có thể nán lại lâu trong quầy sản phẩm của hãng. Anh Triggs thừa nhận chính mình cũng khó phân biệt được sự khác nhau giữa Xperia M, L, E3, M2 hay T2 Ultra và không có một khác biệt nào quá lớn khiến người tiêu dùng quyết định bỏ tiền lên đời chiếc Xperia Z1 của mình thành Z2, hay Z3.

Có lẽ Sony đang ngày càng giảm bớt sự tập trung của hãng vào các sản phẩm di động và chỉ tập trung vào các mảng nhỏ hơn, các sản phẩm độc đáo hơn. Anh Triggs cho biết, mình cảm thấy thất vọng nếu Sony bán mảng di động hoặc biến mất luôn khỏi thị trường, nhưng anh hiểu vì sao Sony mất niềm tin vào mảng di động.

Phóng viên Matthew Benson cũng đưa ra một số nguyên nhân lý giải về quyết định của Sony. Anh cho biết, với tư cách là một người vô cùng say mê những sản phẩm của Sony từ cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, anh cảm thấy vô cùng mỉa mai khi bây giờ Sony còn xếp sau những thương hiệu như Samsung hay LG. Thử hỏi nếu quay lại thời những năm 2000, có bao nhiêu người muốn sở hữu một chiếc máy tính của Samsung hay điện thoại của LG?

Sony đã trở thành một mớ thực sự hỗn độn. Vấn đề tái cơ cấu là câu chuyện kéo dài hơn một thập kỷ và mãi không kết thúc. Vấn đề chính của Sony xuất phát tư sự bất lực, bất lực trong việc chấp nhận sự thay đổi của thị trường, bất lực khi tuân theo cơ cấu giá sản phẩm. Cách đây vài năm, VAIO Z là một dòng laptop quá tuyệt vời, nhưng liệu có bao nhiêu người ở đây đủ khả năng sở hữu một chiếc? Tương tự như vậy, Sony đã tung ra thị trường sản phẩm OLED TV hàng năm trời nhưng số lượng bạn được rất ít và có giá lên tới hàng ngàn USD.

Nếu bạn vào trang web của Sony những ngày này, bạn sẽ cảm thấy thất vọng vì số lượng sản phẩm được đưa ra quá ít ỏi. Dòng sản phẩm từng là niềm tự hào của Sony, VAIO đã biến mất. Trong khi đó, nhiều báo cáo gần đây cho thấy Sony đang gặp khó khăn với mảng di động. Thông tin này chắc chắn sẽ gây sốc cho những người sống tại Nhật Bản, nơi mà dường như thương hiệu này còn đang rất thịnh vượng, chỉ đơn giản bởi “nó là hàng Nhật Bản”.

Với tất cả những khủng hoảng đó, có ai nhận ra những tin tức xuất hiện trên mặt báo có liên quan đến Sony gần đây đều là những tin về các sản phẩm thiếu thực tế, ví dụ như Sony Walkman ZX2, hay thẻ Micro SD Hi-Fi. Anh Benson cho rằng, một đứa trẻ 10 tuổi khi lớn lên sẽ chẳng bao giờ quan tâm Sony là ai, hay biết đến thời hưng thịnh của Sony dù ngay trong cái năm mà đứa trẻ đó được sinh ra, công ty này vẫn đang ở trên điểm cực thịnh.

Vấn đề lớn nhất của Sony, thẳng thắn mà nói, chính là Sony. Công ty này luôn cố gắng thử bắt tay sản xuất mọi thứ, nhưng chính vì thế mà nảy sinh nhiều thiếu sót. Có lẽ, một trong những điều thiếu sót lớn nhất chính là khả năng marketing sản phẩm tại thị trường nước ngoài. Khi bạn nghĩ đến những sản phẩm chủ đạo của Sony, tất cả những gì bạn nghĩ ra được là các dòng máy Xperia Z. Một nguyên nhân nữa có thể do Sony đã mất gần hết nhân tài và đang hoạt động trong một cái vỏ rỗng.

Cách đây vài tuần, phóng viên Benson đăng một bài trên trang Android Authority về việc công ty VAIO sẽ sớm cho ra mắt sản phẩm smartphone VAIO. Benson tin tưởng vào lời tuyên bố đó và cho rằng sản phẩm này sẽ đánh bại doanh số của Xperia. Nó sẽ chính là cái tát giáng vào mặt Sony. Phóng viên Benson còn cho biết, anh nghĩ những gì Sony cần là một vị lãnh đạo thực sự, có thể sửa chữa những sai lầm trong chiến lược phát triển sản phẩm và doanh số.

Phóng viên Bogdan Petrovan của trang Android Authority cũng đưa ra một vài nhận định về vấn đề của Sony như sau: Anh cảm thấy buồn khi nhìn thấy Sony vật lộn để tạo nên sự khác biệt trong mảng di động, dù hãng này có nhiều ưu thế lớn so với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.

Sony đã mắc phải sai lầm ngay từ suy nghĩ “sự đầu tư khổng lồ vào thương hiệu là không cần thiết vì tự tên gọi và logo đã thể hiện điều đó” và kể cả cuộc “hôn nhân” với hãng Ericson cũng là một sai lầm.

Trước kia, không nhà sản xuất thiết bị Android gốc nào có thể sánh với Sony về sức mạnh thương hiệu và sự phổ biến trên toàn cầu. Thế nhưng, Sony lại không cố gắng để cạnh tranh trên nhiều thị trường. Thậm chí, Play Station với tư cách là kẻ thống trị trên mảng game console, cũng không tạo nên mối liên kết nào với các sản phẩm Xperia và những mối liên hệ ít ỏi giữa hai dòng sản phẩm cũng không khiến chúng thúc đẩy lẫn nhau.

Điều tương tự xảy ra với mảng giải trí. Không hiểu vì sao Sony lại không tận dụng những lợi thế sẵn có của mảng này. Phải chăng vì công ty này đã quá già và cứng nhắc trong cách thức thực hiện hiện, hay đó là lỗi của một vị lãnh đạo có tầm nhìn hạn hẹp?

Như phóng viên Rob đã nhắc ở trên, Sony thiếu đi những tính năng độc đáo và khó để tạo cho mình sự khác biệt, dù cho mọi người thừa nhận rằng Xperia là những sản phẩm tốt.

Việc mọi người thích những dòng quảng cáo hào nhoáng thì không phải là lỗi của Sony, nhưng lỗi của Sony chính là họ có một nguồn lực dồi dào nhưng lại chẳng thể nhận ra thị hiếu của người tiêu dùng.

Vậy, Sony có nên từ bỏ mảng di động không? Về lâu dài, đó có thể là một sự lựa chọn sáng suốt khi thị trường này ngày càng có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh, số tiền thu được ngày càng ít. Sony nên cắt giảm lỗ càng sớm càng tốt. Thế nhưng dù thị trường có bao nhiêu đối thủ cạnh tranh đi nữa, những kẻ tức thời vẫn là những kẻ chiến thắng.

Sony đã có thể trở thành Apple của Android nếu tập trung toàn bộ nguồn lực vào những mẫu sản phẩm tuyệt vời và marketing một cách thông minh. Thế nhưng, điều này có lẽ sẽ chẳng thể xảy ra.

Theo ICTnews